Khi ăn lẩu không thể thiếu được các loại rau, nhưng điều cần chú ý là không phải loại rau nào cho vào lẩu cũng an toàn, nhất là khi kết hợp với những loại thực phẩm khác.
Lẩu là món ăn quen thuộc với nhiều người trong mùa lạnh. Khi ăn lẩu mọi người thường kết hợp giữa những loại thực phẩm giàu đạm, protein với các loại rau để nhúng cùng vừa tạo hương vị, độ ngon cho món ăn, vừa cân bằng dinh dưỡng.
Tuy nhiên, khi ăn kết hợp các loại thực phẩm, nhất là các loại rau với thịt - cá thì cần lưu ý, vì có những loại thực phẩm “kỵ nhau”, nếu nấu chung sẽ gây tác dụng ngược, làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng, thậm chí là ảnh hưởng tiêu hóa...
Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, về cơ bản lẩu không thể ăn liên tục ngày này qua ngày khác, mà chỉ lâu lâu mới ăn một bữa nên tác hại không quá ghê gớm.
“Mọi người hay nói là thực phẩm kỵ nhau, nhưng thực tế nó không ghê gớm đến mức gây ngộ độc cấp cứu hay chết người. Khi ăn lẩu mọi người cần lưu ý, với những loại rau sống như các loại rau thơm, rau xà lách, rau diếp, giá đỗ… không nên nhúng vào lẩu, mà nên ăn sống.
Một số loại rau thơm, giá đỗ nên ăn sống, không nên nhúng lẩu vì sẽ mất hết chất.
Các loại rau này nếu đảm bảo an toàn thì ăn sống sẽ tốt hơn, vì khi cho vào nồi lẩu rất nhanh nát, hàm lượng vitamin và khoáng chất gần như mất sạch”, tiến sĩ Từ Ngữ khuyên.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng, không chỉ rau sống mà tất cả các loại rau khi ăn lẩu chỉ ăn chín tới, không để quá lâu trong nồi lẩu vừa mất chất dinh dưỡng, vừa gây nồng.
Lẩu có rất nhiều loại khác nhau như lẩu hải sản, lẩu gà, lẩu bò… hay thậm chí là kết hợp các loại lại với nhau thành lẩu thập cẩm. Bác sĩ Anh Đào cho biết, tùy từng loại thực phẩm ăn lẩu mà các gia đình nên kết hợp các loại rau cho hợp lý để nhúng cùng.
Khi ăn lẩu hải sản không nên kết hợp với các loại rau chứa vitamin C vì có thể gây ngộ độc.
Theo đó, bác sĩ Đào khuyên khi ăn lẩu với các loại hải sản có vỏ như tôm, ngao, ốc… thì không nên ăn kèm thực phẩm chứa vitamin C như ớt, mướp đắng, cà chua... có thể gây ngộ độc.
Hay như cà chua và khoai lang, khoai tây cũng rất kỵ nhau, tránh dùng chung. Khi kết hợp các loại thực phẩm này với nhau sẽ dẫn đến khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Rau mồng tơi khi kết hợp với thịt bò sẽ mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Những người bị táo bón nếu kết hợp hai thực phẩm này với nhau sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Về phương diện đông y, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, lẩu là món ăn ấm, nóng tốt cho sức khỏe, nhất là vào mùa đông. Lẩu thường kết hợp nhiều loại nguyên liệu với nhau nên khi sơ chế, ăn lẩu cần lưu ý để tránh những thực phẩm kỵ nhau.
Khi ăn lẩu nên chọn một số loại rau lành tính, tránh những thực phẩm kỵ nhau.
Lương y Hồng Minh khuyên, ăn lẩu nên chọn cách loại rau lành tính như: rau muống, cải thìa, cải cúc… Rau nên làm sạch và nấu chín mới ăn để tránh giun sán.
"Cần chú ý thịt gà không nên ăn cùng rau kinh giới; Thịt lợn không ăn cùng với rau mùi vì rau mùi có tính tân tán còn thịt lợn có tính ngưng trệ. Hai thứ xung khắc nhau, khi kết hợp ăn cùng sẽ sinh đau quặn ở xung quanh rốn. Thịt dê khi kết hợp với thịt lợn sẽ sinh khí trệ sinh đờm…", ông Minh đưa ra một vài ví dụ cụ thể.
Ngoài ra, một số người có tiền sử mắc các bệnh dạ dày, tiêu hóa cũng không nên ăn lẩu, vì trong lẩu thường có chất cay, nhiều chất đạm sẽ gây tổn thương đến dạ dày, tuyến tụy, tiêu hóa.
Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên ít ăn hoặc không nên ăn lẩu nhiều đạm mỡ. Lẩu chứa nhiều gia vị, thực phẩm đôi khi không để ý sẽ có nguy cơ gây hại cho thai nhi vì vậy phụ nữ có thai nên hạn chế ăn lẩu.
Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thanh Nhàn