Vết thương hoặc mô mềm tiếp xúc với vi khuẩn sống trong nước biển hoặc hải sản (ví dụ cá, tôm, đặc biệt là hàu đánh bắt từ vùng biển nước ấm) rất dễ bị hoại tử.
Cụ già họ Lâm, 70 tuổi ở Nam Kinh gần đây đã bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus sau khi ăn sashimi cá hồi, dẫn đến rắc rối nghiêm trọng. Hồ sơ bệnh án cho thấy, sau khi ăn sashimi cá hồi, ông cụ lên cơn sốt cao, nôn mửa dữ dội, sưng đỏ chi trên, huyết áp tụt xuống khiến đầu óc choáng váng dù không có vết thương nào trên người.
Ngay sau đó, ông được đưa đến viện kiểm tra và xét nghiệm máu. Ông được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus, khiến tay sưng phồng, có nguy cơ hoại tử cao. Bác sĩ điều trị cho ông trong suốt gần nửa tháng, các triệu chứng mới thuyên giảm.
Tay cụ ông hoại tử vì món cá sống. (Ảnh minh họa).
Bác sĩ giải thích, vi khuẩn Vibrio vulnificus đến từ các món ăn bắt nguồn ở biển, xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường miệng hoặc ở vết thương hở trên các chi của người bị suy giảm miễn dịch. Các triệu chứng ban đầu của nhiễm vi khuẩn này là đau, viêm đỏ, sưng tấy ở chi (tay, chân), tuy nhiên rất khó để chẩn đoán chứng bệnh ở giai đoạn đầu. Thậm chí, các vết thương ngoài da có thể không nhìn thấy bằng mắt thường.
Tới giai đoạn sau, người bệnh có thể bị đau chi dữ dội, vùng bị viêm mẩn đỏ và hoại tử mô nhanh chóng. Bệnh này được y khoa gọi là Viêm cân mạc hoại tử, trong đó vi khuẩn ở mô mềm và cân mạc (lớp mô bao phủ bề mặt cơ) có thể làm tổn thương mô cơ thể, gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng. Thời gian ủ bệnh thường từ 12 đến 72 giờ.
Theo thông tin từ Trung tâm An toàn Thực phẩm Hong Kong, người khỏe mạnh hiếm khi nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus từ thực phẩm. Người sức khỏe yếu, hệ miễn dịch yếu có thể nhiễm vi khuẩn này, gây ra các triệu chứng của viêm dạ dày ruột như sốt, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Ở những người bị bệnh mãn tính, đặc biệt là những người bị bệnh gan hoặc nghiện rượu, tiểu đường, bệnh huyết sắc tố, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng huyết nguyên phát (còn gọi là nhiễm trùng máu), có thể gây tử vong trong những trường hợp nặng. Do đó, bác sĩ khuyên rằng các món đồ sống vốn rất ngon miệng nhưng những người có khả năng miễn dịch thấp nên tránh ăn món này. Khi chế biến, lại càng phải cẩn thận.
Chế biến và ăn hải sản sống sao cho đúng cách?
Không nên ăn đồ sống. Cần tránh lây nhiễm chéo hải sản nấu chín và các thực phẩm khác với hải sản sống.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đeo găng tay bảo vệ và tránh để bị thương khi xử lý hải sản. Nếu bạn bị thương trong quá trình chế biến hải sản, hãy rửa vết thương bằng xà phòng và nước càng sớm càng tốt. Nếu các triệu chứng nhiễm trùng như đỏ da và đau trở nên nghiêm trọng hơn, nên đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Nấu kỹ động vật có vỏ (sò, trai,trai). Đừng ăn khi đồ có vỏ chưa mở nắp. Riêng hàu, nên nấu trong ít nhất 3 phút. Động vật có vỏ nên được ăn ngay sau khi nấu chín.
Với các món sashimi, nên chọn mua các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến, bảo quản lạnh theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Không mua đồ không rõ nguồn gốc, kém tươi, thời hạn bảo quản không rõ ràng.
Khi thưởng thức, nên ăn cùng gừng, lá tía tô, muối... vừa tăng hương vị, vừa diệt vi khuẩn có hại.
Mọi hải sản đều chứa hàm lượng thủy ngân cao, do đó không nên ăn quá 5 bữa đồ sống một tháng, tránh các vấn đề về tim mạch, hô hấp...