Người phụ nữ bị ung thư phổi thừa nhận thường xuyên nấu nướng, quanh quẩn bên gian bếp nhà mình nhưng không có thói quen bật máy hút mùi vì tiết kiệm...
Bị ung thư phổi sau hơn 2 năm ho bất thường
Vốn là phụ nữ hướng nội, chị Trần (37 tuổi, ở Hồ Nam, Trung Quốc) luôn quanh quẩn với con cái, bếp núc. Gần đây, chị Trần thường có những cơn ho bất thường cùng với những cơn đau âm ỉ ở ngực nên quyết định đi khám.
Sau khi chụp CT và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị ung thư phổi giai đoạn IV: "Chị nhìn xem, đây là hạch cạnh rốn phổi và trung thất. Ngoại trừ 2 nơi này, cả 2 bên phổi của chị đều có nhiều khối u di căn. Tình hình không mấy khả quan, chúng ta hãy làm xét nghiệm bệnh lý xem có thể phẫu thuật được không", bác sĩ giải thích.
Ảnh minh họa.
Chị Trần như chết lặng trước tình trạng bệnh của mình. Suy nghĩ mãi, chị cũng không hiểu sao bệnh tình lại nặng đến vậy. Quanh năm chị chỉ lo chăm sóc gia đình, chị không bao giờ hút thuốc hay uống rượu, cũng không có thói quen xấu nào, sao lại bị ung thư phổi?
Tuy nhiên, bác sĩ giải thích: "Có quá nhiều bệnh nhân nữ như chị, chưa từng hút thuốc nhưng lại được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Không chỉ khói thuốc thụ động mà cả khói dầu trong nhà bếp cũng rất kinh khủng".
Chị Trần thừa nhận, vốn là người phụ nữ gia đình, quanh năm suốt tháng luẩn quẩn trong nhà bếp vì chồng vì con. Điều kiện thuê nhà không tốt lắm, chị tiết kiệm, không sử dụng máy hút mùi trong nhà bếp. Vì vậy, mỗi khi nấu ăn xong, chị thường không muốn ăn nữa, "nuốt thì thấy khá nghẹn"- chị Trần kể
Bác sĩ cho biết: "Đây là hội chứng khói dầu. Khi nấu ăn, nhiệt độ dầu tăng cao và tạo thành nhiều hợp chất, có thể khiến người ta "say dầu".
Theo nghiên cứu, PM2.5 có trong khói dầu sẽ tăng nhanh hàng chục lần khi chiên hoặc nấu bằng dầu nóng. Là chất độc hại sinh ra do nhiệt độ dầu cao, khi dầu cháy đến nhiệt độ 150 độ C, thành phần chính acrolein sẽ thoát ra ngoài và gây hại sức khỏe. Ngoài ra còn có hàng loạt chất độc hại như benzen, formaldehyde, crotonaldehyde, PM10.
Hít phải các chất độc hại trong khói dầu về lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là hệ hô hấp. Rất tiếc, nhiều người nhận thức rõ tác hại mà khói bụi và khói thuốc gây ra cho cơ thể. Nhưng một chất gây ung thư khác ẩn giấu trong nhà bếp là khói dầu, lại thường bị bỏ qua.
5 thói quen tiềm ẩn nguy cơ ung thư phổi trong căn bếp nhà bạn
Dùng máy hút mùi không đúng cách
Việc không dùng máy hút mùi hoặc tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu ảnh hưởng đến hô hấp. Ảnh minh họa
Máy hút mùi giúp loại bỏ hơi dầu mỡ, hơi khói và các hạt bụi có thể tạo ra trong quá trình nấu ăn. Việc không dùng máy hút mùi hoặc tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu có thể khiến cho không gian xung quanh nhà bếp trở nên ngột ngạt và ô nhiễm.
Khi hít các hơi này vào phổi thường xuyên, bạn có thể mắc các vấn đề về hô hấp, thậm chí là ung thư phổi.
Đóng kín cửa khi nấu ăn
Một số người thường có thói quen đóng kín cửa khi nấu nướng để ngăn mùi lan ra các phòng khác. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng cách làm này không hợp lý và thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.
Trong không gian kín, khói từ quá trình nấu nướng sẽ tập trung lại và chúng ta có thể hít phải lượng lớn khói dầu. Việc này gây hại cho hệ thống hô hấp, đặc biệt là phổi. Từ đó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, viêm đường hô hấp, ung thư phổi,...
Để dầu sôi đến bốc khói
Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khói từ dầu ăn được xếp loại vào nhóm 2A - Nhóm các chất có khả năng gây ung thư.
Không chỉ vậy, việc đun dầu sôi đến bốc khói còn có thể làm sản sinh ra các chất nguy hiểm, nổi bật là benzopyrene và peroxide. Khi các chất này xâm nhập vào cơ thể con người, chúng sẽ làm thay đổi cấu trúc và chức năng của DNA trong các tế bào.
Điều này có thể làm hỏng quá trình nhân đôi DNA, gây ra sai sót trong việc sao chép thông tin di truyền, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư phổi.
Dầu sôi đến bốc khói còn có thể làm sản sinh ra các chất nguy hiểm. Ảnh minh họa
Tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Một nghiên cứu tại Đại học Illinois (Mỹ) đã chỉ ra rằng khi dầu ăn được đun nóng nhiều lần, chất béo trung tính trong dầu sẽ bị phân hủy. Quá trình này gọi là "oxy hóa axit béo tự do". Khi dầu ăn bị oxy hóa, các chất béo trong dầu sẽ trải qua sự biến đổi và tạo ra các hợp chất mới, trong đó có một hợp chất có tên là acrolein. Hợp chất acrolein này rất độc hại, có khả năng gây ung thư cho cơ thể.
Quá trình chiên và rán thực phẩm trong dầu nóng cũng có thể tạo ra các cặn cháy. Cặn cháy này là các tàn dư từ thực phẩm, chúng có chứa các hợp chất gây bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư phổi.
Không rửa xong nồi trước khi nấu
Thói quen không rửa kỹ nồi khi chuyển món ăn và tiếp tục sử dụng cùng một chiếc nồi để nấu nhiều món khác nhau có thể gây ra các tác động không mong muốn cho sức khỏe. Việc tiếp tục nấu món ăn trong nồi, chảo còn dư lượng từ món trước cũng có thể làm tăng khả năng bốc khói. Khói này không chỉ gây khó chịu cho thị giác mà còn gây bệnh ung thư phổi.