Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, bị viêm gan C, chị Liên phải truyền máu định kỳ mỗi tháng để duy trì sức khỏe. Ảnh hưởng từ điều này làm tử cung của chị nhỏ như bé gái chưa dậy thì.
Buồng trứng suy kiệt và lão hóa khi mới 30 tuổi
Chị Lê Thị Liên (41 tuổi, ở Long An) bị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) thể nặng, phải truyền máu định kỳ mỗi tháng và phải cắt lá lách từ lúc 5 tuổi. Chị cũng mắc căn bệnh viêm gan C nhiều năm qua. Bệnh tình khiến chị có buồng trứng suy kiệt, bị mãn kinh và lão hóa khi bước sang tuổi 30.
Khi bước sang tuổi 40 và kết hôn 7 năm không có con, chị cùng chồng đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản khám hiếm muộn. ThS.BS Phạm Thị Bảo Yến là người trực tiếp khám cho vợ chồng chị.
Chị Liên phải nhờ bạn thân hiến trứng để có con. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Yến cho biết, đến thời điểm đến khám, chị Liên đã mãn kinh hơn 10 năm, dẫn đến tử cung teo nhỏ như bé gái chưa dậy thì. Vì vậy, chị không thể mang thai tự nhiên. Bác sĩ Yến đã tư vấn cho vợ chồng chị tìm người hiến trứng để thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Sau nhiều ngày đắn đo, vợ chồng chị Liên quyết định nhờ người bạn thân hiến trứng và được người này đồng ý. Bác sĩ Yến cho biết, trước khi thực hiện, cả vợ chồng chị Liên và người hiến trứng được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe kỹ. “Quy trình hiến trứng, thụ tinh ống nghiệm diễn ra thuận lợi, tạo được 7 phôi 5 ngày chất lượng tốt để trữ đông”, bác sĩ Yến chia sẻ.
Chào đón con trai khỏe mạnh ở tuổi 41
Bác sĩ Yến cho biết, ngoài tử cung teo nhỏ, chị Liên còn bị u mạch máu gan, tiểu đường, men gan tăng, độ lọc cầu thận suy giảm khiến việc hỗ trợ sinh sản và nuôi dưỡng thai kỳ an toàn cho chị khó gấp 10 lần. May mắn, sau 4 tháng liên tục điều trị nuôi tử cung phát triển, tăng kích thước nội mạc tử cung, cơ quan sinh sản của chị Liên đã như phụ nữ bình thường để chuyển phôi. “Chị Liên đã đậu thai ở lần thứ hai chuyển phôi vào tử cung”, bác sĩ Yến vui vẻ chia sẻ.
Chị Liên chào đón con trai khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ. Ảnh: BVCC.
Tháng 8/2023, chị Liên chào đón con trai khỏe mạnh bằng phương pháp mổ lấy thai khi vừa bước sang tuổi 41. Được ôm con trai mới sinh vào lòng, chị nói bằng giọng hạnh phúc: “Con trai là điểm tựa tinh thần giúp tôi vượt qua bệnh tật”.
Theo bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Hiền, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương, suy buồng trứng sớm (mãn kinh) được tính từ khi xuất hiện những lần ra máu kinh cuối cùng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là lý do khiến phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn. Nguyên nhân do do bẩm sinh nếu buồng trứng không phát triển và không có từ lúc sinh, bị bất thường nhiễm sắc thể, di truyền, mắc các bệnh như quai bị, ung thư hay mắc bệnh như trường hợp của chị Liên.
Bác sĩ Hiền cho biết, với các trường hợp suy buồng trứng sớm sẽ rất khó có thai tự nhiên. “Hiện tại, chỉ bằng cách xin trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì bệnh nhân suy buồng trứng mới có cơ hội có thai”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người cho trứng cần đảm bảo 18-35 tuổi, tự nguyện hiến, chưa từng hiến trứng dẫn đến sinh con thành công, không đang có thai và cho con bú, không có quan hệ cận huyết với chồng của người nhận trứng, chức năng buồng trứng cần được đánh giá trên xét nghiệm và siêu âm, không mắc bệnh lây qua đường tình dục.
Theo pháp luật, sau khi em bé chào đời khỏe mạnh từ trứng hiến tặng, người nhận trứng phải có trách nhiệm chăm sóc, người hiến không can thiệp. Ảnh: BVCC.
Bên cạnh đó, người hiến và người thân trong gia đình không mắc các bệnh lý về tâm thần, di truyền. Người hiến sẽ kiêng giao hợp, hoặc sử dụng hình thức tránh thai không chứa hormone khi bắt đầu điều trị đến chu kỳ kinh tiếp theo. Các bước kích thích buồng trứng, chọc hút trứng và tạo phôi tương tự như quy trình IVF thông thường. Phôi được tạo ra sẽ chuyển vào buồng tử cung của người xin trứng ở chu kỳ tiếp theo.
Cũng theo quy định của pháp luật, sau khi một đứa trẻ khỏe mạnh chào đời, những trứng còn lại sẽ hủy. Tất cả quyền và trách nhiệm đối với việc chăm sóc đứa trẻ sinh ra do người xin trứng chịu trách nhiệm, người hiến trứng không được can thiệp.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.