Người phụ nữ có vùng nhạy cảm lạ thường, lấy chồng 3 năm không quan hệ được, khát con đi khám mới biết sự thật

Ngày 11/04/2023 10:27 AM (GMT+7)

Đi khám vì mong con, chị Ngân được phát hiện có hai âm đạo, hai tử cung - đây cũng là nguyên do khiến chị đau đớn mỗi khi gần gũi chồng.

Kết hôn hơn 3 năm, nhưng vợ chồng Ngân (33 tuổi, huyện Hóc Môn) không quan hệ tình dục thành công. Mỗi khi quan hệ, Ngân xuất hiện cảm giác đau đớn, sợ hãi. Ngoài ra, cô còn thường xuyên đau vùng chậu, kinh nguyệt không đều.

Mặc dù đã làm đủ mọi cách, từ các biện pháp tâm lý, đến “dụng cụ hỗ trợ” phim ảnh, gel bôi trơn, nhưng cứ mỗi khi chồng gần gũi chồng, Ngân thường co rúm người vì đau và sợ. Cũng vì điều này, vợ chồng cô thực sự chưa một lần “yêu” trọn vẹn.

Một số phụ nữ có dị tật ở vùng sinh sản nhưng tới khi đi khám mới được phát hiện. (Ảnh minh họa)

Một số phụ nữ có dị tật ở vùng sinh sản nhưng tới khi đi khám mới được phát hiện. (Ảnh minh họa)

Thương chồng, khao khát có con, và bế tắc trước “căn bệnh lạ” có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, cuối tháng 3/2023, Ngân đi khám sức khỏe sinh sản với hy vọng có thể sớm mang thai tự nhiên.

ThS.BS Nguyễn Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, xét nghiệm dự trữ buồng trứng của Ngân cho kết quả tốt. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân có gấp đôi số âm đạo, tử cung so với người bình thường. Tử cung bệnh nhân có vách ngăn dọc dài 6,5 cm, âm đạo có vách ngăn dài 7,6 cm. Đây chính là nguyên nhân khiến Ngân đau đớn khi quan hệ tình dục, hoặc thậm chí không thể “yêu” được.

Vách ngăn nằm dọc âm đạo khiến âm đạo chia thành hai khoang, hình thành 2 âm đạo (âm đạo kép, ngăn cách bởi dải mô), 2 cổ tử cung và 2 tử cung riêng biệt. Đây là chứng rối loạn bẩm sinh rất hiếm, xảy ra ở khoảng 0,03% trẻ sơ sinh. Phụ nữ có vách ngăn âm đạo có thể mắc các dị tật khác bên trong cơ thể bao gồm như dị tật về tử cung và buồng trứng, thận, hậu môn trực tràng…

Dị tật tử cung đôi khiến kích thước tử cung của Ngân giảm đi một nửa so với cấu trúc bình thường, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

Vách ngăn chia đôi tử cung, âm đạo. Ảnh: Internet

Vách ngăn chia đôi tử cung, âm đạo. Ảnh: Internet

Để giúp Ngân có thể quan hệ và mang thai tự nhiên, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa (BV Tâm Anh), đã phẫu thuật cắt vách ngăn âm đạo cho Ngân. “Phẫu thuật này giúp người bệnh có thể giao hợp thuận lợi, đồng thời cắt vách ngăn tử cung để tăng đôi diện tích buồng tử cung. Sau phẫu thuật, người bệnh được sử dụng thuốc nội tiết, kiêng quan hệ 4-6 tuần”, bác sĩ Mỹ Nhi cho biết.

Phục hồi nhanh sau ca phẫu thuật, Ngân hy vọng hai vợ chồng kịp đón tin vui trong năm nay. Vợ chồng cô cũng được tư vấn về tâm lý, tình dục học để có thể khởi động lại và cải thiện đời sống tình dục.

Theo bác sĩ, tử cung có vách ngăn là dị tật phổ biến nhất trong tất cả các dị tật tử cung, chiếm khoảng 35% các dị tật tử cung, liên quan đến sẩy thai tái phát và kết quả thai kỳ bất lợi, bao gồm cả sinh non. Vách ngăn tử cung xảy ra ở 1% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 3% phụ nữ vô sinh và 5,3% phụ nữ sẩy thai tái phát.

Dị tật bẩm sinh cơ quan sinh sản nằm ở cấu trúc bên trong cơ thể, chỉ phát hiện khi thăm khám chuyên sâu ở tư thế sản khoa, kết hợp siêu âm 3D, chụp cộng hưởng từ MRI. Các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện khi giao hợp khó, hoặc giao hợp thành công nhưng khó thụ thai, sảy thai, sinh non, vô kinh (không có kinh nguyệt), đau bụng và vùng chậu (do máu tích tụ ở phần trên âm đạo hoặc tử cung). Hầu hết các triệu chứng này không rõ ràng cho đến khi người phụ nữ có kinh nguyệt hoặc hoạt động tình dục.

Bác sĩ Mỹ Nhi (giữa) phẫu thuật trả lại cấu trúc bình thường cho chị Ngân. Ảnh: Tuệ Diễm.

Bác sĩ Mỹ Nhi (giữa) phẫu thuật trả lại cấu trúc bình thường cho chị Ngân. Ảnh: Tuệ Diễm.

Tại một số bệnh viện, những bất thường cơ quan sinh dục nữ được phát hiện ở phụ nữ 25-35. Một số trẻ gái được phát hiện sớm hơn do có biểu hiện bất thường trong tuổi dậy thì. Nhiều trường hợp phát hiện trễ hơn sau đổ vỡ hôn nhân vì không hòa hợp chuyện “chăn gối”. Khám phụ khoa, khám tiền hôn nhân có thể giúp phát hiện sớm các bất thường cơ quan sinh dục, điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng chức năng sinh sản.

Theo trang thông tin của Bệnh viện Từ Dũ, vách ngăn âm đạo là bẩm sinh, do đột biến nào đó xảy ra trong thời điểm cơ quan sinh sản của bé gái bắt đầu phát triển bên trong bụng mẹ (vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ). Đến nay, chưa phát hiện ra yếu tố nguy cơ nào gây ra tình trạng này.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tìm hiểu về bệnh sử và các triệu chứng của bệnh nhân, tiến hành khám phụ khoa và có thể thực hiện một số cận lâm sàng.

Tình trạng có vách ngăn âm đạo không phải lúc nào cũng cần điều trị, bởi một số phụ nữ gặp vấn đề này không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào và cũng không bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nhưng trường hợp vách ngăn gây ra những triệu chứng khó chịu hoặc khi bác sĩ cho rằng vách ngăn âm đạo có thể dẫn đến các biến chứng khi mang thai, bạn có thể phẫu thuật cắt bỏ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ vách ngăn và các cấu trúc bất thường xung quanh, cũng như giải phóng khối máu kinh bị tắc nghẽn.

Vách ngăn âm đạo có thể là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nó ảnh hưởng tới khả năng sinh sản cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó khi gặp phải bất kỳ triệu chứng khó chịu nào hoặc khi nghi ngờ bất thường của cơ thể, tốt nhất nên đi khám để được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.

Lấy chồng 6 năm vẫn là trinh nữ, người vợ khiến bác sĩ cũng sững sờ vì có cô bé quá lạ
Sau 6 năm kết hôn, một cặp vợ chồng đi khám để thụ tinh nhân tạo vì mãi chưa có tin vui. Khám cho người vợ xong, bác sĩ cũng sốc.

Sống khỏe

Theo Tuệ Diễm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh phụ nữ