Vị phó giáo sư bỗng "đổi tính" khi bước vào giai đoạn người trẻ nào cũng ao ước, bác sĩ tâm lý tiết lộ lý do thật

DIỆU THUẦN - Ngày 21/04/2024 14:12 PM (GMT+7)

Từng là chỗ dựa cho cả gia đình, nhưng khi nghỉ hưu, Phó giáo sư Tính bị stress, liên tục phải đi cấp cứu vì những cơn lo sợ kéo đến bất ngờ.

Sau khi nghỉ hưu, liên tục phải đi cấp cứu vì các cơn lo âu

Nghỉ hưu là quy luật tự nhiên trong quá trình làm việc của mỗi chúng ta. Nhiều người mong rằng, bản thân sớm được nghỉ hưu để có nhiều thời gian hơn với gia đình và bản thân. Nhưng cũng có nhiều người, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, họ lại cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng rồi dần rơi vào cảm giác lo sợ, nhất là ở những người lớn tuổi, từng có chức vị cao, thành đạt trong xã hội. 

Mới đây, Ths.BS Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội) đã chia sẻ về một bệnh nhân bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm thể nặng. Người bệnh là ông Nguyễn Bách Tính (72 tuổi, ở Hà Nội) có học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ trước đây làm việc ở Hà Nội, có tính cách chu toàn và cận thận.

Từng là trụ cột kinh tế gia đình, khi bước vào tuổi nghỉ hưu Phó giáo sư Tính rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa.

Từng là trụ cột kinh tế gia đình, khi bước vào tuổi nghỉ hưu Phó giáo sư Tính rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa.

Ngày còn trẻ, ông Tính là trụ cột kinh tế cũng như là chỗ dựa tinh thần, luôn lo lắng cho cả gia đình. Nhưng từ khi nghỉ hưu, vị phó giáo sư thường xuyên bị stress, rối loạn lo âu. “Căn bệnh này đã làm thay đổi con người và tính cách của chú ấy”, bác sĩ Chung chia sẻ.

Bác sĩ Chung cho biết, biểu hiện các cơn lo âu của ông Tính là tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, sợ hãi, run rẩy, nói run, nói lắp và nóng bừng người. Do ông bị phản ứng với một số thuốc điều trị huyết áp khiến cơn huyết áp càng đáng sợ  hơn. “Cơn lo âu khiến chú ấy phải nhập viện cấp cứu 5 lần trong 2 tháng. Cứ sau khi vào bệnh viện xét nghiệm, điều trị xong được xuất viện về nhà chú ấy lại có cơn lo âu trở lại”, bá sĩ Chung thông tin.

Đầu tháng 3 vừa qua, Phó giáo sư Tính đi khám tâm lý một lần nữa. Từ kết quả thang đánh giá, bác sĩ Chung chẩn đoán, ông Tính bị lo âu, stress, trầm cảm nặng. Sau 2 tuần điều trị bằng thuốc phù hợp và được tư vấn tâm lý, huyết áp ông Tính ổn định, người mát, dễ chịu, tính tình trở lại ôn hòa, nhẹ nhàng hơn. Ông cũng không còn xuất hiện cơn lo âu như trước.

Kết quả thang đánh giá tâm lý sau 2 tuần điều trị, ông Tính gần như hết các cơn lo âu, tính cách trở lại bình ổn trên các thang đánh giá nhân cách. “Hiện chú Tính đã được xuất viện và được điều trị ngoại trú. Dự tính sẽ cần 3-4 tháng tới, chú sẽ dừng điều trị thuốc hoàn toàn”, bác sĩ Chung chia sẻ.

Bị sốc khi từ lao động chính thành người “thừa thời gian”

Theo bác sĩ Chung, trong cuộc đời ai cũng sẽ trải qua các giai đoạn phát triển của mình gồm: còn nhỏ, dậy thì, bắt đầu đi làm, lập gia đình, có con, tuổi trung niên và nghỉ hưu. Mỗi một giai đoạn đều có khủng hoảng, biến cố, thành công, hạnh phúc khác nhau.

Đối với người lớn tuổi, các rối loạn tâm lý thường rất phong phú và đa dạng. Trong đó, lối loạn thường gặp nhất ở lứa tuổi này là trầm cảm và rối loạn lo âu đi kèm các bệnh thực thể khác. 

Ths.BS Nguyễn Viết Chung. Ảnh: BSCC.

Ths.BS Nguyễn Viết Chung. Ảnh: BSCC.

Một nghiên cứu tại Mỹ liên quan đến bệnh trầm cảm cho thấy, trong đời người có khoảng 13% người dân có cơn trầm cảm, tỷ lệ người cao tuổi, nhất là tuổi nghỉ hưu hay mắc hơn. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện lên tới 40%. Trong đó, có khoảng 25% là những người trước đó đi làm việc ở các công ty, cơ quan nhà nước mắc bệnh khi bước sang tuổi nghỉ hưu. Biểu hiện đầu tiên của người bệnh là các stress khi phải thích nghi với hoàn cảnh sống mới, hoặc phải chuyển từ giai đoạn làm việc tích cực đến giai đoạn nghỉ hưu.

Ông Hoàng Anh Quyết trước đây là giám đốc một công ty xây dựng ở Đồng Nai cũng bị trầm cảm ở tuổi nghỉ hưu sau thời gian dài bị stress. Ông cho biết, khi nghỉ hưu đã không tham gia các hoạt động chuyên môn mà về sống an nhàn với con cháu, với suy nghĩ bản thân sẽ có tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, từ khi nghỉ hưu, ông Quyết phải ở nhà cả ngày, trong khi con cháu đi học, đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên không có nhiều thời gian bên ông, tâm sự cùng ông. 

Vì quá nhàn rỗi trong thời gian dài, ông Quyết thấy người mệt mỏi, luôn hội hộp, lo lắng, người đau nhức. Từ một người vui vẻ, điềm đạm ông như biến thành người khác. Chỉ cần vợ con, các cháu nội ngoại làm gì không vừa ý là ông cáu gắt, nổi nóng và khó chịu. Đi khám tâm lý ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ông được chẩn đoán bị trầm cảm.

Theo bác sĩ Chung, những người cao tuổi sau khi về hưu trải qua một loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do nếp sinh hoạt thay đổi, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế nên khó thích nghi, lâu dần làm tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ cáu gắt, nổi giận. Cũng nhiều người dù đã bước sang tuổi nghỉ hưu vẫn thấy mình vẫn còn khả năng cống hiến mà phải nghỉ việc, dẫn đến bị “thừa thời gian” nên cảm thấy hụt hẫng, nhất là những người có học vị cao, là trụ cột kinh tế gia đình. 

Đối với những người khi còn trẻ có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, có học vị, chức vụ cao như Phó giáo sư Tính và ông Quyết thì khi nghỉ hưu lại có nhiều thời gian nhàn rỗi nên họ cảm thấy mình như “người thừa” dẫn đến bị khủng hoảng tâm lý.

Cũng có nhiều người dù bước vào tuổi hưu nhưng trí lực và thể lực còn dồi dào, họ muốn được cống hiến nhưng phải “nghỉ hưu” nên có cảm giác nhớ công việc, nhớ các mối quan hệ công sở khiến các vấn đề tâm lý bắt đầu nảy sinh.

Người nghỉ hưu có thể đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội để bản thân vui hơn. Ảnh minh họa.

Người nghỉ hưu có thể đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội để bản thân vui hơn. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Chung khuyến cáo, ai trong chúng ta rồi cũng đến lúc già đi và phải nghỉ hưu. Vì vậy, nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đón nhận nó một cách vui vẻ, hạnh phúc. Nếu có thể, hãy lựa chọn một công việc phù hợp với tuổi, sức khỏe để làm và cần chấp nhận thu nhập thấp hơn trong độ tuổi lao động chính nhưng đổi lại bản thân sẽ tìm được niềm vui, không bị rơi vào hội chứng “thừa thời gian”. Ngoài ra, người cao tuổi có thể cùng vợ con, bạn bè đi du lịch để “xả hơi” nếu tài chính cho phép. Việc tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương cũng là cách để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Ở giai đoạn tuổi nghỉ hưu, sức khỏe của nhiều người cũng bắt đầu có các dấu hiệu đi xuống, vì vậy, nên đi khám bệnh định kỳ để sớm biết đang mắc căn bệnh tiềm ẩn nào và được điều trị sớm.

Điều đặc biệt, người ở tuổi nghỉ hưu nên ăn uống lành mạnh, sống tích cực, thường xuyên tập thể thao bằng các bài tập phù hợp, tham gia các hoạt động cộng đồng để vừa rèn luyện sức khỏe thể chất vừa rèn luyện sức khỏe tinh thần, giúp cuộc sống trở nên vui hơn. Khi có các triệu chứng mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, lo âu, buồn chán, bi quan, hay khóc, hay quên hơn... thì nên đi khám, làm các bài đánh giá về tâm lý để có các đánh giá chính xác nhất. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Mắc trầm cảm, cô phóng viên chữa lành bằng cách không tốn tiền thuốc, lại có lợi cho kinh tế gia đình
Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, chị Hoàng Ý Loan bị trầm cảm và chỉ biết “nhốt” mình trong phòng, nghĩ đến những điều tiêu cực. Tới khi bị chồng chê...

Mental Health

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rối loạn lo âu xã hội