Cô gái nặng 155kg cứ ngỡ bụng to do béo, ai ngờ đi khám bác sĩ phát hiện điều nguy hiểm bất thường

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 20/11/2023 14:55 PM (GMT+7)

Cô gái trẻ nặng 155kg mắc u nang buồng trứng nhưng gặp nhiều khó khăn khi tìm nơi mổ vì cân nặng quá khổ của mình.

Quyên, 24 tuổi, phát hiện u nang buồng trứng đầu năm 2021 khi đi khám sức khỏe. Lúc này, cô nặng 120kg, u khá nhỏ, kích thước chỉ bằng quả trứng cút, không đau nên bác sĩ khuyên theo dõi định kỳ.

Từ ngày phát hiện u, cảm giác thèm ăn tăng nhiều hơn, bụng mập lên nhưng Quyên nghĩ do cơ địa béo, nên không đi khám. Đầu tháng 10/2023, Quyên nặng 155kg, cao 1m67, chỉ số BMI 52, cân nặng càng mất kiểm soát. Bác sĩ kết luận siêu béo phì (cấp độ IV, độ nặng nhất), đồng thời khối u tăng kích thước, to bằng quả bóng, buộc phải mổ.

Để giải quyết khối u phụ khoa, Quyên đi khám một số bênh viện nhưng nơi thì từ chối, chỗ lại khuyên mổ mở để bóc u và cần tập vận động ngay để tránh nguy cơ dính ruột. Tuy nhiên 4 năm trước, Quyên bị đứt dây chằng khi tập gym giảm cân nên việc đi lại đã khó, vận động sớm sau mổ càng ít khả thi.

Cô gái trẻ trở về nhà tìm cách giảm cân với tia hy vọng có thể mổ nội soi, song thân hình quá khổ, trong khi khối u để lâu có thể hóa ung thư. Lo lắng bệnh dẫn đến mất ăn, mất ngủ, Quyên sụt hẳn 10kg.

Giữa tháng 11, Quyên đi khám tại Bệnh viện BVĐK Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ cho biết có thể phẫu thuật nội soi, song ca mổ rất khó. Bệnh viện hội chẩn liên chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Tim mạch, Sản Phụ khoa… trước phẫu thuật cho Quyên, để đảm bảo an toàn cuộc mổ.

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó khoa Gây mê - Hồi sức, cho hay do tình trạng cân nặng “quá khổ”, bệnh nhân Quyên có cổ bị ngắn, lưỡi to hơn so với người bình thường. Vì thế đặt nội khí quản để gây mê gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, những người béo phì thường có thể tích phổi nhỏ hơn so với thể trọng. Người béo phì có thể có cân nặng gấp 2-4 lần so với người bình thường, nhưng thể tích phổi của họ không tăng theo. Trong khi mổ nội soi, bác sĩ phải bơm khí CO2 vào bụng, khí này giúp làm tăng không gian phẫu thuật, nhưng sẽ chèn ép phổi, người bệnh có thể suy hô hấp.

Ngoài ra, bác sĩ Sản Phụ khoa đánh giá khối u của Quyên quá to, xoắn, gây khó khi phẫu thuật nội soi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, u có thể bị hoại tử và vỡ do không được máu tới nuôi dưỡng.

Ngày 12/11, Quyên được bác sĩ Quý Khoa cùng ê kíp phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng phải. Lúc này cô nặng còn 146kg, huyết áp ổn định, không có các bệnh nền nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, thận…

Khi nội soi kiểm tra bụng, các bác sĩ phát hiện buồng trứng phải có u nang to kích thước 15x15x15 cm, xoắn nhiều vòng, dính chặt quai đại tràng. “Công việc gỡ dính các mạc nối, quai ruột vô cùng khó nếu không cẩn trọng rất dễ vỡ u, thủng ruột và tạng”, bác sĩ Quý Khoa nói.

Tại phòng mổ, bác sĩ gây mê túc trực, sẵn sàng xử lý các trường hợp bất lợi. Các chỉ số sinh tồn người bệnh ổn định suốt cuộc mổ.

Hơn một giờ đầu ca mổ, các bác sĩ gỡ dính buồng trứng trái, giúp Quyên bảo tồn khả năng sinh sản. Phần phụ bên phải có u bị xoắn vặn nhiều vòng, không thể bảo tồn, buộc phải cắt bỏ toàn bộ buồng trứng phải. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật thành công. Bác sĩ xẻ u kiểm tra chứa dịch nâu, bên trong u không chứa chồi hay khối sùi. Kết quả giải phẫu u lành tính.

Khoảng 6 giờ sau phẫu thuật, Quyên đã có thể tập đi, một ngày sau, tự đi lại dễ dàng mà không cần người thân, hay điều dưỡng hỗ trợ.

Sức khỏe Quyên hồi phục tốt nhờ phẫu thuật nội soi. Ảnh: Tuệ Diễm

Sức khỏe Quyên hồi phục tốt nhờ phẫu thuật nội soi. Ảnh: Tuệ Diễm

Sau ca mổ, Quyên dự định sau xuất viện vài tháng sẽ tìm đến các phương pháp can thiệp y khoa để giảm cân.

“Béo phì khiến cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn, ngủ cũng mệt, leo cầu thang càng khó. Khi có bệnh phải mổ càng nguy hiểm”, Quyên nói và chia sẻ thêm lúc mới sinh  chỉ nặng 3,3 kg, trong gia đình không ai bị béo phì. Học cấp một, Quyên có cân nặng vượt trội hơ n bạn bè, chỉ số BMI thừa cân, tuổi dậy thì mới phát triển mạnh mẽ về cân nặng. Năm 16 tuổi, Quyên nặng 100kg. Mỗi năm sau đó tăng lên khoảng 5kg. Từ ngày phát hiện khối u, cân nặng tăng vọt từ 120kg lên 155kg trong hai năm.

Bác sĩ Quý Khoa cho biết đây không phải là trường hợp duy nhất bị u nang buồng trứng nhưng lại nghĩ bụng to do béo, nhiều phụ nữ có u buồng trứng lớn, bụng to như mang bầu thai đủ tháng song vẫn chủ quan cho là béo bụng.

Theo bác sĩ Quý Khoa, u nang buồng trứng thường gặp ở chị em trong độ tuổi sinh sản. Bệnh nhiều dấu hiệu cảnh báo như: đau, căng bụng dưới, tiểu nhiều, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, tăng cân. Trường hợp Quyên cơ địa béo từ nhỏ, dù biết có u trong người, nhưng chủ quan nghĩ bụng to do béo.

U buồng trứng ảnh hưởng chức năng và hoạt động buồng trứng, có thể gây ra tình trạng kháng insulin, glucose tích tụ lại và khiến chị em bị tăng cân. Sự kháng insulin khiến cho nội tiết tố nam androgen dần tăng lên. Dưới tác động của nội tiết tố này, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, bao gồm cả tình trạng thừa cân, cân nặng lên nhanh chóng. Ngoài ra, u nang buồng trứng chứa dịch, u càng lớn, lượng dịch càng nhiều, khiến bụng to, nặng hơn.

Từ trường hợp của Quyên, bác sĩ Quý Khoa khuyến cáo, khi có u nang buồng trứng, cần khám kiểm tra u theo hẹn của bác sĩ để được điều trị kịp thời. Khi u to, kích thước vượt trên 5cm kèm tình trạng tăng cân đột ngột cần đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Ăn rau quả có đặc điểm này khiến tử cung và buồng trứng nhanh già, bác sĩ chỉ rõ 5 thói quen chị em cần làm
Tử cung và buồng trứng là "chị em" của phụ nữ, nếu không chăm sóc tốt thì sức khỏe của phái đẹp sẽ gặp nhiều vấn đề.

Sức khỏe phụ nữ

Theo HOÀNG DƯƠNG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề U nang buồng trứng.