Thấy bụng ngày càng to nên nghĩ rằng mình béo, người phụ nữ vẫn đi làm việc bình thường. Đến khi mệt mỏi, người phụ nữ kéo dài mới đi viện khám, phát hiện trong bụng có khối u lớn.
Sáng ngày 22/7, BSCK II Vương Trung Kiên – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) cho biết, các bác sĩ khoa sản của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy khối u nang ra khỏi bụng nữ bệnh nhân N.T.N. (51 tuổi, ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội).
Bác sĩ Kiên cho biết, khối u nang vừa được lấy ra nặng 2.7kg, đây cũng là khối u nang lớn nhất mà các bác sĩ bệnh viện từng phẫu thuật cho người bệnh.
BSCK I Phan Mạnh Tiến – Trưởng khoa sản, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, ca mổ được thực hiện vào ngày 21/7, tuy nhiên trước khi khối u được phẫu thuật thành công người bệnh đã có nhiều năm sống chung nhưng không hề hay biết.
Khối u lớn khiến bụng bà N. như người đang có bầu.
Theo chia sẻ của bà N., khoảng 2 tháng trở lại đây bà cảm thấy hơi tức bụng, mệt mỏi và bụng có to lên. Trong khoảng thời gian đó, bà N. vẫn đi lao động (phụ xây) bình thường và nghĩ do béo nên bụng to.
Khi thấy tình trạng mệt mỏi kéo dài, bà N. mới đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bà N. được thực hiện các xét nghiệm, chụp X.Quang, CT cắt lớp… Với các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân, hội đồng chuyên môn chỉ định mổ mở lấy khối u, chẩn đoán u hạ vị, theo dõi u nang buồng trứng.
“Kíp phẫu thuật gồm có 4 bác sĩ tham gia. Trước khi mổ các bác sĩ đánh giá đây là khối u to vùng hạ vị có nhiều tạng và mạch máu, nguy cơ dính sang các tạng, mạch máu, mạc treo, đặc biệt là các tạng ổ bụng lạc chỗ như thận là rất cao. Vì thế, trước khi thực hiện mổ cho bệnh nhân chúng tôi phải hội chẩn rất kỹ lưỡng.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, khối u có kích thước 25×16×12cm, nặng 2,7kg đã được lấy ra ngoài thành công. Sau khi phẫu thuật thành công mẫu bệnh phẩm của khối u được gửi đi để làm giải phẫu bệnh học”, bác sĩ Tiến thông tin.
Bác sĩ Tiến cùng các đồng nghiệp phẫu thuật thành công khối u nang.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, đây là khối u nang có kích thước to nhất so với các bệnh nhân từng phẫu thuật tại bệnh viện. Trường hợp này nếu không được phẫu thuật sớm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh.
“Trước, trong và sau ca mổ bệnh nhân ổn định, bệnh nhân được điều trị hậu phẫu tại khoa sản với sự theo dõi và chăm sóc tận tình của các y bác sĩ sẽ sớm được xuất viện”, bác sĩ Tiến cho biết.
Theo bác sĩ Tiến, u nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa không phải hiếm gặp. Nếu đi khám định kỳ và phát hiện sớm thì có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau hoặc có thể phẫu thuật nội soi ít xâm lấn và nhanh hồi phục. Nhưng nếu phát hiện muộn thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng người bệnh.
Từ trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và mãn kinh nên khám phụ khoa 3 tháng/1 lần.
- Các trường hợp nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh, hay bị viêm nhiễm phụ khoa, đã được chẩn đoán các lần trước về nguy cơ bị u, nhân xơ tử cung, buồng trứng thì nên đi khám 1-2 tháng/lần.
- Các trường hợp bất thường nên khám, kiểm tra theo lịch hẹn hàng tuần và theo lịch của bác sĩ.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị u nang buồng trứng: - Đau vùng chậu, thắt lưng hoặc đùi: Người bệnh có thể gặp các cơn đau mơ hồ vùng chậu, dọc thắt lưng hoặc đùi. Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuyên gặp phải do các khối u chèn ép lên các cơ quan hoặc các dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu. - Đau tức bụng dưới, đầy hơi, buồn nôn và nôn: Khối u có kích thước lớn có thể gây khó chịu tức thời cho người bệnh, đôi lúc cảm giác chướng bụng, bụng to, sờ thấy khối u. Đặc biệt khi có cảm giác đầy hơi liên tục hằng ngày, nôn và buồn nôn thì nên cảnh giác với những tế bào ác tính ở buồng trứng do các khối u ác tính không vỡ, sẽ biến chứng thành ung thư gây hoạt tử và nhiễm trùng. Dấu hiệu đầy hơi, buồn nôn thường nhầm lẫn triệu chứng bệnh về tiêu hóa khiến các chị em chủ quan, coi thường bệnh. - Đi tiểu liên tục: Hiện tượng rối loạn tiểu tiện có thể do nhiều yếu tố và có thể do nhiều bệnh lý gây ra, bao gồm những vấn đề bàng quang, đường tiết niệu, các triệu chứng của đường huyết cao nhưng cũng là biểu hiện của bệnh u nang buồng trứng do sự chèn ép lên bàng quang của khối u từ đó thôi thúc bạn có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn, nhưng khi tiểu lại có cảm giác đau buốt, bứt rứt. - Đau khi quan hệ tình dục: Nếu bạn quan hệ tình dục và cảm thấy đau ở một bên so với bên kia, thì bạn cần nghĩ đến u nang buồng trứng. Một số u nang khi phát triển với kích thước lớn, có thể nằm ngay ở cổ tử cung gây cản trở. Do đó, bạn sẽ xuất hiện cảm giác đau đớn khi quan hệ. - Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh bất thường hay còn gọi là chứng rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của nhiều bệnh phụ khoa trong đó có liên quan đến buồng trứng. - Tăng cân không rõ nguyên nhân: Mặc dù không phải là triệu chứng điển hình của bệnh, tuy nhiên nếu bạn tăng cân bất thường đi kèm với 1 số triệu chứng kể trên thì bạn nên nghi ngờ và đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện sớm. |