Năm 1880, một phụ nữ trung niên đến gặp bác sĩ thần kinh người Pháp, Jules Cotard, phàn nàn về tình trạng bất thường của cô. Người phụ nữ tin rằng mình "không có não, không có dây thần kinh, không có ngực, không có dạ dày và không có ruột".
Bác sĩ Cotard gọi người phụ nữ ấy là Mademoiselle X trong ghi chép của ông. Mademoiselle X nói với bác sĩ rằng cô chẳng khác gì một cái xác đang phân hủy, cô tin rằng bản thân không có linh hồn. Vì tin rằng cơ thể của mình bất thường nên cô nghĩ mình bất tử và không thể chết một cách tự nhiên như người thường. Và cũng vì nghĩ rằng cơ thể mình đặc biệt nên cô cảm thấy không cần phải ăn.
Bác sĩ Jules Cotard (bên phải) và Mademoiselle X, trường hợp được báo cáo đầu tiên của hội chứng Cotard hay hội chứng xác sống.
Một thời gian sau đó, Mademoiselle X đã chết vì đói. Mô tả của bác sĩ Cotard về tình trạng của người phụ nữ được lan truyền rộng rãi và có ảnh hưởng rất lớn, vì vậy chứng bệnh lạ này được đặt theo tên của ông là "Hội chứng Cotard".
Tuy nhiên nhà thần kinh học người Pháp không phải là người đầu tiên mô tả về căn bệnh kỳ lạ này. Trước đó khoảng 100 năm, vào năm 1788, Charles Bonnet đã báo cáo một trong những trường hợp được ghi nhận sớm nhất về hội chứng Cotard.
Một người phụ nữ lớn tuổi đang chuẩn bị bữa ăn thì cảm thấy có gió lùa phía sau gáy và đột nhiên cảm thấy bị liệt một bên cơ thể. Khi cảm giác, cử động và khả năng nói trở lại, bà bảo các con gái của mình mặc khăn liệm và đặt bà vào quan tài nhưng tất nhiên không ai làm điều đó bởi bà vẫn còn sống.
Trong nhiều ngày tiếp theo, bà tiếp tục yêu cầu các con gái, bạn bè và người giúp việc đối xử với bà như thể bà đã chết. Cuối cùng họ đành nhượng bộ, đặt bà vào một tấm vải liệm và để bà nằm ra ngoài để mọi người đến bày tỏ sự thương tiếc.
Tuy nhiên ngay cả khi ấy, người phụ nữ vẫn tiếp tục phàn nàn về màu sắc của tấm vải liệm không ưng ý. Cuối cùng khi bà chìm vào giấc ngủ, gia đình đã cởi đồ tang và đưa bà lên giường nằm. Sau đó, một thầy thuốc đến và cho bà dùng bột đá quý và thuốc phiện, lúc ấy những ảo tưởng của bà mới biến mất. Tuy nhiên cứ sau vài tháng, bà lại rơi vào tình trạng như vậy.
Người phụ nữ nghĩ rằng bản thân đã chết và bắt gia đình phải khâm liệm. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân nào gây ra "hội chứng Cotard" hay "hội chứng xác sống"
Ngày nay, tình trạng này đôi khi được gọi là "hội chứng xác sống". Người mắc hội chứng này tưởng rằng họ đã chết hoặc không còn tồn tại. Đôi khi, người mắc bệnh còn tin rằng cơ thể họ đang thiếu các bộ phận hoặc cơ quan thiết yếu như trong trường hợp của một phụ nữ mang thai 28 tuổi đã nghĩ rằng gan của cô ấy bị hỏng và không có trái tim.
Năm 2013, New Scientist đã phỏng vấn một người đàn ông tên là Graham Harrison, người đã cố gắng tự tử 9 năm trước đó bằng cách mang theo một thiết bị điện vào bồn tắm và tỉnh dậy trong bệnh viện với niềm tin rằng anh ta đã chết.
Graham nói: "Khi tôi nằm viện, tôi liên tục nói với họ rằng sẽ không cứu được tôi vì não của tôi đã chết. Tôi mất khứu giác và vị giác. Tôi không cần ăn, nói, hay làm gì cả. Sau đó, tôi thậm chí còn ra nghĩa địa nằm chết."
Graham luôn nghĩ rằng mình đã chết và ngày ngày tới nghĩa địa. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ khi ấy đã cố gắng giải thích cho Graham nhưng vô ích. Cuối cùng, Graham được giới thiệu đến tiến sĩ Adam Zeman, một nhà thần kinh học tại Đại học Exeter, và tiến sĩ Steven Laureys, một nhà thần kinh học tại Đại học Liège. Họ đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để theo dõi sự trao đổi chất của anh. Những gì họ tìm thấy rất đáng lo ngại.
"Chức năng não của Graham giống như của một người nào đó trong khi gây mê hoặc khi ngủ" - Tiến sĩ Laureys nói với New Scientist rằng điều này xảy ra ở một người đang tỉnh là điều khá đặc biệt. "Tôi đã phân tích các bản quét PET trong 15 năm nhưng chưa từng thấy ai hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện được với mọi người mà lại có kết quả quét bất thường như vậy".
Hình ảnh dưới đây cho thấy các vùng não của Graham không hoạt động (có màu xanh lam) so với một người khỏe mạnh.
Graham là bệnh nhân duy nhất mắc hội chứng Cotard đã được chụp PET, và do đó các nhà khoa học có thể đưa ra ít kết luận. Căn bệnh này có thể có liên quan đến rối loạn lưỡng cực ở người trẻ tuổi, cũng như trầm cảm và tâm thần phân liệt nặng ở bệnh nhân lớn tuổi. Điều trị tình trạng này rất đa dạng. Thông thường, những người mắc chứng bệnh này được sử dụng kết hợp thuốc chống trầm cảm và thuốc chống rối loạn tâm thần, mặc dù liệu pháp điện giật cũng đã được biết là thành công.
Đối với Graham, liệu pháp tâm lý và điều trị bằng thuốc đã giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh nhưng anh vẫn thường đến nghĩa địa ngồi để cố gắng tới gần cái chết hơn. Sau đó, cảnh sát sẽ tới và bắt anh về nhà.
Graham là một trong những người may mắn. Nhiều người từng mắc phải tình trạng này đã chết vì đói, và một số người thậm chí đã dùng đến cách đổ axit vào người để cố gắng không trở thành một trong những "xác sống biết đi".
"Hội chứng xác sống" không được phân loại theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-V) nhưng được công nhận là “bệnh của sức khỏe con người” trong Bảng phân loại bệnh quốc tế. Một trong những triệu chứng chính của bệnh là người bệnh nghĩ rằng họ không tồn tại, cảm thấy bản thân đã chết hoặc đang thối rữa. Trong khi một số người lại cảm thấy mất mát một số bộ phận cụ thể như tay, chân hoặc thậm chí là linh hồn của họ. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn điều gì gây ra "hội chứng xác sống", nhưng có một vài yếu tố nguy cơ có thể xảy ra. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng độ tuổi trung bình của những người mắc chứng bệnh này là khoảng 50. Nó cũng có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Những người dưới 25 tuổi mắc chứng hoang tưởng Cotard cũng có xu hướng bị trầm cảm lưỡng cực. Phụ nữ dường như cũng có nhiều khả năng mắc chứng hoang tưởng Cotard hơn. Các tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển "hội chứng xác sống" bao gồm: - Rối loạn lưỡng cực - Trầm cảm sau sinh - Rối loạn nhân cách hóa - Rối loạn phân ly - Tâm thần phân liệt |