Người Việt ăn mặn gấp đôi khuyến cáo, chuyên gia chỉ cách giảm muối “ngược đời” bằng loại gia vị ai cũng nghĩ độc hại

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 03/09/2023 14:07 PM (GMT+7)

Mặc dù lượng muối ăn của người Việt đã giảm nhưng vẫn rất cao so với khuyến cáo của WHO. Việc ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Ăn mặn không gây hại ngay lập tức mà sẽ bào mòn dần sức khỏe

Mới đây, Tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật phòng bệnh do Bộ Y tế gửi Chính Phủ cho thấy hiện còn tỉ lệ rất lớn người Việt ăn thiếu rau và trái cây theo khuyến nghị (khoảng 59% dân số) và có đến 78% số người dân thường xuyên thêm muối vào món ăn. Việc ăn thiếu rau, nhiều muối sẽ tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Ngoài ra, có tới 8,7% dân số thường ăn thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối mỗi ngày. Số lượng muối tiêu thụ dù đã giảm so với năm 2015 (8,1g so với 9,4g), nhưng đây cũng là mức rất cao, gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, đó là chỉ nên ăn 4-5g muối mỗi ngày.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc người Việt ăn mặn là do thói quen tồn tại từ lâu, để thay đổi không hề dễ. “Việt Nam trải qua một thời kỳ dài khó khăn, việc mọi người ăn mặn để tiết kiệm, ướp muối để bảo quản thực phẩm đã trở thành thói quen và rất khó để thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho hay.

Trên mâm cơm người Việt dù đã có nhiều món mặn nhưng luôn phải có bát nước chấm đi kèm. Ảnh minh họa.

Trên mâm cơm người Việt dù đã có nhiều món mặn nhưng luôn phải có bát nước chấm đi kèm. Ảnh minh họa. 

Nhìn vào thực tế, trên mâm cơm hàng ngày của người Việt cho thấy chỉ một bữa cơm nhưng lượng muối trong đó rất nhiều. Bác sĩ Lâm lấy ví dụ, dù các món xào, chiên, hay dưa muối, cà muối đã rất mặn nhưng khi ăn mọi người vẫn dùng nước chấm. “Việc ăn mặn không gây hại cấp tính, nhưng đây lại là “sát thủ” thầm lặng, mỗi ngày tàn phá sức khỏe một chút, dù chúng ta vẫn thấy khỏe mạnh nhưng bất ngờ một ngày đổ bệnh, khi đó đã quá muộn để can thiệp”, bác sĩ Lâm cảnh báo.

Để giảm ăn mặn có rất nhiều cách, bác sĩ Lâm cho biết cần có lộ trình, giảm dần dần để thay đổi thói quen, chứ không thể cắt giảm đột ngột ngay một lúc.

Giảm ăn mặn bằng cách dùng mì chính

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cũng tư vấn có nhiều cách để giảm ăn mặn trong chế độ ăn hàng ngày, trong đó có việc ăn mì chính để giảm muối. “Rất nhiều người thắc mắc về việc mì chính làm sao có thể giảm được ăn mặn, thậm chí mì chính còn dính tin đồn có độc, gây ung thư. Điều này nghe có vẻ hơi “ngược đời” nhưng đây là sự thật và đã được nhiều nước nghiên cứu, áp dụng”, bác sĩ Hưng cho hay.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chứng nhận bột ngọt là chất phụ gia an toàn được phép sử dụng, như vậy có thể thấy tin đồn mì chính độc hại, gây ung thư là hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiên, quá trình sử dụng cần chú ý về liều lượng, cũng như nhiệt độ đun nấu để bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe.

Dùng mì chính để giảm ăn mặn tưởng ngược đời nhưng lại có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa.

Dùng mì chính để giảm ăn mặn tưởng ngược đời nhưng lại có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Hưng dẫn chứng, ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan cũng áp dụng việc sử dụng bột ngọt như một cách giảm lượng muối ăn, vẫn giữ được độ ngon của thực phẩm. Các nhà dinh dưỡng tại Nhật Bản đã công bố kết quả cho thấy sử dụng bột ngọt có thể giữ được vị ngon của món ăn và giảm từ 30% đến 40% lượng muối tiêu thụ.

Công thức dùng bột ngọt để giảm lượng muối ăn được bác sĩ Hưng chia sẻ như sau: Với mỗi 1 lít nước dùng thì cần sử dụng khoảng 8g muối để đảm bảo vị ngon, lượng muối này rất lớn. Nếu sử dụng kết hợp với bột ngọt, chúng ta chỉ cần sử dụng một nửa lượng muối ban đầu và thêm 4,8g bột ngọt thì nước dùng vẫn duy trì được vị ngon và giảm được đến 31,5% lượng natri ăn vào.

Một vấn đề nhiều người quan tâm khi sử dụng thực phẩm có mì chính đó là hiện tượng bị say. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do cơ thể nhạy cảm với mononatri glutamate (MSG), gây ra một hoặc nhiều triệu chứng bao gồm: Khát nước, rát miệng, nhức đầu, toát mồ hôi, nhịp tim nhanh, chóng mặt, buồn nôn, bủn rủn chân tay, khó thở, tức ngực…

Với những người gặp hiện tượng này, tốt nhất không sử dụng mì chính hoặc sử dụng số lượng ít. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều thực phẩm quen thuộc như xúc xích, đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn đều có mì chính, do vậy mọi người cũng cần lưu ý khi dùng.

Mì chính không gây ung thư nhưng sẽ cực độc nếu chị em phạm phải 4 điều cấm kị này
Việc nhiều người có thói quen cho thêm mì chính tạo vị cho món ăn, đặc biệt việc chữa mặn cho món ăn bằng mì chính là rất sai lầm, gây ảnh hưởng đến...

Gia vị tốt cho sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Muối và Sức khỏe