Thịt bồ câu vô cùng bổ, giá trị dinh dưỡng gấp nhiều lần thịt gà, rất phù hợp cho người ốm bệnh.
Người Trung Quốc lưu truyền câu "1 cắc thắng 9 kê", nghĩa là "một con chim bồ câu bằng 9 con gà”. Giải nghĩa, tức là ăn một con chim bồ câu cũng có dinh dưỡng giống như ăn 9 con gà. Câu nói này tuy có chút khoa trương nhưng cũng đủ cho thấy người xưa đã công nhận giá trị dinh dưỡng của chim bồ câu.
Người Trung Quốc từ xưa vốn coi trọng việc bảo vệ sức khỏe nên rất thích ăn chim bồ câu. Theo dân gian, bồ câu bổ dưỡng nhất là loại mới sinh được khoảng 25 ngày tuổi. Loại này tuy có kích thước nhỏ nhưng ức căng mọng và đầy đặn. Lớp biểu bì của chim bồ câu nhỏ, đồng đều và mịn, cho thấy chim bồ câu rất mềm. Về hương vị, bồ câu loại này chắc chắn ngon hơn chim bồ câu già.
Giá trị dinh dưỡng của thịt bồ câu
Bồ câu bổ gan, bổ thận, có tác dụng bổ khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, sản sinh dịch cơ thể, giải khát. Chim bồ câu rất giàu protein, vitamin, canxi, sắt và các nguyên tố vi lượng khác cần thiết cho cơ thể con người. Chất dinh dưỡng của thịt chim bồ câu vượt xa các loại thịt gia cầm, là thực phẩm bổ dưỡng rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Thịt chim bồ câu còn chứa một lượng lớn axit amin, có tác dụng giúp vết thương mau lành và rất thích hợp cho những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Theo định lượng, thịt gà và thịt chim bồ câu lần lượt chứa 19,3 gam và 16,5 gam protein trên 100 gam, còn hàm lượng chất béo của thịt gà và thịt chim bồ câu lần lượt là 9,4 gam và 14,2 gam trên 100 gam.
Thịt bồ câu tươi. (Ảnh minh họa).
Hàm lượng canxi trong thịt bồ câu là 30mg/100g, thịt gà là 9mg/100g. Hàm lượng vitamin B2 của thịt bồ câu là 0,20mg/100g, thịt gà là 0,09mg/100g. Hàm lượng sắt của thịt bồ câu là 3,8mg/100g, thịt gà là 1,4mg/100g.
Từ việc so sánh hai thành phần dinh dưỡng trên, chúng ta có thể biết rằng trên thực tế, hai loại thịt này đều có giá trị riêng. Protein là nền tảng của các hoạt động sống và chất béo cũng là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động. Bồ câu cung cấp khá nhiều protein và chất béo, do đó, thuộc loại thực phẩm giá trị cao.
3 nhóm người nên ăn thịt bồ câu
Xia Gongxu, phó giám đốc y học cổ truyền Trung Quốc tại Trung tâm điều trị và phòng ngừa của Bệnh viện Đông y và Tây y tổng hợp Nam Kinh, cho biết ngay cả khi bạn thích ăn chim bồ câu thì cũng không nên ăn thường xuyên. Lý do là mặc dù thịt chim bồ câu có lợi cho việc điều hòa tinh chất cơ thể nhưng chủ yếu nó có hiệu quả giải độc cao hơn. Do đó, ba nhóm người sau có thể ăn thịt bồ câu:
- Người già
Khi tuổi tác tăng lên, độ đàn hồi của mạch máu trong cơ thể cũng giảm đi, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não cũng tăng lên. Lúc này, bạn vẫn cần chú ý hơn đến việc bổ sung dinh dưỡng. Chim bồ câu là một trong những lựa chọn tốt nhất để bổ sung dinh dưỡng và sức sống cho cơ thể, có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch và bảo vệ tim.
- Phụ nữ mang thai
Vì thịt chim bồ câu là loại thịt tương đối giàu dinh dưỡng nên bà bầu sức khỏe yếu, cần nhiều chất dinh dưỡng có thể ăn nhiều hơn. Thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng trong tháng thứ 4 của thai kỳ và cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đến khi sinh. Canh chim bồ câu rất thích hợp cho phụ nữ mang thai, nhất là những người thường xuyên cảm thấy chóng mặt, yếu ớt có thể ăn nhiều thịt chim bồ câu và uống súp chim bồ câu. Ngoài ra, thịt chim bồ câu còn có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
Thịt bồ câu quay. (Ảnh minh họa)
- Người sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, sinh lực của cơ thể bị tổn hại nghiêm trọng, không nên ăn đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Bạn có thể nấu một ít súp chim bồ câu giàu collagen, có tác dụng tích cực trong việc chữa lành vết thương, giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Khi nấu, tốt nhất nên dùng ít muối, ít dầu và ít bột ngọt.
Lưu ý, thịt chim bồ câu có tính nóng mạnh, không nên dùng cho những người thường xuyên đổ mồ hôi hoặc đỏ mặt. Không nên ăn cùng các thực phẩm có tính nóng khác như thịt cừu, thịt bò... Những người mắc chứng khó tiêu, sốt, cao huyết áp, trĩ không nên ăn chim bồ câu.