Nhà nhà mua chanh sả gừng về xông, vì sao chuyên gia nhất định không xông khi thành F0?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/02/2022 14:16 PM (GMT+7)

Trước tình trạng F0 gia tăng kể từ sau Tết Nguyên đán, một “bí quyết” được truyền tai nhau rất nhiều cả trên mạng xã hội và ngoài đời sống là xông chanh, sả để phòng bệnh. Liệu việc làm này có thực sự tốt?

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay số ca F0 trên cả nước liên tục gia tăng, trong ngày 20/2 số ca mắc theo Bộ Y tế công bố đã trên 47.000 ca. Trước tình hình dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan các thông tin dùng thảo dược xông mũi, họng để phòng COVID-19, giúp sớm khỏi bệnh…

Một trong số nhưng “bài xông” được nhiều người áp dụng nhất đó là dùng chanh, sả, gừng đun sôi rồi xông mũi họng. Đa số mọi người khi thực hiện đều cho biết, sau khi xông xong có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhõm hơn, nhất là với đường thở. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học của các chuyên gia, bác sĩ việc thường xuyên xông mũi họng bằng các thảo dược lại phản tác dụng, thậm chí gây nên những hệ lụy với sức khỏe.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, bản thân ông cũng đang là F0 và được rất nhiều bạn bè, người thân khuyên nên xông lá, gừng sả để phòng dịch, tuy nhiên ông kiên quyết không làm.

Việc lạm dụng chanh, sả xông hơi mũi họng là lợi bất cập hại, để lại nhiều tác dụng phụ.

Việc lạm dụng chanh, sả xông hơi mũi họng là lợi bất cập hại, để lại nhiều tác dụng phụ.

Theo tiến sĩ Lê Minh, việc xông lá, thực vật có hoạt chất kháng khuẩn, kháng viêm thực chất là có hiệu quả làm giảm một số triệu chứng cảm, sốt do tác dụng nhiệt độ kết hợp với hoạt chất có khả năng khử trùng các vi khuẩn trên bề mặt các niêm mạc đường thở, trên da, làm tăng cường tuần hoàn... nên khi bị cảm thông thường việc xông thường có tác dụng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Minh lại cho rằng những mặt trái của việc xông này lại nhiều hơn là những lợi ích mang lại. Cụ thể:

- Nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi: Trong các báo cáo từ các nước Châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà thì các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. Đặc biệt là khi thực hiện xông hơi một mình và thiếu kinh nghiệm dễ bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và không có ai hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.

- Nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus: Theo lý thuyết thì ở nhiệt độ cao 60-70 độ C thì thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể, nhưng lưu ý là khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào.

Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus trước, và với cách xông hơi có nghĩa là mọi người đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn.

Xông hơi mũi họng dễ làm tổn thương niêm mạc, thậm chí còn có nguy cơ làm phát tán virus. Ảnh minh họa.

Xông hơi mũi họng dễ làm tổn thương niêm mạc, thậm chí còn có nguy cơ làm phát tán virus. Ảnh minh họa.

- Nguy cơ làm phát tán virus: Việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt và tăng cơ hội lây lan của virus.

Với những lý do này, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus, còn khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, quá trình tư vấn và điều trị cho các F0, bác sĩ gặp rất nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và đa số là làm theo hướng dẫn trên mạng xã hội.

Bác sĩ Thiệu cảnh báo, việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.

"Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng và là một phương pháp thư giãn nhưng không phải là phương pháp điều trị COVID-19. Việc lạm dụng xông quá nhiều lần trong ngày sẽ dễ gây tổn thương niêm mạc đường thở... ", bác sĩ Thiệu cảnh báo.

Xem thêm: 

Bé 2 tuổi Thanh Hóa mắc hội chứng hậu COVID-19 nguy hiểm sau 2 tháng là F0 triệu chứng nhẹ

Giải đáp 10 thắc mắc bác sĩ nhi nhận được nhiều nhất về COVID-19 ở trẻ em

Cách nào phòng tránh hậu COVID-19 cho trẻ? 8 điều bố mẹ nào cũng cần biết về hậu COVID-19
Nhiều bố mẹ lo lắng quá mức về hậu COVID-19 ở trẻ và chưa hiểu đúng về tình trạng này nên dù con không có biểu hiện bệnh lý gì cũng đưa đi khám.

COVID-19 ở trẻ em

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19