SKĐS - Suy tim là hiện tượng trái tim “bị ốm” hoặc trái tim bị "mệt mỏi” từ đó sự co và giãn của tim không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cơ thể nữa.
Theo các bác sĩ, suy tim là hiện tượng quả tim "mệt mỏi", quả tim hoạt động không đáp ứng được nhu cầu cơ thể. Căn bệnh này âm thầm nhưng nguy hiểm với tỉ lệ mắc ngày càng tăng, nhiều người không hề biết mình đang mắc bệnh.
Ước tính tại Hoa Kỳ - nơi có nền y học phát triển thì mỗi năm vẫn có hơn 5 triệu người đang điều trị suy tim. Còn tại nước ta, dù chưa có một nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim, song ước tính có khoảng 1,6 triệu người mắc căn bệnh này.
Tuổi thọ của bệnh nhân suy tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, các bệnh đi kèm, mức độ bệnh, khả năng tuân thủ điều trị… Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị sớm bệnh lý suy tim?
ThS.BS Văn Đức Hạnh - Viện Tim mạch Việt Nam có những chia sẻ hữu ích về căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này.
1. Mức độ nguy hiểm của bệnh suy tim
Suy tim là tình trạng quả tim giảm chức năng, quả tim giảm hoạt động co bóp gây ra tình trạng khó thở, mệt mỏi cho người bệnh; hoặc tình trạng phù nề.
Bệnh suy tim nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm thì bệnh dễ diễn tiến nặng lên, trở thành suy tim giai đoạn cuối với tỉ lệ tử vong cao.
Với các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối nếu điều trị nội khoa không đáp ứng thì có thể tiến hành ghép tim song nguồn tim ghép cực kỳ khan hiếm.
2. Nguyên nhân gây suy tim, đối tượng nào dễ mắc?
- Có rất nhiều nguyên nhân gây ra suy tim như các bệnh lý tại tim (bệnh lý van tim, bệnh lý ngoài màng tim, bệnh động mạch vành… là những bệnh lý chính thường gây ra suy tim).
Ngoài ra, một số bệnh lý khác gây ra suy tim như bệnh lý ở phổi, thận, bệnh lý toàn thân.
Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh suy tim phải kể đến là bệnh nhân tăng huyết áp. Ở Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp chiếm khoảng trên 25%, cứ 4 người lớn thì có 1 người tăng huyết áp – đây là đối tượng nguy cơ mắc suy tim rất cao.
Huyết áp càng cao thì nguy cơ mắc các biến cố tim mạch càng nhiều. Nói dễ hiểu thì khi huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương tăng thì khả năng người bệnh bị tai biến mạch não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận… tăng lên.
Để giảm các biến cố tim mạch, các nhà khoa học trên thế giới thấy rằng: Người bệnh bị tăng huyết áp cần đạt mức huyết áp < 140/90 mmHg, thậm chí huyết áp < 130/80 mmHg thì khả năng bị biến cố sẽ giảm đi rất nhiều.
Một phân tích mới được công bố trên hơn 33.000 bệnh nhân gần đây cho thấy những điểm mới khá thú vị. Ví dụ: Mức giảm tử vong do mọi nguyên nhân tốt nhất khi huyết áp đạt 140-155/70-80 mmHg, để giảm nhồi máu cơ tim thì mức huyết áp tốt nhất là 110-120/85-90 mmHg, để giảm suy tim sung huyết thì mức huyết áp cần đạt 125-135/70-75 mmHg.
Một số đối tượng khác cũng có thể mắc suy tim như người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu…
3. Dấu hiệu sớm mắc suy tim
Suy tim là bệnh lý nguy hiểm nhưng nhiều người không hề biết mình đang mắc bệnh. Ở các đối tượng nguy cơ cao như đã đề cập trên đây, hoặc ở những bệnh nhân có bệnh lý van tim, hẹp hở van 2 lá, thì dấu hiệu dễ thấy là khó thở khi gắng sức.
Đây là tình trạng khó thở xuất hiện khi đi bộ, tập thể dục, đi bộ làm việc nhà, và thường khó thở vào cuối ngày, triệu chứng giảm khi nghỉ ngơi.
Những người có biểu hiện này nên đi kiểm tra tại bệnh viện có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời.
Một số dấu hiệu khác như phù chân, tiểu ít… cũng khá thường gặp của suy tim.
4. Chẩn đoán, điều trị suy tim
Để chẩn đoán suy tim, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm liên quan đến tim mạch, làm điện tim giúp gợi ý chẩn đoán suy tim - nhất là ở những người có biểu hiện dày thất trái, rối loạn nhịp tim, hoặc có tổn thương liên quan đến bệnh lý mạch vành trên điện tim sẽ gợi ý rất nhiều đến suy tim. Sau đó bệnh nhân sẽ được làm siêu âm tim để xác định chẩn đoán người đó có bệnh suy tim hay không.
ThS.BS Văn Đức Hạnh - Viện Tim mạch Việt Nam.
Ngoài ra các xét nghiệm liên quan đến suy tim cũng rất có giá trị trong việc chẩn đoán, tiên lượng bênh nhân suy tim.
Với những bệnh nhân suy tim cấp – tức là tình trạng các triệu chứng suy tim như khó thở, phù, ho khan, tiểu ít... biểu hiện nhanh và nặng. Người bệnh thường phải nhập viện cấp cứu để điều trị. Suy tim cấp có thể là xuất hiện lần đầu trên cơ địa người bị tăng huyết áp, đái tháo đường... hoặc có thể xuất hiện tái phát ở người đã được chẩn đoán suy tim.
Có nhiều yếu tố nguy cơ giúp thúc đẩy quá trình suy tim cấp nặng lên, phổ biến là:
Bỏ uống thuốc, uống thuốc không đều. Đặc biệt bỏ các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường... Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ở Việt Nam.
Ăn mặn quá (ăn nhiều nước mắm, muối...)
Uống nhiều rượu, bia
Sử dụng các thuốc gây tổn thương cơ tim ở người bệnh tim như các thuốc giảm đau, corticoid, thuốc điều trị ung thư...
Nhiễm trùng, ví dụ như viêm đường hô hấp trên hoặc viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi... có thể thủy đẩy quá trình suy tim nặng lên
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như: bệnh phổi cấp, tăng hoạt động giao cảm... cũng làm suy tim nặng lên
5. Lời khuyên giúp phòng bệnh suy tim
- Để phòng tránh bệnh suy tim, giữ cho trái tim khỏe mạnh, đầu tiên cần phải xác định được những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến suy tim như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu… thì trước tiên cần phải điều trị tốt các bệnh lý này.
- Người dân nên bỏ hút thuốc lá.
- Về chế độ ăn uống, nên ăn nhạt giúp cải thiện huyết áp, giảm tích nước ở người suy tim. Chế độ ăn nên ăn nhiều rau, quả. Hạn chế ăn mỡ, không nên ăn phủ tạng động vật…
- Không uống nhiều rượu bia.
- Nên tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 ngày một tuần sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống khỏe hơn, một trái tim tốt hơn.
- Nếu đã mắc suy tim thì tiêm phòng cúm hàng năm được chứng minh giúp giảm nguy cơ suy tim tiến triển nặng lên nếu người đó bị nhiễm cúm.