Các chuyên gia nhận định, không phải ai mắc COVID-19 cũng gặp vấn đề hậu COVID, tuy nhiên cũng không chủ quan, đặc biệt khi thấy có triệu chứng liên quan đến phổi sau khi khỏi bệnh.
Hai vấn đề hậu COVID-19 nguy hiểm ở phổi cần lưu ý
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng - Giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội Trường đại học Y dược Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, với những người được xác định gặp vấn đề hậu COVID-19 sẽ rất đa dạng về triệu chứng, thậm chí còn thay đổi, tái phát theo thời gian.
Theo đánh giá của PGS Phượng, nguyên nhân gây hội chứng hậu COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Ngoài ra còn do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo...
Trong số những vấn đề hậu COVID-19 mà F0 có thể gặp phải, PGS Phượng đặc biệt lưu ý đến tình trạng xơ hóa phổi và tắc nghẽn mạch phổi. “Đây là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu COVID-19 với biểu hiện hô hấp thường là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng hô hấp”, PGS Phượng cảnh báo.
Với những người phải thở máy, nằm điều trị lâu khi mắc COVID-19, khi khỏi bệnh dễ bị xơ phổi.
Bệnh xơ phổi
Theo PGS Phượng, nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu COVID-19, gồm: Người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; Bệnh đồng mắc hoặc bệnh phổi kẽ có từ trước; bệnh nhân ở mức độ nặng.
Đa số bệnh nhân có bất thường sẽ có các triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và các bất thường chức năng hô hấp. Cần lưu ý nguy cơ xơ phổi hậu COVID-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần bị nhiễm COVID-19 vẫn còn tình trạng: Thở nhanh, ho, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 <95%).
Tắc mạch phổi
Tắc mạch phổi là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19 từ mức độ nặng hoặc trung bình trở lên. Thuyên tắc phổi cấp tính cũng có thể biến chứng thành các trường hợp COVID-19 nhẹ và nó xảy ra muộn trong quá trình bệnh. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên kết quả xét nghiệm D-Dimer máu cao, kèm theo dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi, chẩn đoán bằng chụp CT phổi có tiêm thuốc cản quang dựng hình động mạch phổi.
PGS Phượng cho rằng, để xử lý vấn đề này, việc phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện sớm cho người bệnh bị xơ phổi hậu COVID-19 là rất quan trọng. Việc kết hợp tập phục hồi, kết hợp với điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân sớm hồi phục hơn.
Bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 đợi được tư vấn, đọc kết quả tại BV Đa khoa Đức Giang.
Không quá hoang mang, nhưng đừng chủ quan
Bác sĩ Lê Văn Đán - Phòng khám hậu COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) cho biết, hiện nay vấn đề hậu COVID-19 đang được rất nhiều người quan tâm, thậm chí là những người không phải là F0 cũng tìm hiểu vì biết đâu đó nay mai mình sẽ nhiễm bệnh. Việc người dân tìm hiểu và chủ động phòng tránh là việc nên làm, tuy nhiên tuyệt đối không quá hoang mang, lo sợ.
Theo bác sĩ Đán, tại Bệnh viện Đức Giang trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70-100 người đến khám vì nghĩ mình có vấn đề liên quan đến hậu COVID-19. Sau khi tiến hành thăm khám, đánh giá có tới hơn một nửa số bệnh nhân vì quá lo lắng nên đi khám, chứ hoàn toàn không bị vấn đề gì về hậu COVID-19. Số còn lại dù có liên quan đến hậu COVID-19 nhưng ở nhiều mức độ khác nhau, chứ không phải ai cũng gặp vấn đề nghiêm trọng.
“Từ thực tế tư vấn, khám cho bệnh nhân trong suốt thời gian qua, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân không nên quá lo lắng, cần phải thật bình tĩnh sau khi mắc COVID-19. Bởi không phải ai mắc COVID-19 xong cũng gặp vấn đề về hậu COVID”, bác sĩ Đán khuyên.
Bác sĩ tại BV Đức Giang kiểm tra phim chụp phổi cho một bệnh nhân đến khám hậu COVID-19.
Theo bác sĩ Đán, với những người bị hậu COVID-19 sẽ được chia thành 2 nhóm, thứ nhất là nhóm có tổn thương phổi và nhóm không có tổn thương phổi. “Bệnh nhân gặp phải nhóm nào cũng cần phải tư vấn, đánh giá mức độ để đưa hướng điều trị hợp lý. Tuy nhiên, với những người bị tổn thương phổi, nhất là có tình trạng xơ phổi thì cần phải xử lý, can thiệp ngay”, bác sĩ Đán cho hay.
Bác sĩ Đán tư vấn, các F0 sau khi khỏi bệnh nghi ngờ có vấn đề tổn thương phổi thì nên test trước bằng cách đo SpO2 ngón tay. Theo đó, bệnh nhân nằm ngửa trên giường vài phút, thở khí trời và kẹp ngón tay đo (không sơn móng tay), nếu SpO2 nhỏ hơn hoặc bằng 94%, trong khi cơ thể không hồi hộp, tay không lạnh thì nên đến bệnh viện để theo dõi xem liệu có di chứng của COVID-19 hay không.
Ngoài ra, có thể thử bằng cách leo cầu thang bộ, ví dụ như bình thường nếu bệnh nhân trước khi nhiễm có thể leo được 5 tầng cầu thang, nhưng sau nhiễm COVID-19 chỉ leo được 3 tầng, thì cũng nên đi khám.
Vị bác sĩ này cũng cho biết, với những người có tổn thương phổi ở mức độ nhẹ, trung bình hoàn toàn có thể theo dõi, tập phục hồi chức năng tại nhà mà không cần phải nhập viện điều trị.
Theo đó, người dân cần tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 theo hướng dẫn sau:
- Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi và từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.
- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên. Thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.
- Kỹ thuật thở theo chu kỳ chủ động:
+ Bước 1: Thở có kiểm soát bằng cách, hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây.
+ Bước 2: Căng giãn lồng ngực bằng cách, hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng. Làm lặp lại 2 đến 5 lần.
+ Bước 3: Hà hơi bằng cách, hít thật sâu, nín thở 2 đến 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1 đến 2 lần.
+ Bước 4: Khạc đờm và xử lý đơm: Khạc vào cốc đựng đờm, dùng khăn giấy lau miệng rồi bỏ khăn vào cốc. Tiếp theo đổ ngập dung dịch Javen 1% rồi đậy kín nắp.