Nhiều loại rau có nhiều ở khắp miền quê Việt Nam nhưng thường ít được ăn và hay bị coi thường hóa ra lại là "thần dược" của nhiều nước trên thế giới.
1. Rau sam
Rau sam có sức sống mãnh liệt, mọc đầy ở vườn, bờ ruộng hay ven đường nhưng người Việt thường chỉ xem là rau dại, cỏ dại, hay dùng làm thức ăn cho gia súc. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, rau sam được đánh giá cao, coi là vị thuốc quý và ở Trung Quốc, nó còn được xem là "rau trường sinh".
Xét về mặt dinh dưỡng, rau sảm quả thực xứng đáng được biết đến như một siêu thực phẩm. Nó rất giàu axit béo omega-3, vitamin A và C, cũng như kali, magiê, canxi, phốt pho và sắt. Rau sam cũng rất giàu beta-carotene, được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể.
Còn về mặt công dụng với sức khỏe, hầu hết các bộ phận của rau sam đều có thể dùng làm thuốc. Trong thời Đế chế La Mã, rau sam được dùng để chữa đau đầu, viêm nhiễm, rối loạn bàng quang, kiết lỵ và bệnh trĩ. Trong y học Ayurveda, hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, rau sam có tác dụng điều trị chứng khó tiêu, loét, phù nề, bệnh về mắt và hen suyễn. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rau sam được xem là loại dược liệu có thể thanh nhiệt giải độc, mát máu, thông ruột.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại ngày này, có 4 tác dụng chính của rau sam đã được xác nhận gồm
- Tiêu diệt tế bào ung thư:
- Cải thiện bệnh hen suyễn
- Trị tiểu đường
- Hạ cholesterol
Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu này mới chỉ thực hiện trên động vật hoặc trong phạm vi nhỏ nên cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn nữa trên cơ thể người.
2. Rau càng cua
Rau càng cua là một loài rau thuộc họ Hồ tiêu, mọc hoang dại ở bờ rào, vườn và thường bị nhổ bỏ ở Việt Nam Nhưng ở nhiều quốc gia, loại rau này được xem như thuốc quý giúp điều trị nhiều chứng bệnh. Chẳng hạn o Philippines, lá càng cua dùng để đắp nhằm điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil lại dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Còn người Java thì dùng để trị sốt rét, đau đầu…
Theo đông y, cây càng cua có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ. Một số nghiên cứu y học hiện đại cho thấy rau càng cua có thể giúp điều trị viêm khớp, viêm dạ dày, chữa lành gãy xương, chống trầm cảm, chống viêm, chống nấm, trị bệnh gút, các vấn đề tiết niệu,...
Vì sở hữu đặc tính giải nhiệt, nhiều chất bổ, vị hơi chua chua và mọng nước nên rau càng cua có tác dụng giải khát tuyệt vời. Hơn nữa nó có thể phát huy công dụng trị bệnh ngoài da rất tốt.
Về mặt dinh dưỡng, rau càng cua giàu chất sắt nên người thiếu máu, thiếu sắt rất thích hợp để ăn. Ngoài ra, vì nó chứa kali và magie nên cũng tốt cho tim mạch và huyết áp.
3. Rau chùm ngây
Chùm ngây trước đây không được nhiều người biết đến về giá trị dinh dưỡng nên không đánh giá cao và chỉ xem là cây mọc hoang, có nhiều ở Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên khi những thông tin về tác dụng của rau chùm ngây được chia sẻ rộng rãi, mọi người bắt đầu lùng mua.
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nước khác, chùm ngây cũng rất nổi tiếng, nó được gọi với tên là “cây độ sinh”, cây cứu đói…
Khi so sánh giá trị dinh đưỡng của rau chùm ngây với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều. Nó chứa chất đạm, vitamin, 18 axit amin, hợp chất phenol, nhiều khoáng chất... Đặc biệt chùm ngây có hàm lượng kali cao hơn chuối 3 lần, vitamin C cao hơn cam gấp 4 lần và canxi cao hơn sữa gấp 4 lần.
Với những giá trị dinh dưỡng cực tốt, chùm ngây có rất nhiều tác dụng với sức khỏe và mọi bộ phận của nó như lá, thân, rễ, hạt,... đều có những lợi ích riêng. Chẳng hạn như lợi tiểu, trị nóng sốt, trị mụn nhọt, ngăn ngừa khối u, đào thải độc tố, ổn định huyết áp, bảo vệ gan và chống lại căn bệnh tiểu đường,....
4. Rau đắng biển
Rau đắng biển thường phát triển ở các kênh mương, suối, vùng cửa sông ven biển, đầm lầy, hay những bãi biển đầy cát trắng. Trước đây nó được xem là món rau cứu đói, thường có mặt trong bữa cơm của nhà nghèo. Những năm gần đây loại rau này rất đắt đỏ, có giá cao hơn cả thịt khi có thời điểm lên tới 95.000/kg.
Ở Ấn Độ, loại rau này được đánh giá cao vì có nhiều tác dụng tốt. Nó đã được sử dụng trong y học Ấn Độ từ ít nhất 3000 năm trước để điều trị một số bệnh, nhưng chủ yếu được biết đến với tác dụng cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức. Theo truyền thống, trẻ sơ sinh ở Ấn Độ được nghi thức xức nước rau đắng biển để mở cửa ngõ của trí thông minh.
Còn theo y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu, tiêu thũng.
Trong rau đắng biển cũng sở hữu khá nhiều các chất có lợi cho sức khỏe như: các loại alkaloid và saponin. Các yếu tố này tác động rất tốt trên hệ thống tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh, chống lại hiện tượng oxy hóa của tế bào não, nhờ đó giúp tăng cường trí nhớ. Những người mắc bệnh động kinh có thể dùng rau đắng biển để ngăn ngừa sự tái diễn của cơn động kinh.
5. Rau lang
Rau lang ngày xưa thường chỉ được dùng cho gia súc nhưng ngày nay người Việt đã biết nhiều hơn về tác dụng của rau lang nên nó được dùng nhiều trong các bữa cơm hơn.
Với người Nhật, rau lang lại là món ăn rất được yêu thích và được bình chọn là "rau sống thọ" vì giàu dinh dưỡng tốt. Ở Đài Loan, nó còn được mệnh danh là "vua của các loại rau thông thường".
Rau lang giàu chất xơ, có tác dụng giúp nhu động đường tiêu hóa, đại tiện thông suốt, làm phân ngày càng to. Nó cùng giàu các loại vitamin như vitamin A giúp bảo vệ mắt và tăng cường thị lực; vitamin C ngăn ngừa cảm lạnh; vitamin E chống lại quá trình oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do và giảm cholesterol; chất sắt giúp tạo thành huyết sắc tố trong hồng cầu; kali góp phần kiểm soát huyết áp.
Nhờ chứa nhiều vitamin K, rau này còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, mũi, miệng, dạ dày và các bệnh tim mạch. Thậm chí, đã có nghiên cứu chứng minh những bệnh nhân ung thư gan nếu bổ sung đủ vitamin K mỗi ngày sẽ khiến chức năng gan được cải thiện hơn.