Rau củ có lợi cho sức khỏe và hầu hết đều an toàn nhưng dù tốt tới đâu thì những loại rau này cũng không nên ăn quá nhiều.
Xem thêm: 5 loại rau củ chớ dại mà ăn sống kẻo rước bệnh vào người
Mọi người đều biết nên ăn nhiều rau để có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên có một số rủi ro sức khỏe tiềm ẩn nếu bạn chế biến rau củ không đúng cách hoặc ăn quá nhiều. Khi ăn 7 loại rau dưới đây, tốt nhất bạn nên ăn với lượng vừa phải dù chúng tốt tới đâu nếu không có thể phá hủy sức khỏe của bạn từ bên trong.
1. Cà chua
Mặc dù cà chua giàu chất xơ và vitamin C, nhưng thực sự nếu ăn quá nhiều cà chua cũng không tốt. Bởi cà chua chứa một lượng lớn lectin có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa. Lectin không thể tiêu hóa và do đó có thể làm rối loạn quá trình trao đổi chất và gây khó chịu cho dạ dày.
Lectin có thể được tìm thấy với một lượng lớn trong các loại thực phẩm các loại đậu, cà chua, dưa chuột,... Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi người nên ngừng ăn cà chua mà chỉ cần tránh ăn quá nhiều thực phẩm có chứa lectin cùng lúc là được.
2. Khoai tây
Tương tự như cà chua, khoai tây cũng có hàm lượng lectin cao nên nếu tiêu thụ quá nhiều khoai tây có thể dẫn đến khó tiêu hóa. Mặc dù khoai tây là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất lành mạnh nhưng mọi người vẫn nên ăn một cách vừa phải để để duy trì lượng lectin hợp lý.
Hơn nữa, khoai tây cũng có hàm lượng tinh bột cao, mỗi củ khoai tây có thể chứa tới 36 gram carb. Do đó, bạn nên tránh ăn khoai tây cùng với các thực phẩm giàu tinh bột khác và cũng không nên ăn quá nhiều một lúc.
3. Rau họ cải
Các loại rau họ cải bao gồm bông cải xanh , cải Brussels, cải xoăn, bắp cải,... Những loại rau này mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Các loại rau họ cải chiếm một phần lớn trong lượng rau ăn hàng ngày của mọi người. Chúng cũng trở nên rất phổ biến như là thành phần trong các loại sinh tố xanh và nước ép rau tươi.
Tuy nhiên, các hợp chất trong các loại rau này được gọi là thiocyanat có thể cản trở khả năng hấp thụ iốt của cơ thể. Điều này có thể góp phần vào một tình trạng gọi là suy giáp.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém. Các triệu chứng bao gồm tuyến giáp mở rộng, tăng cân, táo bón, da khô và giảm mức năng lượng
Mặc dù các loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc thêm một lượng lớn vào sinh tố hoặc nước ép có thể góp phần làm tăng lượng lớn các hợp chất này. Những người nhạy cảm với các vấn đề về tuyến giáp nên tránh tiêu thụ những loại rau này với số lượng quá lớn.
4. Rau mồng tơi
Rau mồng tơi thường được nhiều gia đình lựa chọn trong bữa ăn vì dễ ăn lại bổ dưỡng. Tuy nhiên, loại rau này có chứa hàm lượng axit oxalic cao, chất này khi liên kết với canxi và sắt sẽ gây khó hấp thụ dinh dưỡng.
Ngoài ra, rau mồng tơi có chứa nhiều chất purin, chất này khi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric. Hàm lượng cao axít uric trong cơ thể làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mùng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.
Do đó, những người mắc bệnh sỏi thận, nên tránh ăn rau mùng tơi.
5. Rau chân vịt
Thực tế, rau chân vịt có nhiều vitamin A và K, có đặc tính chống ung thư rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại rau này lại không nên ăn quá nhiều vì nó có hàm lượng thuốc trừ sâu cao.
Theo nghiên cứu, rau chân vịt có hơn 48 dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó có nghĩa là khi ăn chúng, bạn sẽ đối mặt với rủi ro lớn cho sức khỏe như ung thư và tác động không tốt tới hệ thần kinh.
Rau chân vịt cũng chứa oxalat và purines, chúng có thể dẫn đến bệnh gút và sỏi thận. Vì vậy, người có vấn đề về thận, tốt nhất nên tránh xa chúng.
6. Cà tím
Cà tím là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cũng rất tốt cho sức khỏe vì nó có chứa lượng lớn chất xơ có thể hấp thu độc tố và hóa chất dẫn đến sự phát triển của ung thư đại tràng.
Tuy nhiên, mọi người cũng không nên ăn quá nhiều cà tím và nó có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê.
Vì solanine có thể gây viêm, đặc biệt là ở khớp, cà tím có thể không phải là lựa chọn tốt cho những người bị viêm khớp hoặc các bệnh tự miễn dịch khác.
Khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Solanine lại hòa tan trong nước không đáng kể nên khi đun sôi vẫn không thể được phá hủy được chất này.
Đặc biệt, cà tím có thể chứa nhiều calo hơn chúng ta tưởng tượng. Bởi cà tím có kết cấu xốp, giống như miếng bọt biển khi chiên xào sẽ dễ hấp thụ nhiều dầu, chất béo, calo và natri của bất cứ thứ gì nó được chế biến cùng với nó.
7. Ngô
Ngô có thể được nhiều người yêu thích và chế biến thành nhiều món như luộc, nướng, chiên,... Thật không may, hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều không thích ngô.
Các loại rau như ngô có hàm lượng carbohydrate cao hơn và carbohydrate chứa bên trong những loại rau này không phải chủ yếu là chất xơ khó tiêu, mà là các chuỗi đường còn được gọi là tinh bột. Những loại tinh bột này rất dễ tiêu hóa và nhanh chóng được chuyển hóa thành đường trong cơ thể, làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
Lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến thường xuyên có đủ loại tác động tiêu cực lâu dài, từ nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn đến tăng cân và bệnh tim. Do đó, dù ngô ngon và có lợi nhưng cũng không nên ăn quá nhiều.