Một trong số nguyên nhân của căn bệnh tiểu đường đó là việc ăn nhiều đồ ăn nhanh, thường xuyên bỏ bữa, lười vận động, tập luyện thể dục thể thao...
Những ngày vừa qua thông tin NSND Anh Tú (GĐ Nhà hát kịch Việt Nam) qua đời do biến chứng của bệnh tiểu đường đã khiến nhiều nghệ sĩ và người dân thương xót. Theo thông báo mới nhất, tang lễ NSND Anh Tú sẽ được tổ chức vào ngày 24/12, sau đó hài cốt người nghệ sĩ tài hoa này sẽ được đưa lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) an táng vào ngày 3/1/2019.
Khi NSND Anh Tú kiệt sức phải nhập viện cấp cứu, rất nhiều đồng nghiệp của người nghệ sĩ này đã chia sẻ rằng, NSND Anh Tú là một người luôn hết mình vì công việc. Thậm chí, có thời điểm biết bệnh mắc bệnh, uống cả vốc thuốc sau mỗi bữa ăn, nhưng ông vẫn không chịu đến viện điều trị mà để dành thời gian cho công việc.
NSND Anh Tú qua đời vì biến chứng bệnh tiểu đường.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, việc người mắc bệnh tiểu đường nhưng không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi căn bệnh này càng để lâu, càng gây ra những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thực tế, với trường hợp của NSND Anh Tú những ngày nằm viện mắt ông đã bị mờ đi rất nhiều vì biến chứng của căn bệnh này. Không chỉ có vậy, các bộ phận khác trong cơ thể như gan, thận...cũng bị ảnh hưởng.
Chia sẻ về căn bệnh tiểu đường tại hội nghị khoa học gần đây, PGS.TS Trần Ngọc Lương – GĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng cả về số ca mắc và tử vong. Điều đáng nói là căn bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Thậm chí, nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.
Ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường.
Nói về nguyên nhân khiến căn bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng nhanh chóng và trẻ hóa, PGS Lương cho rằng, thói quen thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa, lối sống ít vận động, khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, tăng béo phì. Một số bạn trẻ thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống thiếu điều độ, thường xuyên bỏ bữa gây tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa... dẫn tới bệnh tiểu đường.
Thời kỳ mới phát béo, sự đề kháng hormone tăng lên làm giảm sút hiệu quả của hormone nội tiết. Để khắc phục, tuyến tụy phải hoạt động liên tục khiến chức năng tiết hormone suy giảm và không đủ để duy trì chuyển hóa đường trong máu, gây tiểu đường tuýp 2 ở người trẻ.
Một thực tế được các chuyên gia báo động khẩn cấp hiện này, đó chính là việc vắng bóng người luyện tập ở các trung tâm thể dục thể thao, nhưng lại đông nghẹt người ở các quán nhậu vào mỗi buồi trưa, buổi chiều cũng là một trong số các nguyên nhân không chỉ gây bệnh tiểu đường, mà còn nhiều căn bệnh khác.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với các độc tố của môi trường như tồn dư chất tăng trọng trong chăn nuôi, stress, vỏ nhựa chai nước đựng nước uống,... cũng làm bệnh nhân tiểu đường tăng lên.
Để phòng căn bệnh tiểu đường, không còn cách nào khác là phải có lối sống lành lạnh và chế độ ăn uống khoa học. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân tiểu đường sau khi phát hiện bệnh đã áp dụng chế độ ăn kiêng hợp lý, giảm cân, tập luyện thể dục và dùng thuốc kiểm soát đường huyết vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.
Về chế độ ăn uống, các bác sĩ khuyên nên duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối. Tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích.
Tăng cường vận động mỗi ngày làm sao cho phù hợp với từng lứa tuổi, thể trạng không để đường dư thừa tránh tăng đường máu. Mỗi người cần thực hiện vận động, tập luyện ít nhất 30 phút 1 ngày.
Ngoài ra, nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường giúp ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, nên kiểm tra cân nặng thường xuyên để kịp thời điều chỉnh trong mức cho phép.