Nhiều người không nghĩ rằng các thói quen tưởng như vô hại lại có thể tàn phá sức khỏe âm thầm theo thời gian. Các hành vi này nếu không được điều chỉnh sẽ dần dần khiến cơ thể yếu đi, làm giảm sức đề kháng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Các thói quen sinh hoạt hàng ngày nếu không được chăm sóc và điều chỉnh có thể gây ra những tác động tiêu cực lên cơ thể theo thời gian. Có những người trông bề ngoài vẫn trẻ trung, năng động, nhưng bên trong lại tiềm ẩn các dấu hiệu suy yếu của tuổi già. Điều này một phần do các thói quen không lành mạnh hàng ngày.
1. Thường xuyên căng thẳng
Căng thẳng mãn tính gây ra sự gia tăng của hormone cortisol, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Mức cortisol cao kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh như: tim mạch, tiểu đường và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cơ thể.
Căng thẳng kéo dài còn làm tăng huyết áp, ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, đồng thời gây ra các vấn đề về tiêu hóa như: đau dạ dày, khó tiêu và mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, nó còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung.
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây suy yếu sức khỏe. (Ảnh minh họa).
2. Chế độ ăn uống không cân bằng
Chế độ ăn uống thiếu cân bằng với hàm lượng chất béo bão hòa, đường và muối cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến cơ thể thiếu các vitamin, khoáng chất cùng như các chất xơ cần thiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì do tích tụ mỡ thừa và gia tăng cholesterol xấu (LDL) trong máu.
Ngoài ra, thiếu chất xơ cũng gây rối loạn tiêu hóa, làm chậm quá trình đào thải độc tố và ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.
3. Giấc ngủ kém chất lượng
Khi thiếu ngủ, cơ thể không có đủ thời gian để phục hồi, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc suy giảm sức khỏe tâm thần. Thiếu ngủ cũng dẫn đến mất cân bằng hormone, làm tăng cortisol gây căng thẳng, giảm leptin dẫn đến việc ăn quá nhiều và dễ tăng cân.
Ngoài ra, giấc ngủ kém chất lượng làm suy giảm chức năng não bộ, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ cũng như điều chỉnh cảm xúc.
Thiếu ngủ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh minh họa).
4. Thiếu hoạt động thể chất
Khi không vận động đủ, cơ thể dễ tích lũy mỡ thừa, dẫn đến tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch,...
Ít vận động cũng khiến cơ và xương suy yếu, làm giảm mật độ xương cũng như tăng nguy cơ loãng xương. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, có thể gây ra cảm giác uể oải, thiếu năng lượng và tăng nguy cơ trầm cảm.
5. Uống ít nước
Khi cơ thể thiếu nước, quá trình trao đổi chất bị chậm lại, làm giảm năng lượng và gây mệt mỏi. Nước giúp thải độc tố qua thận, nên khi không uống đủ, chất thải tích tụ dễ gây tổn thương thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Ngoài ra, thiếu nước ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây táo bón và cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng. Do đó, hãy uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể cũng như tinh thần đều ở trạng thái tốt nhất.
6. Sức khỏe đường ruột
Khi hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng, các vi khuẩn có hại có thể phát triển quá mức, gây ra các vấn đề như: đầy hơi, khó tiêu, viêm ruột. Đường ruột không khỏe mạnh còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch vì khoảng 70% tế bào miễn dịch của cơ thể nằm ở đây.
Hệ vi sinh vật yếu có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Ngoài ra, sức khỏe đường ruột cũng liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần; khi hệ vi sinh vật bị rối loạn, nguy cơ căng thẳng, lo âu và trầm cảm có thể tăng cao do ảnh hưởng của trục não-ruột.
Hệ vi sinh trong đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. (Ảnh minh họa).
7. Tình trạng bệnh lý và thuốc men
Những bệnh lý mạn tính như: tiểu đường, cao huyết áp hay tim mạch không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt.
Hơn nữa, một số loại thuốc điều trị các bệnh này có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như: tăng cân, mệt mỏi hay rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị.
8. Yếu tố môi trường
Cuối cùng, môi trường sống và làm việc cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe. Ô nhiễm không khí, tiếng ồn hoặc các hóa chất độc hại từ vật dụng gia đình đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Ô nhiễm không khí, ví dụ như: bụi mịn và khí thải công nghiệp, có thể xâm nhập vào hệ hô hấp, gây tổn thương phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, hãy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tránh xa các nguồn ô nhiễm sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe từ môi trường.