Những thứ cần mang bên người để tránh ốm khi giao mùa

Ngày 27/10/2017 15:39 PM (GMT+7)

Thời tiết giao mùa dễ khiến bạn bị cảm lạnh. Chuyên gia y tế khuyên mang theo những thứ này bên người có thể giúp bạn không dính cảm.

Dễ mắc cảm mạo khi giao mùa

Theo lương y Phúc Toàn Anh (Hội Đông y Hà Nội), thời tiết giao mùa nên trẻ em, người già sức đề kháng kém dễ mắc bệnh. Những người có cơ địa dị ứng với thời tiết cũng dễ ốm. Hay gặp là đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, nhất là các chứng “thấp” như thấp khớp, thấp tim, hen… đặc biệt là chứng cảm mạo, gồm cả cảm nóng và cảm lạnh.

Đó là do môi trường bên ngoài lạnh, cơ thể chưa thích nghi với thay đổi thời tiết, sức đề kháng suy yếu, đi ngoài trời lạnh, tắm muộn… khiến khí lạnh xâm nhập vào các kinh lạc, tạng phủ và sinh bệnh. Chứng này xảy ra quanh năm, hay gặp nhất là khi giao mùa.

Ban đêm càng dễ bị nhiễm lạnh và nếu ở nơi có gió lùa, nằm đất, đi đường gặp mưa gió, hoặc ở trong môi trường quá lạnh… hàn khí bên ngoài sẽ xâm nhập cơ thể mà cơ thể không thể chống đỡ nổi.

Nhận biết các chứng cảm lạnh hay gặp

Nếu thấy cơ thể ớn lạnh dọc xương sống, đau nhức cổ gáy, nhức đầu vùng đỉnh và sau gáy, đau ngang thắt lưng, lạnh hai bàn chân, huyết áp giảm, người lạnh co rúm, mặt tái nhợt, môi tái… là khí lạnh đã phá vỡ hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào bên trong. Lúc này cần đánh cảm (đánh gió), xông hơi, cho ăn cháo giải cảm (có gừng tươi, quế mỏng, tía tô…). Hoặc uống cốc trà nóng, thêm đường hoặc mật ong, vắt chanh vào để giải cảm.

Những thứ cần mang bên người để tránh ốm khi giao mùa - 1

Gừng tươi có công hiệu rất tốt khi bị cảm lạnh. Ảnh: TL

Nếu thấy chân, thắt lưng lạnh nhưng trán nóng sốt, mặt nóng đỏ, huyết áp cao… Lúc này cần làm ấm phần dưới cơ thể là đôi chân (như đi tất, xoa dầu nóng lòng bàn chân, ngâm chân nước gừng nóng), nhằm tạo “đối trọng” về sức nóng với phần trên cơ thể, để “hỏa” hạ xuống.

Lưu ý là lúc này không giải cảm lạnh theo cách thông thường (như xông hơi nóng, dùng gừng tươi, tía tô, quế mỏng…), vì càng làm cho dương khí và huyết áp tăng cao, thậm chí có thể gây đứt mạch máu não, mất mạng.

Khi cái lạnh đã ngấm sâu vào trong cơ thể, sinh cảm giác nóng lạnh thất thường, mệt mỏi, mồ hôi vã ra, miệng đắng, họng khô, hoa mắt chóng mặt, người bứt rứt, khó chịu, nôn nao, ăn không ngon miệng, đau hết mình mẩy… thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để bác sĩ khám chữa, điều hòa cơ thể. Nếu để lâu ngày dễ phát sinh đủ thứ bệnh, cả những bệnh khó chữa như sốt rét, vàng da, xơ gan cổ chướng…

Những thứ cần bỏ túi để tự cứu mình

Theo BS Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội), chứng cảm lạnh khi ở nhà thì rất dễ xử lý, nhưng không ít người mắc khi đang ngoài đường và đã không kịp xử trí gây choáng, mệt lả, nôn ói, ngất xỉu, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy khi giao mùa cần có những "bảo bối" sau trong túi để tự cứu mình, cứu người.

Gừng nướng: Khi đột nhiên thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi, nổi da gà, sợ lạnh, đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, hoặc hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững… cần uống nước đường - gừng tươi nóng. Nhưng đi đường thì khó kiếm, do đó hãy nướng sẵn một củ gừng cho vào túi. Lỡ gặp mưa, hoặc thấy các triệu chứng trên thì lấy ra ăn dần. Gừng nướng dễ ăn hơn gừng tươi, chỉ ăn hết 1/2 củ gừng nướng đã đánh bay được các triệu chứng khó chịu của cảm lạnh để tiếp tục hành trình.

Về tới nhà thì chế biến nước đường - gừng tươi nóng uống ngay, hoặc đánh cảm bằng gừng tươi giã nhỏ, trộn với tóc rối, bọc vào miếng vải đánh xuôi từ trên xuống để giải cảm.

Dầu gió: Dầu gió có nhiều loại, như cao sao vàng, dầu khuynh diệp, phục linh... được các bác sĩ khuyên dùng hơn cả, bởi nó rất hữu hiệu trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, đau gân, đau cơ bắp, tụ máu, thâm tím, đầy hơi, chậm tiêu, khó tiêu, chống lạnh đường hô hấp... nói chung là các chứng bệnh thời khí.

Dầu gió rất tiện mang trong túi, tốt nhất nên chọn các loại dầu có vỏ hộp an toàn, không đổ vỡ. Trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú không nên dùng (đánh cảm cho lứa tuổi này nên dùng trứng luộc nhét đồng bạc, hoặc rượu gừng - tóc rối). Trẻ lớn trên 2 tuổi, khi dùng nhất thiết phải có sự theo dõi của người lớn.

Những người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp… không nên dùng dầu gió.

Người bình thường cũng không nên lạm dụng, vì dùng dầu gió quá thường xuyên sẽ gây giảm tác dụng.

Thuốc cầm tiêu chảy: Giao mùa còn rất dễ mắc chứng cảm lạnh kèm rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy (dân gian gọi là cảm tả). Theo BS Duy Anh, tiêu chảy được xem là một phản xạ tốt nhằm thúc đẩy các loại virus đang tấn công đường ruột ra khỏi cơ thể con người. Thuốc cầm tiêu chảy là kháng sinh loại nhẹ, đi đường nếu cấp bách chỉ dùng 10 viên/lần, 20 viên/ngày. Nhưng quá một ngày không cầm thì nên đến bệnh viện ngay.

Khi bị cảm lạnh có tiêu chảy nên xoa dầu làm ấm vùng bụng, vùng rốn, sau lưng (vùng đối diện với bụng); Uống nước đường gừng, hoặc ăn gừng nướng.

Khi về nhà cần xử lý tiếp bằng cách dùng ngay ngải cứu sao vàng và muối rang nóng, đem trộn đều, quấn vào khăn rồi chườm nóng vào chỗ bụng bị đau.

Lưu ý bổ sung lượng nước bị mất bằng cách uống nước gạo rang, oresol… đến khi hết tiêu chảy để bù nước. Do tiêu chảy rất khát, nhưng nên uống nước từng ngụm nhỏ và uống từ từ, không nên uống nhanh hết cả cốc nước sẽ vô tình khiến đi ngoài nhiều hơn.

Nếu tiêu chảy sang ngày thứ hai cần đến cơ sở y tế để được chữa trị, nhất là trẻ em rất nhanh bị mất nước.

Cách phòng chống cảm lạnh khi giao mùa

- Luôn giữ sức khỏe, năng vận động thể chất.

- Uống đủ nước. Bồi dưỡng cơ thể để nâng cao thể trạng, dương khí không bị suy yếu. Ăn nhiều vitamin có trong rau củ quả.

- Hạn chế đồ ăn béo. Không ăn uống đồ lạnh.

- Không tắm nước lạnh, dùng quạt hay điều hòa quá nhiều khiến cơ thể bị khí lạnh tấn công.

- Không làm việc quá sức. Không lo nghĩ, buồn bực quá nhiều mà dẫn tới ăn uống kém, cơ thể suy mòn, dương khí suy giảm.

- Cẩn thận với khí lạnh về ban đêm vì lúc này dương khí cơ thể lùi sâu vào trong cơ thể, khó chống đỡ với bên ngoài.

- Giữ ấm bụng để tránh bị lạnh bụng, gây đau bụng, tiêu chảy. Giữ ấm bàn chân – nơi rất nhạy cảm với lạnh và dễ ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe.

Bác sĩ Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội)

Theo Uyển Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe