“Mùa thu hay bị dị ứng và nhiều người nhầm lẫn dị ứng với viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm… nên điều trị sai cách. Điều đó dẫn tới người mệt mỏi, khó chịu”, BSCK II Quang Tùng (Bệnh viện E Hà Nội) cho biết.
Cảm lạnh, cảm cúm dễ nhầm với viêm mũi dị ứng
Con gái chị Lê Thị Hòa (ở Nghĩa Tân, Hà Nội), mấy hôm nay cứ chảy nước mũi trong, hắt hơi liên tục. Chị cho là con bị cảm lạnh, nên đánh gió, có uống thuốc cảm… mà cả tuần con không khỏi. Sốt ruột quá, chị đưa con đến bác sĩ khám, mới biết là con bị viêm mũi dị ứng.
Theo BSCK II Quang Tùng, viêm mũi dị ứng và cảm lạnh hay mắc khi mùa lạnh về. Bệnh giống nhau là cùng ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi… Bị viêm mũi dị ứng nhưng lại uống thuốc chữa cảm lạnh sẽ không khỏi, bởi chúng khác nhau bản chất, vì thế cách điều trị cũng khác.
Viêm mũi dị ứng là do hệ miễn dịch phản ứng với yếu tố ngoại lai (bụi, phấn hoa…) xâm nhập cơ thể. Nhưng khi tấn công “kẻ lạ”, các kháng thể cũng làm con người khó chịu. Bệnh không lây, nhưng xuất hiện ngay khi tiếp xúc với dị nguyên. Viêm mũi dị ứng có thể khỏi trong vài ngày, sau khi đã loại trừ dị nguyên cơ thể lại khỏe khoắn bình thường (hiếm khi kéo dài).
Triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng. Ảnh: TL
Cảm lạnh xuất hiện từ từ sau thời gian ủ bệnh và khỏi cũng từ từ, thường trong 3-14 ngày. Rất dễ nhận thấy các triệu chứng giống nhau giữa cảm lạnh và viêm mũi dị ứng. Chúng đều ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây hắt hơi, sổ mũi… Triệu chứng mệt mỏi cũng có thể xuất hiện ở cả hai bệnh. Tuy nhiên, nếu như cảm lạnh là bệnh lây nhiễm do virus dễ dàng truyền từ người mắc sang những người tiếp xúc gần thì viêm mũi dị ứng không lây.
Đừng để dị ứng “gõ cửa” vào mùa thu
Dị ứng và viêm mũi dị ứng là các chứng bệnh mùa thu bùng phát mạnh nhất, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân do trung chuyển mùa nóng sang mùa lạnh, thời tiết bất thường, nấm mốc, vi khuẩn, virus… sinh sôi. Còn do hệ miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi liên tục của khí hậu, nên dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công và mùa thực vật thụ phấn nên có thêm nhiều dị nguyên gây dị ứng.
Dị ứng hay tái nhiễm, trị liệu kéo dài, dai dẳng, gây ngứa âm ỉ, hoặc bùng phát dữ dội. Càng ngứa càng gãi nhiều, nặng thì có nguy cơ bị bội nhiễm.
Bị dị ứng có thể gây các hiện tượng sốc dị ứng như sốt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, sắc mặt tái, ra mồ hôi lạnh, mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài... Nặng hơn thì vùng da phát bệnh bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Dị ứng da nếu xuất hiện ở phụ nữ mang thai khá nguy hiểm vì dùng thuốc sẽ bị ảnh hưởng đến thai nhi.
Phòng tránh dị ứng như thế nào?
Để phòng tránh dị ứng, các chuyên gia y tế khuyên, mùa thu cần bổ sung vitamin và khoáng chất dinh dưỡng đặc biệt là vitamin C, D, B để tăng cường hệ miễn dịch. Rau cải xanh, cải xoăn, bí đỏ, hành tỏi, cà rốt, hành tỏi… rất tốt để chống mẩn ngứa, dị ứng mùa thu. Nên uống 2 cốc chè xanh/ngày giúp tăng sức đề kháng của các tế bào miễn dịch.
Cần giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh nhà cửa để diệt nấm mốc cả trong và ngoài nhà. Làm sạch nhà tắm và bếp bằng dấm, hoặc chất tẩy nấm để không cho chúng phát triển. Cụ thể:
- Thường xuyên giặt giũ chăn màn, gối, gas giường bằng nước nóng để khử trùng, diệt nấm mốc, bọ mạt...
- Rửa giặt các giày dép, rèm cửa, thảm sàn nhà… nhất là đồ chơi trẻ em vì chúng có thể chứa nấm mốc, bụi.
- Giữ độ ẩm nhà thích hợp để hạn chế nấm mốc và các yếu tố gây dị ứng. Nếu trồng cây cảnh trong nhà cần luôn kiểm tra hơi ẩm, đặc biệt trong phòng ngủ.
- Khi ra vào nên đóng kín cửa ôtô, hút bụi thảm và tấm lót nội thất ôtô thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa mạnh như nước rửa chén, vệ sinh bồn cầu…
- Tách biệt thú nuôi với phòng ngủ vì chúng có có chứa chất protein gây dị ứng. Thường xuyên tắm và lau khô cho thú cưng, vệ sinh ổ thú nằm.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, góp phần bảo vệ da khỏi mề đay mẩn ngứa.
- Vệ sinh máy điều hòa định kỳ. Nhà nên có máy hút ẩm, nhất là dưới tầng hầm.
Phòng dị ứng không tái phát Nếu bị viêm mũi dị ứng cần dùng thuốc chống dị ứng (đường uống và xịt) do bác sĩ kê đơn. Tránh tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên. Các chứng dị ứng có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc, rửa nước muối, hoặc tiêm dị ứng (nếu bị nặng). Dùng thuốc chống dị ứng phù hợp, nhưng thuốc nào cũng có tác động hai mặt khi lạm dụng, hoặc dùng sai cách. Khi nghi bị dị ứng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu bị dị ứng nặng và thường xuyên thì phải đến chuyên gia về dị ứng để tiến hành các kiểm tra về dị ứng nguyên. Để ngăn ngừa dị ứng, mẩn ngứa mùa thu cần lưu ý: Người cơ địa kém khi đi dã ngoại những ngày khô hanh, nhiều gió lúc 5-10 giờ sáng – vì là thời điểm phấn hoa phát tán nhanh và nhiều trong không khí (thời tiết ẩm ướt ít phát tán hơn). - Nếu phải ra ngoài, cần đội mũ, đeo kính và khẩu trang, mặc áo chống nắng kín người để không bị phấn hoa bám vào. Đi về là tắm gội sạch sẽ để ngừa phấn hoa theo vào nhà gây dị ứng. - Nếu nhà có người hay bị dị ứng, hen suyễn thì trong nhà cần tránh dùng các chất gây kích ứng như vải sơn lót sàn, thảm, chất tẩy rửa vật dụng… Tốt nhất nên có thiết bị thông gió ở trong nhà, và làm sàn nhà bằng gỗ, gạch, đá ốp lát. - Giữ ấm cho cơ thể giúp đẩy lùi các phản ứng dị ứng thường gặp trong mùa thu. BSCK II Quang Tùng |