Nữ bác sĩ có "đôi tay vàng" giúp nhiều người thay đổi số phận, nhưng có lúc chạnh lòng vì một câu nói của con

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/02/2024 09:46 AM (GMT+7)

“Có những ngày trực, mổ nhiều, khi về nhà tôi kêu ca một chút rằng hôm nay mệt quá thì cậu con trai nói: "Mọi việc ở nhà ba làm hết, từ đón con, nấu cơm, dọn nhà, mẹ có làm gì đâu mà mệt”, bác sĩ Dung tâm sự.

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Đại học Y Hà Nội), kiêm trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) được nhiều người biết đến là nữ bác sĩ ngoại khoa có đôi bàn tay khéo léo, giúp thay đổi cuộc đời, số phận nhiều người. Dù vậy, ít ai biết, để có được những thành công như ngày hôm nay, chị đã gặp không ít khó khăn, vất vả thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung được biết đến là người đã giúp thay đổi nhiều cuộc đời kém may mắn.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung được biết đến là người đã giúp thay đổi nhiều cuộc đời kém may mắn. 

Ca mổ đầu tiên: Người bệnh chính là bố mình

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung (SN 1980) đã công tác trong nghề y 20 năm. Nói về quyết định theo học nghề thầy thuốc cũng như chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, chị tâm sự: “Đó là duyên trời định”. Bởi ngay từ ngày thi đại học, gia đình đã không muốn chị theo ngành y nhưng với sự đam mê và quyết đoán, chị đã tự rút hồ sơ chuyển từ trường khác để nộp vào trường y.

Suốt 6 năm trong trường, dù chịu nhiều áp lực, chị đã nỗ lực vượt qua và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Thử thách lớn nhất với chị thời sinh viên là vào năm cuối đại học thì bố bị tai nạn trong lúc kinh tế gia đình khó khăn. Cô nữ sinh trường y khi ấy đã phải đi làm thêm nhiều nghề để kiếm sống như gia sư, trình dược viên... “Khi làm nghề trình dược viên, tôi chứng kiến đồng nghiệp phải lẽo đẽo, van nài bác sĩ kê đơn có thuốc mình đang bán, và tôi biết mình không thể làm công việc này lâu dài, dù khi đó trình dược viên là nghề "hot", dễ kiếm tiền”, bác sĩ Dung nhớ lại.

Để có được như ngày hôm nay, bác sĩ Dung trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Để có được như ngày hôm nay, bác sĩ Dung trải qua không ít khó khăn, vất vả. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, trong những đêm vừa ôn thi tiếp, vừa chăm bố đang điều trị chấn thương sọ não ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nữ bác sĩ trẻ lang thang đến các phòng trực cấp cứu, chứng kiến những ca chấn thương nặng với nhiều tổn thương cần chữa lành. Khoảnh khắc đó, chị nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và sau này đã thi đỗ bác sĩ nội trú chuyên ngành này. Sau khi tốt nghiệp, chị được giữ lại làm giảng viên, đồng thời công tác ở một số bệnh viện lớn, trước khi chuyển về BV Bạch Mai năm 2020.

Chia sẻ về ca mổ đầu tiên trong đời, bác sĩ Dung giọng trùng xuống: “Ca mổ đầu tiên của tôi, bệnh nhân chính là bố đẻ của mình”. Do bị tai nạn, bố bác sĩ Dung phải nằm một chỗ lâu này nên có nhiều vết loét trên cơ thể. Khi đó, gia đình chị liên hệ vài bệnh viện để xử lý, nhưng họ đều từ chối vì cho rằng tổn thương quá nặng. Chị quyết định sẽ tự tay cắt lọc các tổ chức hoại tử cho bố tại nhà.

Ca bệnh đầu tiên của bác sĩ Việt Dung lại chính là bố đẻ của mìn.

Ca bệnh đầu tiên của bác sĩ Việt Dung lại chính là bố đẻ của mìn. 

Khi đó, tôi phải tự tin và quyết đoán lắm mới dám thực hiện, nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, vì những vết hoại tử của bố ngày càng nặng và có mùi. May mắn thay, ca mổ đầu tiên trong nghiệp làm bác sĩ của tôi đã thành công ngoài mong đợi. Những vết thương của bố dần lành lại. Đó cũng là niềm vui và động lực giúp tôi tiếp tục đi trên con đường đã chọn. Cũng nhờ lần "liều" đó mà giờ bố tôi vẫn ở bên các con cháu, dù vụ tai nạn năm xưa khiến ông không còn được tỉnh táo hoàn toàn”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Từ bài học nhớ đời cho đến những “đường dao” giúp thay đổi số phận con người

Từ ngày học nội trú cho đến sau này khi hành nghề, người có ảnh hưởng và truyền cảm hứng lớn nhất cho bác sĩ Việt Dung là giáo sư Trần Thiết Sơn (chuyên gia đầu ngành về Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ). Bác sĩ Dung cho biết, quá trình làm việc cùng giáo sư Trần Thiết Sơn đã giúp mình học được rất nhiều điều, không chỉ về chuyên môn mà cả về y đức, sự quyết đoán trong những thời khắc quan trọng. “Thầy luôn răn dạy chúng tôi rằng, khi làm nghề phải luôn đặt chuyên môn lên hàng đầu, lấy bệnh nhân làm trung tâm, bởi chỉ cần đi chệch hướng thì hậu quả có thể đến ngay tức thì”, bác sĩ Việt Dung tâm sự.

Dẫn chứng cho điều này, chị chia sẻ về một trường hợp mà bản thân coi là "đáng xấu hổ nhất" trong cuộc đời làm nghề của mình. Hồi đó, có một nữ bệnh nhân đến đề nghị làm phẫu thuật thẩm mỹ. Với ca này, có thể thực hiện những phương án chi phí không cao nhưng vẫn đem lại hiệu quả tốt, nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế, bác sĩ đã chỉ định phương pháp phẫu thuật có chi phí cao nhất.

Sau sự cố bản thân gặp phải, bác sĩ Việt Dung đã rút ra bài học sâu sắc trong quá trình làm nghề của mình.

Sau "sự cố" bản thân gặp phải, bác sĩ Việt Dung đã rút ra bài học sâu sắc trong quá trình làm nghề của mình. 

“Thật không may, bệnh nhân có biến chứng sau phẫu thuật. Mặc dù mọi chuyện đã được xử lý nhưng đây là bài học nhớ đời với tôi. Kể từ đó, tôn chỉ khi khám và chỉ định điều trị của tôi là luôn là đặt lợi ích của người bệnh và yếu tố chuyên môn lên hàng đầu”, bác sĩ Dung bộc bạch.

Chị đã chứng minh điều này trong suốt những năm tháng trong nghề. Nhiều năm qua, bằng trình độ chuyên môn không ngừng nâng cao và cái tâm hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Dung đã thay đổi số phận, cuộc đời của rất nhiều người. Với chị, mỗi ca phẫu thuật là một câu chuyện, cũng là một nguồn cảm hứng trong hành trình làm nghề bác sĩ.

Bệnh nhân chị đặc biệt ấn tượng là một cô gái 25 tuổi, quê Ninh Bình, được đưa vào bệnh viện hồi tháng 2/2020 với bên chân trái khổng lồ. Cô gái trẻ đã phải mang chiếc chân bất thường đó từ năm học mẫu giáo. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán đa u xơ thần kinh dẫn tới phì đại chân trái. Toàn bộ khối u là một ổ hoại tử và nhiều vị trí có máu đọng. Xương đùi của bệnh nhân cũng vì sức nặng của khối u mà gãy làm nhiều đoạn.

Nữ bệnh nhân ở Ninh Bình với chiếc chân khổng lồ trước khi phẫu thuật.

Nữ bệnh nhân ở Ninh Bình với chiếc chân khổng lồ trước khi phẫu thuật. 

Đây là một ca bệnh khó, chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc hội chẩn mới có thể đưa ra quyết định phẫu thuật cắt bỏ chân trái, kèm theo khối u cho người bệnh. Ngày 19/2, ca mổ được bắt đầu, 6 tiếng phẫu thuật cũng là 6 tiếng cân não của toàn bộ ê-kíp. Cuối cùng tiến trình mổ điễn ra theo đúng kịch bản đã được xây dựng. Khi múi da cuối cùng được đóng lại, chúng tôi mới phần nào trút bỏ được gánh nặng”, bác sĩ Dung nhớ lại.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân dù mất một bên chân nhưng gia đình vẫn vô cùng hạnh phúc. Mẹ cô gái mỗi lần liên lạc với bác sĩ Dung lại rơm rớm nước mắt, bởi giờ đây con bà có thể đi lại bằng nạng, mỗi buổi sáng cô gái có thể tự đứng dậy và chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà.

Được gia đình người bệnh liên lạc, “khoe” về sự thay đổi của những trường hợp mình từng phẫu thuật là điều hạnh phúc nhất với các bác sĩ như chúng tôi. Đôi khi thay đổi số phận không phải là có được điều gì đó thật lớn lao, mà chỉ đơn giản là tự đi được bằng đôi chân của mình, ngay cả khi nó không còn lạnh lặn như đối với trường hợp cô gái trẻ trên”, bác sĩ Dung thổ lộ.

Bác sĩ Việt Dung tái khám cho một nữ bệnh nhân bị tai nạn tróc toàn bộ da đầu.

Bác sĩ Việt Dung tái khám cho một nữ bệnh nhân bị tai nạn tróc toàn bộ da đầu. 

Cả năm đi đón con một lần, cô giáo con nghĩ bố mẹ đã bỏ nhau

Dù rất thành công về chuyên môn, bác sĩ Dung thừa nhận bản thân đã phải đánh đổi rất nhiều, nhất là về gia đình. Do đặc thù công việc, nhất là với bác sĩ ngoại khoa, chị có ít thời gian dành cho người thân và may mắn luôn có được sự thấu hiểu, cảm thông từ gia đình.

Mặc dù vậy, không ít lần bác sĩ Dung đã phải “đứng hình” trước những câu nói của con, hay của những người xung quanh. “Tôi nhớ mãi ngày con trai học mẫu giáo, cả năm học đều là bố đón nhưng buổi cuối cùng tôi đến đón con. Khi thấy tôi, cô giáo nói: “Cô lại tưởng bố mẹ cháu bỏ nhau vì chẳng thấy mẹ xuất hiện bao giờ”. Nghe những lời đó mình chẳng biết phải giải thích làm sao để cô giáo hiểu, bởi đặc thù công việc của mình không phải cứ hết giờ hành chính là về ngay được”, bác sĩ Dung kể lại.

Bác sĩ Việt Dung cho biết, không ít lần chị nhận được những câu nói chạnh lòng, nhưng may mắn luôn có người thân bên cạnh ủng hộ.

Bác sĩ Việt Dung cho biết, không ít lần chị nhận được những câu nói chạnh lòng, nhưng may mắn luôn có người thân bên cạnh ủng hộ. 

Khi con lên lớp 2, trong một lần chị đến đón thì thấy con rơm rớm nước mắt, nghe mẹ hỏi lý do, bé trả lời: “Mọi khi toàn ba đi đón, hôm nay mẹ đến khiến con xúc động quá”. Không chỉ cô giáo hiểu nhầm, mà ngay cả con đôi khi cũng làm mẹ chạnh lòng vì những câu nói ngây thơ. “Có những ngày trực, mổ nhiều khi về nhà tôi kêu ca một chút rằng hôm nay mệt quá. Vừa nói xong, con trả lời rằng mọi việc ở nhà ba làm hết, từ đón con, nấu cơm, dọn nhà, mẹ có làm gì đâu mà mệt”, bác sĩ thổ lộ. 

Mặc dù luôn bận rộn với công việc ở bệnh viện, bác sĩ Việt Dung luôn cố gắng dành quỹ thời gian ít ỏi cho con và gia đình. Hàng tuần, nếu không có việc đột xuất, chị sẽ ở bên gia đình ngày chủ nhật và coi đó là cách để “đền bù” cho con bằng những buổi đi chơi, hay cùng nhau nấu món ăn ngon…

Chị tin rằng, với sự thấu hiểu, sẻ chia từ gia đình, mình sẽ thực hiện được ấp ủ tiếp tục mang tới những điều tốt đẹp, thay đổi số phận cho nhiều bệnh nhân hơn nữa trong hành trình nghề nghiệp tương lai...

Nữ bác sĩ có amp;#34;đôi tay vàngamp;#34; giúp nhiều người thay đổi số phận, nhưng có lúc chạnh lòng vì một câu nói của con - 8

Nữ bác sĩ tuổi Thìn với cuộc đời nhiều ngã rẽ truân chuyên và bí mật để giữ nụ cười lạc quan ở tuổi U80
Là người phụ nữ cá tính, luôn hết mình với công việc nhưng bác sĩ Dung không bao giờ quên nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Giờ đây ở tuổi U80 bà mới có...

Cùng Eva - Tết thăng hoa

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chân dung bác sĩ