Một nữ thư ký ở độ tuổi 40 cho rằng ăn 9 loại trái cây và rau quả mỗi ngày là tốt cho sức khỏe nhưng cô suýt chết vì nhồi máu cơ tim khi ăn sai tỷ lệ.
Chế độ ăn uống cân bằng có lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người nên tiêu thụ 9 phần trái cây và rau quả mỗi ngày nhằm mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao nhất. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ ăn sai sẽ gây gánh nặng cho cơ thể.
Liu Boren, chuyên gia y học chức năng nổi tiếng người Đài Loan (Trung Quốc), chỉ ra rằng ông từng điều trị cho một nữ bệnh nhân ở độ tuổi 40 - vốn rất coi trọng chế độ ăn uống cân bằng nhưng lại suýt chết vì nhồi máu cơ tim. Khi được hỏi về cách ăn, nữ bệnh nhân cho biết tuân thủ chế độ ăn 9 phần trái cây và rau quả mỗi ngày.
Tuy nhiên, sau khi hỏi kỹ, bác sĩ phát hiện người phụ nữ này ăn hầu hết trái cây chứ không phải rau. Việc nạp quá nhiều đường fructose khiến lượng chất béo trung tính tăng cao, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Chế độ ăn rau củ trái cây phải đúng cách mới tốt. (Ảnh minh họa).
Ăn nhiều trái cây lại gây hại cho tim mạch?
Bác sĩ y học dinh dưỡng Liu Boren đã kể lại trong một chương trình về sức khỏe rằng nữ thư ký ngân hàng này đã được đưa đến bệnh viện để điều trị do tức ngực và hồi hộp. Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện cô bị nhồi máu cơ tim cấp tính và cần đặt ống đỡ động mạch.
Sau khi tình trạng của nữ nhân viên ổn định, cô nói với bác sĩ bản thân ăn 9 phần trái cây và rau quả mỗi ngày và luôn chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng. Liu Boren đã kiểm tra báo cáo khám sức khỏe của bệnh nhân nữ trong nhiều năm và phát hiện chất béo trung tính của cô vẫn duy trì ở mức 500 đến 600 mg/Dl suốt thời gian dài, cao hơn nhiều so với giá trị bình thường là 150 mg/Dl. Sau khi tư vấn tiếp theo, bác sĩ biết được trong 9 loại rau quả mà nữ thư ký tiêu thụ hàng ngày hầu hết là trái cây và rất ít rau.
Liu Boren cho rằng vì trái cây có chứa fructose nên việc tiêu thụ quá nhiều mỗi ngày sẽ dẫn đến tăng chất béo trung tính, từ đó có thể gây bệnh tim mạch cho bệnh nhân. Bác sĩ nhắc nhở rằng khẩu phần 9 loại trái cây và rau quả hàng ngày nên chủ yếu là rau và ít trái cây.
Có nên ăn quá nhiều trái cây không?
Trái cây là một phần quan trọng của mọi chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng bạn có thể ăn quá nhiều trái cây không? Câu trả lời đơn giản là: Tùy trường hợp. Chuyên gia dinh dưỡng Malkani, Mỹ nhấn mạnh rằng ăn một lượng trái cây quá mức có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Tại sao? Nó thiếu sự cân bằng dinh dưỡng. Sự thật là, bạn không thể có được mọi thứ cơ thể mình cần chỉ từ trái cây. Kiểu ăn uống này cũng cực kỳ hạn chế, có thể dẫn đến các dạng rối loạn ăn uống.
Chuyên gia Malkani cho biết: "Những rủi ro liên quan đến việc ăn quá nhiều trái cây bao gồm khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng và khả năng thiếu hụt chất dinh dưỡng".
Rau xanh rất cần thiết và không thể thay thế bằng trái cây. (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, xét về mặt hấp thụ, chuyên gia lưu ý rằng điều quan trọng cần nhớ là cơ thể bạn chỉ có thể hấp thụ một lượng nhất định các chất dinh dưỡng từ trái cây trong một lần, vì vậy kiểm soát khẩu phần là chìa khóa. Ăn nhiều loại trái cây mỗi ngày là điều tuyệt vời, nhưng một khi cơ thể chúng ta hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết từ chúng, thì việc ăn nhiều hơn không có lợi ích gì. Điều đó có nghĩa là bạn không cần phải tăng gấp ba lượng cam để tăng gấp ba lượng vitamin C, bởi cơ thể bạn chỉ có thể hấp thụ một lượng nhất định cùng một lúc.
Nên ăn trái cây bao nhiêu mỗi ngày?
Hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ khuyến nghị rằng người Mỹ nên ăn khoảng hai cốc trái cây mỗi ngày (tương đương với một quả chuối lớn và nửa quả táo lớn) để đạt được sự cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.
Thành phần dinh dưỡng của trái cây - bao gồm đường tự nhiên cung cấp năng lượng, đi kèm với vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng thực vật, chất chống oxy hóa và chất xơ - rất khác so với đường tinh luyện được thêm vào thực phẩm chế biến để tăng độ ngon miệng và thời hạn sử dụng.
Còn hoa quả sấy khô thì sao?
Trái cây sấy khô chắc chắn là ngon. Mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đây là nguồn chất xơ và chất chống oxy hóa tuyệt vời, nhưng vẫn có một số nhược điểm cần lưu ý, chủ yếu là hàm lượng đường cao, với hầu hết các lựa chọn đều có hàm lượng đường gấp đôi trái cây tươi.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo phụ nữ nên giới hạn lượng đường nạp vào cơ thể ở mức 25 gam mỗi ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên kiểm soát khẩu phần ăn và kết hợp với protein và/hoặc chất béo lành mạnh để ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến.