Ăn uống ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và làm việc gì đó sau khi ăn có thể gây hại tới cơ thể.
Bác sĩ Luo Weifan - chủ tịch danh dự của Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc đã có 30 năm hành nghề y đưa ra lời khuyên rằng không nên làm 8 việc sau bữa ăn, bao gồm cả ăn trái cây và đi dạo.
1. Hút thuốc
Hút thuốc sau bữa ăn có hại gấp 10 lần so với bình thường. Nguyên nhân là do lượng máu lưu thông trong đường tiêu hóa tăng lên sau khi ăn khiến một lượng lớn thành phần có hại trong thuốc lá bị hấp thu, gây tổn thương cho phổi, gan, hệ tim mạch.
2. Uống trà
Lượng lớn axit tannic trong trà có thể kết hợp với sắt, kẽm trong thức ăn tạo thành các chất không hòa tan, dẫn đến cơ thể khó hấp thụ sắt trong thức ăn. Nên bố trí uống trà sau bữa ăn một giờ để tránh điều này.
3. Đi tắm
Tắm sau bữa ăn sẽ làm tăng lưu lượng máu trên bề mặt cơ thể và làm giảm lưu lượng máu trong đường tiêu hóa, do đó sẽ làm suy yếu chức năng của đường tiêu hóa.
4. Đi ngủ
Ăn xong đi ngủ ngay sẽ dễ tăng cân. Các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người nên vận động ít nhất 20 phút sau bữa ăn trước khi đi ngủ, ngay cả trong thời gian ngủ trưa.
5. Đi bộ
Đi bộ ngay sau bữa ăn sẽ làm tăng cường độ vận động, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là người già bị suy giảm chức năng tim, xơ cứng mạch máu và rối loạn chức năng phản xạ điều hòa huyết áp dễ bị tụt huyết áp sau bữa ăn. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên đợi 30 phút sau khi ăn mới đi bộ.
6. Lái xe
Bởi vì quá trình tiêu hóa thức ăn của con người sau bữa ăn cần một lượng máu lớn, dễ gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời, dẫn đến sai sót vận hành khi lái xe.
7. Ăn trái cây
Ăn trái cây ngay sau bữa ăn là thói quen của nhiều người. Nhưng thức ăn phải mất tới 1 đến 2 giờ tiêu hóa mới đi vào dạ dày trước khi được thải từ từ xuống ruột non. Ăn trái cây ngay sau bữa ăn sẽ cản trở việc tiêu hóa khiến thức ăn sẽ bị ứ đọng trong dạ dày, lâu dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
8. Nới lỏng thắt lưng
Nới lỏng thắt lưng hay chun quần ngay sau bữa ăn sẽ làm giảm áp lực trong ổ bụng, làm suy yếu khả năng hỗ trợ của đường tiêu hóa, tăng hoạt động của cơ quan tiêu hóa và tải trọng lên các dây chằng, dễ gây ra chứng sa dạ dày, khó chịu vùng bụng trên và các bệnh về hệ tiêu hóa khác.