Sau khi sinh con, sản phụ nghe lời mách bảo nên đã nuốt mật lợn để chữa đau bụng, tiêu hóa tốt và sau đó phải nhập viện cấp cứu.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một ca bệnh rất hy hữu. Bệnh nhân là sản phụ sau sinh con được 2 tuần (trú tại Nghi Ân - TP Vinh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cấp cứu vì nuốt mật lợn.
Theo thông tin từ người nhà, sau khi sản phụ sinh xong, gia đình nghe mọi người mách nuốt mật lợn có thể chữa đau bụng, tốt đường tiêu hóa nên đã đi xin một túi mật lợn còn tươi về để cho chị nuốt. Không ngờ, sau khi nuốt nguyên túi mật lợn đó, sản phụ xuất hiện các triệu chứng như: Nôn khan, khó thở, nuốt nghẹn, kích thích liên tục, đau tức vùng ngực, không ăn uống được.
Sau khi vào viện cấp cứu, các bác sĩ thăm khám hội chẩn cùng kíp nội soi tiêu hóa phát hiện một dị vật nằm trong đường thực quản của bệnh nhân. Bác sĩ Chu Đức Quỳnh, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, kết hợp cùng bác sĩ khoa Tại Mũi Họng-Răng Hàm Mặt đã tiến hành gắp ra một túi mật lợn tươi, kích thước khoảng 3cmx4cm. Theo các bác sĩ, may mắn là dị vật đã tuột xuống thực quản, nếu đang còn nằm ở đường thở thì có nguy cơ gây tử vong cao vì làm tắc đường thở.
Các bác sĩ cho rằng, nuốt mật lợn không có tác dụng chữa bệnh vì trong cơ thể đã có sẵn mật. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ cho biết, nuốt mật lợn là phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng cho sản phụ sau sinh nhằm giảm đau bụng. Dù đã được cảnh báo nhiều song tình trạng người dân tự ý nuốt mật lợn nói riêng, mật động vật nói chung để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe vẫn diễn ra khá phổ biến.
Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, tất cả các loại mật động vật đều có chất độc, dù hàm lượng chất độc trong từng loại mật có khác nhau nhưng nếu sử dụng tùy tiện đều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Tác dụng duy nhất của túi mật động vật chỉ là dịch từ túi mật vào ruột non giúp tiêu hóa các chất béo, dầu mỡ, làm tan các dầu mỡ để cơ thể hấp thu thức ăn tốt hơn. Mặt khác, kinh nghiệm dân gian có thể thích hợp với người này nhưng không thích hợp người khác, do vậy không nên bắt chước, dùng tùy tiện.
Ở khía cạnh Tây y, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận những vụ ngộ độc do nuốt mật động vật, đặc biệt là vào những dịp lễ Tết. Các bác sĩ cho biết, trong cơ thể mỗi người đều đã có mật, thông thường mật này đủ để đảm nhiệm hoạt động tiêu hóa thức ăn hàng ngày, do đó đưa thêm lượng mật bên ngoài vào là không cần thiết và thậm chí có thể dễ dẫn đến ngộ độc.