Hàn the là một chất cấm được sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên không ít người vì muốn thực phẩm ngon hơn nên đã bất chấp quy định đưa hóa chất này vào món ăn.
Tiến sĩ dinh dưỡng phát hoảng khi phát hiện giò chả ngậm hàn the
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) cho biết, dù đã cảnh báo và nhà nước đã đưa hàn the vào danh mục hóa chất cấm sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, không ít người, nhất là cơ sở sản xuất chế biến giò chả vẫn sử dụng hàn the để giúp giò, chả dẻo, giòn, ít bị ôi thiu hơn…
“Cuối tuần vừa qua tôi có mua giò chả về để chuẩn bị cho bữa sáng, có lẽ do “bệnh nghề nghiệp” nên tôi cẩn thận dùng que test thử xem có hàn the trong giò chả không. Thật bất ngờ sau khi test thử cả giò và chả đều có chứa hàn the, tôi đã phải bỏ số giò chả đó mà không dám sử dụng”, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ.
Hình ảnh tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng test thử hàn the trong giò chả cho bữa sáng.
Tiến sĩ Hưng cho biết, thực tế đây không phải là lần đầu tiên ông phát hiện sản phẩm có chứa hàn the nhưng trong cuộc sống hàng ngày không phải ai cũng chủ động test trước khi ăn. Đặc biệt giò, chả rất nhiều trẻ em thích vì mềm và có vị dễ ăn, tuy nhiên nếu sản phẩm cứ “ngậm” hàn the như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hàn the ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ trong bào thai
Hàn the là tên gọi để chỉ các khoáng chất hay hợp chất hóa học trong hóa học gọi là Borac. Hàn the là chất chống oxy hóa và có tính sát trùng nhẹ, trước đây được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm do một số ưu điểm, như có thể giữ thực phẩm được tươi ngon trong thời gian dài, không bị ôi thiu nên hay được dùng để ướp cá, thịt. Bên cạnh đó, hàn the cũng có thể làm tăng độ dẻo của thực phẩm, do vậy, thường được cho vào bún, phở, giò, nem chua...
Với liều từ 5 gram trở lên hàn the đã có thể gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong. Dùng với liều lượng thấp có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể.
Hàn the đã bị cấm sử dụng vì những ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàn the khi vào trong cơ thể sẽ tác dụng với axit trong dịch vị dạ dày giải phóng ra axit boric. Hoạt chất này có tác dụng ức chế thực bào, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nó có đặc tính gắn kết với thực phẩm làm cho thực phẩm khó được tiêu hóa hơn bình thường rất nhiều.
Hàn the không bị thải loại hoàn toàn mà nó có khả năng tích tụ lên đến 15% lượng tiếp nhận vào cơ thể. Điều này về lâu dài sẽ gây ngộ độc mạn tính, dần dần làm suy thận, suy gan dẫn đến tình trạng da xanh xao, biếng ăn ở trẻ nhỏ, cơ thể suy nhược, thậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa đối với ai sử dụng nhiều.
Trẻ em dùng hàn the lâu ngày dẫn đến sự phát triển chậm trong tuổi trưởng thành. Phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm độc hàn the thì dư lượng hàn the có thể được thải trừ qua rau thai và sữa, gây nhiễm độc tới thai nhi và trẻ nhỏ.
Làm sao để nhận biết thực phẩm có chứa hàn the?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, để nhận biết thực phẩm có chứa hàn the, người tiêu dùng nên sử dụng que test nhanh. Khi ấn que test nhanh vào thực phẩm như giò, chả nếu thấy xuất hiện màu đỏ thì sản phẩm ấy có chứa hàn the.
“Hiện que test nhanh này được bán rất nhiều, giá cả cũng phù hợp vì thế mọi người hoàn toàn mua 1 hộp về sử dụng dần khi cần để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”, tiến sĩ Hưng khuyến cáo.
Cách test thử hàn the trong thực phẩm.
Ngoài cách nhận biết bằng que test nhanh, người tiêu dùng có thể nhận biết bằng khứu giác, thị giác, vị giác… tuy nhiên những phương pháp này chỉ là cảm nhận chủ quan của mỗi người, nên cho độ chính xác không cao.
Theo đó, với giò có hàn the sẽ mùi nồng, lá gói giò chả sẽ khô, không dính như giò chả thường. Giò ngon khi cắt ra sẽ có màu trắng ngà phớt hồng. Bề mặt lát cắt của miếng giò sẽ có nhiều lỗ rỗ do giò làm từ thịt nạc ngon…
Nếu giò bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì giò đó đã bị trộn với quá nhiều bột. Còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
Điều 6 Nghị định 178/2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại. |