Nhiều chị em rất tự hào khi sở hữu "vòng một" lớn nhưng đi kèm với nó là những rủi ro sức khỏe ví dụ như các bệnh về đường hô hấp.
Có một thực tế là ngay khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, mọi người sẽ dễ dàng mắc cảm lạnh hoặc cúm hơn bao giờ hết. Gần như là mọi người bạn gặp trên đường hoặc ở nơi làm việc đều ho hắng hoặc xì mũi.
Nhiều người gặp tình trạng này đến nỗi người ta tin rằng cảm lạnh khi mùa đông đến sẽ xảy ra với tất cả mọi người. Nhưng sự thực không phải vậy, có một số đối tượng dễ mắc tình trạng này hơn hẳn.
Cảm cúm đến cùng mùa đông.
Theo các nhà khoa học, phụ nữ có bộ ngực lớn sẽ dễ bị cảm lạnh và tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người có "vòng một" hơi lép vế, thậm chí còn gia tăng khả năng nhiễm trùng đường hô hấp. Đây là kết quả của một nghiên cứu ở Ba Lan được công bố trên tạp chí Archives of Sexual Behavior.
Nghiên cứu tiến hành trên 163 phụ nữ trẻ, không mang thai và đều là người da trắng, cho thấy những người có bộ ngực lớn có khả năng sử dụng kháng sinh cao gấp 56 lần. Những phụ nữ có ngực cúp F dễ bị cảm lạnh, cúm và ho kéo dài trung bình trong 8,3 ngày, trong khi những người có cúp ngực AA chỉ bị ốm trong khoảng 3,8 ngày - thậm chí chưa bằng một nửa với người ngực to.
Cách thực hiện nghiên cứu là các nhà khoa học hỏi người tham gia những câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác mà họ đã trải qua trong 3 năm gần đây. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù phương pháp này hơi "thủ công", nhưng nó giúp tiết kiệm chi phí và cho ra một kết quả tương đối chính xác.
Nghiên cứu kết luận: Kích thước "vòng một" có ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề nhiễm trùng đường hô hấp, kèm theo hai yếu tố khác là thời gian trung bình mắc bệnh và tần suất sử dụng kháng sinh. Điều này cho thấy phụ nữ có bộ ngực lớn phải trải qua các đợt bệnh về hô hấp dài hơn và uống kháng sinh thường xuyên hơn.
Một giả thuyết về lý do tại sao phụ nữ có bộ ngực lớn bị cảm lạnh nhiều hơn là chất béo trong ngực làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến việc phục hồi sau cảm lạnh trở nên khó khăn hơn. Các nhà khoa học nghĩ rằng hormone leptin - được sản xuất trong mô mỡ và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch - có thể là lý do đằng sau tình trạng này.
Cảm lạnh phổ biến ở phụ nữ ngực lớn hơn là phụ nữ ngực nhỏ.
Mặc dù vậy, khả năng mắc cảm cúm ở mỗi người không chỉ phụ thuộc vào "vòng một", nó có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như môi trường sống, thói quen sinh hoạt, tiêm chủng,... Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể đó chính là tiêm ngừa cúm, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên,... để tăng sức đề kháng.