Bất kể là nam hay nữ thì bệnh tật đều có thể ập đến khi lạm dụng rượu bia.
Khi nói đến việc uống rượu, bia chúng ta thường nghĩ ngay đến đó là thói quen của đàn ông. Nhưng trong xã hội hiện đại, khi bình đẳng giới được đề cao thì việc phụ nữ sử dụng rượu, bia đã không còn xa lạ. Vậy thực sự phụ nữ có nên uống loại nước có cồn này?
Là một nước đang phát triển nhưng Việt Nam lại là một quốc gia có lượng tiêu thụ rượu, bia lớn nhất nhì tại châu Á và đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp về mức độ tiêu thụ bia Heineken. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động khi việc làm dụng rượu bia đang gây ra nhiều mối nguy với toàn xã hội.
Theo một điều tra sức khoẻ vị thành niên và thanh niên, có 58% nam và 30% nữ đã từng say rượu. Ở người trưởng thành, nhóm người sử dụng rượu bia nhiều nhất chính là cán bộ làm trong các doanh nghiệp, người lao động tự do và có một tỷ lệ không nhỏ là phụ nữ.
Bất kể là nam hay nữ thì bệnh tật đều có thể ập đến khi lạm dụng rượu bia (Ảnh: Internet)
Chưa bàn nhiều đến những tác động về đạo đức và văn hóa xã hội thì lạm dụng rượu, bia đã trở thành lý do để bệnh tật đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Bất kể là nam hay nữ thì bệnh tật đều có thể ập đến khi lạm dụng rượu bia.
Theo BS. Vũ Đức Trung, Trưởng khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện Quân đội 354, cho biết, là một bác sĩ chuyên khoa ông thường xuyên gặp những bệnh nhân vào viện do tác động của rượu. Có bệnh nhân nhẹ nhất thì vào trong tình trạng say rượu, kích động, la hét, chửi bới và quậy phá. Có người thì nặng hơn do lạm dụng rượu, bia thì vào viện đã bị gan mãn tính, sơ gan.
Lúc này bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không uống rượu. Và khi cắt rượu trong vòng 3 - 4 ngày, bệnh nhân thường có biểu hiện loạn thần do rượu, như một người điên thực sự. Lúc này họ có thế lảm nhảm, có ảo thị giác và có những cơn kích động đập phá như một người rối loạn tâm thần thực sự.
Trường hợp trên nếu được điều trị tốt thì có thể hồi phục tâm thần sau 3 - 5 ngày, nhưng sự hồi phục của gan cực kỳ khó khăn. Vì thường người đã bị sơ gan do rượu có nghĩa đã ở giai đoạn muộn nhất của bệnh gan, lúc này việc điều trị rất tốn kém và khó khăn.
Cũng theo BS. Vũ Đức Trung, uống rượu với liều lượng vừa phải và điều độ được xem như là thuốc bổ, nhưng giống như thuốc nếu đã sử dụng quá mức thì nó lại trở thành thuốc độc. Lạm dụng rượu có thể độc cho gan, độc cho tim, độc cho thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.