Rau ngò om có tác dụng gì? Rau ngò om trị sỏi thận và tiểu đường như thế nào?

Khánh Hằng - Ngày 23/06/2021 16:24 PM (GMT+7)

Rau ngò om hay còn gọi là rau ngổ dù chỉ là một loại rau gia vị nhưng cũng đem lại rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, thậm chí có khả năng chữa một số bệnh.

Rau ngò om là gì?

Rau ngò om hay còn gọi với những cái tên quen thuộc khác như rau ngổ, rau ngò, rau ngò om, rau ôm, ngổ thơm, ngổ hương, thạch long vĩ... Tên khoa học của rau ngò om là Limmophila chinensis, thuộc họ Scrophulariaceae.

Rau ngò om thường sống ở môi trường nóng và có nhiều nước. Rau ngò om có mùi thơm đặc trưng, được coi là một loại rau gia vị, thường xuất hiện trong các món như canh chua, canh cá, món vịt hoặc ăn kèm như rau sống.

Rau ngò om có tác dụng gì? Rau ngò om trị sỏi thận và tiểu đường như thế nào? - 1

Rau ngò om là cây thân thảo có chiều dài 20-30 cm. Thân của cây ngò om mùi thơm, có phần lõi xốp đóng vai trò như những chiếc phao giúp chúng nổi trên mặt nước, dọc thân cây chứa nhiều lông mịn bao phủ. Lá ngò om mọc đối xứng, màu xanh, kích thước nhỏ, mặt nhẵn, mọc sát và hơi ôm lấy thân, không có cuống, mép lá hình răng cưa nhỏ. Hoa ngò om mọc ở nách lá, có 5 cánh màu tím nhạt trên đầu, trắng ở phía dưới. Cây ngò om cũng có quả dạng nang nhẵn, ngắn, dọc theo quả có một số nếp nhăn và bướu, bên trong quả có hạt nhẵn hình trụ, sắc đen nhạt.

Thành phần dinh dưỡng có trong rau ngò om:

- Nước

- Tinh dầu

- Cumarin

- Protid

- Flavonoid 

- Các loại vitamin: B, C

- Đường khử

- Carotene

- Cellulose

- Axit hữu cơ

- Glucid

- Monoterpenoid cetone

- Limonene

- Aldehyd perilla

- Nevadensin

Rau ngò om có tác dụng gì?

Theo Đông y, rau ngò om có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột, làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa, ngừa ung thư, viêm kết mạc, thủy đậu, trị những cơn đau thắt bụng.

Tại Trung Quốc, ngò om được dùng để trị chấn thương khi té ngã, sưng kết mạc, mụn ngoài da, rắn cắn và cam tích (bệnh mạn tính ở trẻ em, do tỳ vị vận hóa kém, dinh dưỡng không điều hòa). Ngò om cũng được dùng trị các rối loạn, đau khi có kinh nguyệt, giúp sinh sữa cho sản phụ.

Rau ngò om có tác dụng gì? Rau ngò om trị sỏi thận và tiểu đường như thế nào? - 2

Ở Malaysia, lá rau ngò om được dùng làm thuốc đắp trị đau nhức chân. Rễ và lá, sắc chung để trị nóng sốt, thông đờm khi ho.

Ở Ấn Độ, toàn bộ cây ngò om giúp sinh sữa, sát trùng; nước cốt trị nóng sốt, cho sản phụ uống khi sữa bị chua. Lá ngò om giã nhỏ có thể đắp vết thương, giúp mau lành.

Theo y học hiện đại, rau ngò om có một số công dụng sau:

- Tác dụng chống oxy hóa: Nghiên cứu phối hợp giữa 2 Đại học Mahidol University, Bangkok (Thái Lan) và Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản) ghi nhận chiết xuất ngò om bằng methanol và các tinh dầu của L. aromatica có khả năng hấp thu các gốc tự do, các gốc NO và chống được phản ứng per-oxy hóa lipid. Hoạt tính chống oxy hóa của nước chiết bằng methanol mạnh hơn các tinh dầu. Những chất khác có trong rau ngò om như vitamin C, coumarine và flavonoid đều là những chất chống oxy hóa mạnh. Nhờ đó, rau ngò om có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường và một số bệnh mãn tính khác.

- Tác dụng kháng khuẩn: Flavonoid có trong rau ngò om có những hoạt tính diệt khuẩn khi thử trên các vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, E. coli, Salmonella typhimurium, từ đó cho thấy ngò om có tác dụng sát trùng đường ruột và đường tiểu rất tốt.

- Tiêu diệt tế bào ung thư: Trong rau ngò om có chứa nevadensin giúp diệt tế bào ung thư dalton lymphoma và Ehrlich ở chuột. Khả năng diệt tế bào lên đến 100% ở nồng độ 75mcg/ml. Ngoài ra như đã nói ở trên, tác dụng chống oxy hóa của rau ngò om cũng phát huy trong việc phòng chống nhiều loại ung thư.

Rau ngò trị sỏi thận

Rau ngò om có tác dụng trị sỏi thận nhờ vào công dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận; do đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài. Do đó, bạn có thể kết hợp trị sỏi thận bằng thuốc tây lẫn phương pháp dân gian từ rau ngò om như sau:

- Cách 1: Rửa sạch 50 g rau ngò om rươi, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm ít muối vào cho dễ uống. Uống nước vắt này 2 lần/ngày, trong khoảng 5-7 ngày sẽ thấy tác dụng. Bạn cũng có thể kết hợp rau ngò om với râu bắp, mã đề hoặc cây cối xay trong bài thuốc này.

Rau ngò om có tác dụng gì? Rau ngò om trị sỏi thận và tiểu đường như thế nào? - 3

- Cách 2: Lấy 50-100 g rau ngò om rửa sạch, xay sinh tố rồi uống liên tục trong vòng 15 ngày nếu sỏi nhỏ, 1 tháng nếu sỏi to. Hoặc nấu lá ngò om với nước vừa đủ, uống lúc ấm từ 15-30 ngày.

- Cách 3: Rau ngò om rửa sạch, đem phơi khô, mỗi ngày lấy một ít sắc nước uống. Ngoài ra, bạn có thể ăn rau ngò om kèm trong các món như canh chua, phở...

Một số bài thuốc khác với rau ngò om

- Rau ngò chữa tiểu đường: Ăn rau ngò như một loại rau gia vị hoặc giã nát 50 g rau ngò, thêm nước vào rồi vắt lấy nước cốt để uống. Rau ngò om có tính mát, có tác dụng hạ đường huyết, giảm mỡ máu, tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ hiệu quả bệnh tiểu đường.

- Trị đái dầm ở trẻ em: rau ngò om 20 g, mùi tàu 20 g, cỏ mần trầu 20 g, cỏ sữa lá nhỏ 10 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước đến khi còn 100 ml, uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3 - 4 lần.

- Trị đái ra máu: rau ngò om 10 g, cỏ tháp bút 10 g, rễ cỏ tranh 10 g, thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng rồi sắc uống làm 2 lần trong ngày.

- Trị ban đỏ: rau ngò om 20 g, dây vác tía 20 g, măng sậy 10 g, đọt tre mỡ 10 g, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống trong ngày.

- Trị ho lâu ngày do viêm phế quản mãn tính, ngủ hay mơ: 50 g rau ngò om rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt, thêm 3 - 5 hột muối hột, uống lúc sáng mới tỉnh dậy chưa đánh răng súc miệng, liên tục 10 - 15 ngày.

- Trị viêm tấy đau nhức: 1 nắm rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ vết thương.

- Trị rắn cắn: 15 - 20 g rau ngò om tươi, 25 g kiến cò, giã nát 2 thứ trên, thêm 20 - 30 ml rượu trắng, chắt lấy nước uống, còn bã đắp vào vết cắn. Hoặc lấy 20 - 40 g rau ngổ khô, sao vàng, sắc lấy nước uống 4-5 lần liền.

Cây rau sắng có tác dụng gì? Cách chế biến món ngon từ rau sắng
Dù không được biết đến rộng rãi nhưng rau sắng cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời cho cơ thể.

Bài thuốc quanh ta

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả để bảo vệ trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ là nguồn cung cấp kali, magie tự nhiên rất quan...

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường..