Tác dụng của rau tần ô là gì?

Khánh Hằng - Ngày 03/06/2021 16:39 PM (GMT+7)

Rau tần ô hay còn gọi với tên quen thuộc khác là rau cải cúc có rất nhiều tác dụng và lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn.

Rau tần ô hay còn được gọi bằng những tên quen thuộc khác như rau cải cúc, rau cúc, cúc tần ô, đông cao, xuân cúc. Tại Nhật Bản, rau tần ô được gọi là Shingiku, ở Trung Quốc gọi là Tong Hao và ở Anh gọi là Crown Daisy.

Rau tần ô có nguồn gốc từ Đông Á, là một loại rau được trồng phổ biến và xuất hiện trong những bữa cơm hàng ngày, kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Việc ăn rau tần ô đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ giảm cân, bảo vệ chống oxy hóa, giảm nguy cơ ung thư phổi, cũng như bảo vệ chống lại các vấn đề tim mạch, sỏi thận, cellulite, đầy hơi và loãng xương.

Tác dụng của rau tần ô là gì? - 1

Rau tần ô sống quanh năm, cây có thể cao tới 1,2 m, lá ôm vào thân, xẻ thành hình lông chim. Cụm hoa ở nách lá, bông hoa màu trắng vàng, mùi thơm. Mùa hoa tần ô thường rơi vào khoảng tháng 1 đến tháng 3. Bộ phận sử dụng được trên cây tần ô là lá. Lá tần ô có mùi thơm đặc trưng, hơi hăng gần giống như mù tạt, vị ngọt thanh. Một lưu ý nhỏ khi nấu rau tần ô là không nên nấu quá chín vì việc này sẽ làm giảm lợi ích sức khỏe của nó.

Thành phần dinh dưỡng của rau tần ô

Thành phần dinh dưỡng trong 100g rau tần ô bao gồm:

- Calo: 14

- Đạm: 1,6 g

- Tinh bột: 1,9 g

- Tro: 700 mg 

- Canxi: 63 mg

- Sắt: 800 mcg

- Nước: 93,7 g

- Chất xơ: 2 g

- Phốt pho: 38 mg

- Carotin: 1 mcg

- Vitamin C: 27 mg

- Vitamin PP: 200 mg

- Axit chlorogenic

- Flavonoid

- Kali

Tác dụng của rau tần ô

Theo Đông y, rau tần ô có vị ngọt, hơi đắng, the, thơm, tính hơi mát, lành không độc, có tính năng tiêu thực, thanh đàm hỏa, yên tâm khí. Loại rau này có công hiệu chữa trị ho lâu ngày, làm tán phong nhiệt, chữa đau mắt, nên thường được sử dụng cho các chứng như: ăn khó tiêu, viêm họng, viêm phế quản…

Còn theo y học hiện đại, rau tần ô có một số công dụng như sau:

1. Hỗ trợ giảm cân

Tác dụng của rau tần ô là gì? - 2

Rau tần ô chứa nhiều axit chlorogenic, một loại axit hydroxycinnamic cũng có nhiều trong hạt cà phê. Axit chlorogenic đã được chứng minh là có đặc tính làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu sau bữa ăn, điều này làm cho nó trở thành một chất dinh dưỡng giảm cân tuyệt vời.

Ở Bắc Âu, axit chlorogenic làm từ hạt cà phê xanh được sử dụng trong kẹo cao su và kẹo bạc hà để thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả hơn.

Ngoài ra, rau tần ô rất ít calo, một khẩu phần 100g rau tần ô chỉ chứa khoảng 14 calo, lại chứa nhiều nước và chất xơ, do đó giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế sự thèm ăn, giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể, góp phần vào lợi ích giảm cân lành mạnh.

2. Chống oxy hóa

Ngoài lợi ích giảm cân tiềm năng, axit chlorogenic có trong rau tần ô còn có khả năng chống oxy hóa. Rau tần ô cũng rất giàu các hợp chất chống oxy hóa khác như flavonoid, vitamin và carotenoid.

Những chất chống oxy hóa này có tác dụng vô cùng quan trọng đến cơ thể, giúp tiêu diệt các gốc tự do, các phân tử phá hủy có liên quan đến bệnh tim, ung thư, lão hóa sớm và nhiều căn bệnh mãn tính khác. Do đó, rau tần ô có nhiều công dụng trong việc bảo vệ hệ tim mạch, chống viêm, phòng chống ưng thư, ngăn chặn quá trình lão hóa da...

3. Cung cấp nhiều kali

Một khẩu phần 100 gram rau tần tô sống có chứa tới 460 miligam kali. Lượng kali này nhiều hơn 30% so với một khẩu phần chuối tương tự dù từ lâu chuối được coi là "thực phẩm vàng" cho kali. Do đó, hãy tìm đến rau tần ô khi bạn muốn bổ sung thêm kali cho cơ thể.

Kali là một khoáng chất vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các xung thần kinh và hoạt động của cơ bắp. Một chế độ ăn giàu kali sẽ giúp cơ thể bảo vệ chống lại huyết áp cao, đột quỵ, sỏi thận, đầy hơi, chứng cellulite (sần da cam), mất xương.

4. Ngăn ngừa ung thư phổi

Một nghiên cứu lớn được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2007 đã tìm hiểu mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều rau cung cấp vitamin A (dưới dạng caroten) và nguy cơ ung thư phổi của những người tham gia nghiên cứu. Kết quả cho thấy việc tiêu thụ nhiều rau giàu vitamin A hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư phổi.

Trong khi đó, rau tần ô cũng rất giàu vitamin A, có hiệu quả đặc biệt trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, hỗ trợ điều trị căn bệnh này hiệu quả.

5. An thần, ổn định cảm xúc

Rau tần ô rất giàu vitamin và các axit amin nên có tác dụng tốt đối với người tâm trạng lo lắng. Ăn rau tần ô hàng ngày có thể giúp an thần, ổn định cảm xúc, bảo vệ não, phòng ngừa chứng mất trí nhớ, hay quên.

6. Chống táo bón, hỗ trợ hệ tiêu hóa

Tác dụng của rau tần ô là gì? - 3

Rau tần ô có chứa một lượng chất xơ vô cùng dồi dào, có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp cơ thể đào thải các chất độc hại trong đường ruột, từ đó mang lại tác dụng tốt trong việc phòng chống táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa nói chung.

7. Giải cảm, chữa ho

Lượng vitamin A có trong rau tần ô rất dồi dào. Nó có tác dụng chống nhiễm trùng hệ hô hấp, tăng cường chức năng của phổi, tiêu đờm, giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, giải cảm, giảm ho hiệu quả.

8. Tiêu sưng, lợi tiểu

Rau tần ô chứa nhiều axit amin, chất béo, protein và natri, kali cùng nhiều khoáng chất khác, giúp điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể, từ đó giúp giảm phù nề, thanh nhiệt, lợi tiểu.

9. Tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh

Sản phụ cần có nhiều sữa sau sinh để cho con bú, có thể ăn rau cải cúc và thịt nạc. Chế biến bằng cách hấp thủy để giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.

Cách chế biến rau tần ô

Dưới đây là gợi ý một số món ăn bổ dưỡng với rau tần ô, đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe:

- Rau tần ô nấu thịt băm

- Rau tần ô nấu canh tôm

- Rau tần ô nấu canh đậu hũ non

- Canh cá thác lác viên nấu rau tần ô

- Rau tần ô nấu canh ngao

- Rau tần ô xào tỏi

- Rau tần ô luộc...

Nguồn tham khảo:

Garland Chrysanthemum Leaves: Nutrition and Health Benefits - Đăng tải trên trang web Heal with Food. 

Tác dụng của rau dền đối với sức khỏe
Là loại rau quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày, rau dền cũng đóng góp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Khánh Hằng (Dịch từ Healthbenefit)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe