Thời tiết nồm ẩm, thói quen phơi hay sấy quần áo ẩm trong nhà có thể gây ra những mối nguy hại "chết người".
Craig Mather, một người cha 43 tuổi đến từ Bolton đã bị nhiễm trùng phổi nghiêm trọng vì nhiễm nấm mốc do thường xuyên sấy khô quần áo ướt trong tủ sấy đặt ở phòng ngủ của mình.
Được biết, Mather bị hen suyễn từ nhỏ và mắc bệnh lao vào năm 1997, cả hai đều khiến phổi của anh yếu đi và dễ bị tổn thương.
Craig nói: "Tôi bắt đầu bị ho và đổ mồ hôi vào ban đêm đặc biệt là khi tôi để quần áo ướt sấy trong phòng ngủ. Tôi chỉ bắt đầu hồi phục khi chuyên gia tư vấn của tôi chẩn đoán bệnh xơ phổi mạn tính và cho tôi dùng thuốc đặc biệt để chống lại bệnh nhiễm nấm.
Anh ấy nói với tôi rằng thói quen sấy quần áo ẩm trong nhà có thể khiến bệnh tình của tôi càng thêm nặng. Kể từ đó tôi không bao giờ phơi hay sấy quần áo ở trong nhà nữa và tình trạng sức khỏe cũng được cải thiện.”
Craig Mather đã phải vào viện vì thói quen sấy quần áo ẩm ướt trong phòng ngủ.
Thói quen phơi hay sấy quần áo ẩm trong nhà thực tế là thói quen của không ít người. Khi bạn sống ở thành phố, đất chật người đông, những không gian như ban công, sân thượng thường khá ít hoặc hạn hẹp. Chính vì thế việc giặt giũ, phơi quần áo thường khá bất tiện và đôi khi phải sử dụng phòng trong nhà để làm chỗ phơi.
Đặc biệt trong những ngày thời tiết nồm ẩm, mưa phùn nên nhiều người có thói quen để quần áo trong nhà tránh việc bị ảnh hưởng từ độ ẩm ngoài trời, lâu khô hơn. Tuy nhiên việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn bạn tưởng.
Những nguy hiểm tiềm tàng
Các nhà khoa học ở Anh đã thực sự nghiên cứu hiện tượng được biết là gây ra nhiễm trùng đường hô hấp trên khắp cả nước.
Khi quần áo ẩm được phơi trong nhà hoặc được đặt trong máy sấy quần áo sẽ khiến nước bốc hơi và làm cho tăng độ ẩm không khí cho căn nhà. Bởi một bộ quần áo sau khi giặt xong có chứa tới gần 2 lít nước, sấy khô hay phơi khô chúng trong nhà sẽ làm tăng độ ẩm lên 30%.
Môi trường ẩm ướt có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm mốc và chúng có thể bị giải phóng ra không khí mà mắt thường không thể nhìn thấy. Từ đó gây lên chứng nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt ảnh hướng tới những người bị hen suyễn, dị ứng.
Pheena Kenny, chuyên gia từ Hội hen suyễn Ailen cho hay: “Thông thường khi con người hít phải các vi khuẩn này, hệ miễn dịch sẽ giúp chúng ta ho hoặc hắt hơi để đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Nếu bạn không phải là người nhạy cảm với nấm mốc thì bạn sẽ không có bất cứ phản ứng nào khác.
Tuy nhiên với những người mắc bệnh hen suyễn thì nấm mốc có thể kích hoạt các triệu chứng của bệnh.”
Ông cũng cảnh báo không chỉ những người bị hen suyễn có nguy cơ phát bệnh mà cả những người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị bệnh eczema hay những người có hệ miễn dịch yếu cũng đều có nguy cơ mắc bệnh, nguy hiểm hơn là gây nhiễm trùng phổi.
Giáo sư David Denning và nhóm nghiên cứu tại trung tâm National Aspergillosis Centre ở Manchester cũng khẳng định thêm thói quen phơi hay sấy khô quần áo ẩm trong nhà là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị nhiễm Aspergillosis.
Nhiễm Aspergillosis là căn bệnh nhiễm trùng chủ yếu gây bệnh ở phổi do nấm Aspergillus gây ra.
Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng giống như hen suyễn, thở dốc, ho và sốt hoặc có biểu hiện giống như viêm xoang và nhiễm trùng phổi. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm giảm cân, đau ngực và ho ra máu.
Căn bệnh này không gây truyền nhiễm và những người khỏe mạnh thường có thể chống lại trước khi nó lan ra phổi. Nếu nấm đã lan tới phổi thì sẽ phải điều trị bằng thuốc đặc trị.
Lời khuyên từ chuyên gia
- Phơi quần áo hoặc sấy khô quần áo trong một không gian trong lành trong nhà cách xa phòng ngủ và khu vực sinh sống để tránh nhiễm nấm
- Mở cửa sổ khi thơi tiết khô ráo hơn để giải thoát độ ẩm khỏi căn nhà hoặc sử dụng máy hút ẩm để làm sạch không khí từ bên trong.
- Mở cửa sổ sau khi nấu ăn hoặc tắm để hạn chế độ ẩm trong căn nhà, gây nấm mốc trên tường.