Theo các chuyên gia, khi trẻ bị sốt, nhiều phụ huynh vì quá lo lắng thường “tống” cho trẻ dùng cả thuốc uống lẫn thuốc đặt hậu môn. Đây là cách hạ sốt sai lầm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Không uống và đặt thuốc hạ sốt cùng lúc
Trước đây, mỗi lần con ốm, sốt, chị Thúy Hồng (ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) lại lo sốt vó với việc “đánh vật” cho con uống thuốc. Bởi lẽ, bé nhà chị cứ uống thuốc vào là lại nôn ra hết. Có lần cô bé khóc ngặt nghẽo khiến thuốc bị sặc lên mũi, tím tái hết mặt mày khiến vợ chồng anh chị được phen hú vía.
Được một người bạn mách mua thuốc đặt hậu môn để hạ sốt cho trẻ, chị Hồng bèn thử. Thấy thuốc đặt làm cắt cơn sốt nhanh lại “nhẹ nhàng” không khiến trẻ sợ mỗi lần uống thuốc, vợ chồng anh chị chuyển hẳn sang dùng thuốc đặt mỗi khi bé bị sốt.
“Mọi lần, chỉ cần dùng đến viên thứ tư là con khỏi sốt và vùng hậu môn của con hầu như không có vấn đề gì. Không hiểu sao gần đây, khi đặt thuốc cho con, tôi lại thấy con liên tục dùng tay gãi hậu môn và kêu ngứa. Kiểm tra thì thấy xung quanh hậu môn của con có vết loét. Con còn có hiện tượng bị tiêu chảy. Đưa con đến viện khám, tôi mới hay, con bị viêm do tôi vệ sinh hậu môn không sạch trước khi đặt thuốc hạ sốt cho con”, chị Hồng chia sẻ.
Các bậc phụ huynh cần có những biện pháp xử lý đúng, kịp thời khi trẻ sốt. Ảnh: TL
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, loại thuốc hạ sốt đặt hậu môn thường dành cho những trường hợp không thể dùng đường uống như trẻ hay bị nôn trớ, co giật, dị ứng hay có chống chỉ định đường uống. Còn nếu trẻ có thể uống được thì nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đường uống.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong loại thuốc đặt hậu môn thường có chứa paracetamol. Không được cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol vì rất dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và gây nguy cơ ngộ độc thuốc. Bên cạnh đó, không nên coi việc dùng thuốc đặt hậu môn là giải pháp thường xuyên để hạ sốt cho trẻ. Mỗi ngày không nên dùng thuốc đặt hậu môn quá nhiều lần để tránh gây hại cho hậu môn của trẻ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý, không nên dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt với trẻ có cơ địa dị ứng với paracetamol, trẻ có bệnh nặng ở gan, bị viêm da vùng hậu môn - trực tràng, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy. Không nên dùng cho trẻ thường bị táo bón, hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn vì lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.
Khi đặt thuốc, cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ rồi rửa tay sạch bằng xà phòng. Đặt tư thế mông trẻ dốc lên để dễ dàng đặt thuốc và phải nhẹ nhàng khi đặt, tránh mạnh tay. Nên đặt thuốc vào trong hậu môn từ 1,5cm đến tối đa 2,5cm, không nên đẩy thuốc lên trên cao sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Trong trường hợp cần dùng 2 viên thì nên nhét trước một viên, chờ khoảng 3 phút cho thuốc tan mới nhét viên thứ hai. Không nên nhét 2 viên cùng lúc vì khi đó một viên bị đẩy lên cao sẽ không còn tác dụng.
Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thông thường, nhiệt độ của cơ thể của con người dao động trong khoảng 36,5 - 37,5 độ C. Khi nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C là sốt nhẹ; từ 38,5 - 39,5 độ C là sốt vừa; 39,5 - 40,5 độ C là sốt cao; sốt rất cao khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 40,5 độ C. Trẻ em cũng có nhiệt độ như người lớn. Tuy nhiên, do sức đề kháng còn yếu và trung tâm điều hòa thân nhiệt trong cơ thể chưa phát triển toàn diện nên trẻ nhỏ rất dễ bị sốt và có thể bị sốt rất cao.
Khi trẻ bị sốt nhẹ, phụ huynh không nên quá lo lắng, cho trẻ uống bổ sung nhiều nước và chú ý quan sát thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ bị sốt vừa, phụ huynh cho trẻ mặc quần áo rộng, đặt nằm ở nơi thoáng mát, dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định. Bên cạnh đó, có thể dùng phương pháp lau mát hạ sốt. Tuy nhiên, cần lưu ý lau mát hạ sốt cho trẻ bằng nước ấm, không dùng nước lạnh, nhất là nước đá bởi quá trình thay đổi nhiệt độ của cơ thể phải có sự thích ứng nhất định.
Việc hạ nhiệt đột ngột sẽ xảy ra những tác hại bất ngờ như suy hô hấp, suy tim… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe non yếu của trẻ. Ngoài ra, không nên lau khăn lạnh vào vùng ngực cho trẻ vì có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Không cạo gió khi trẻ đang bị sốt cao vì dễ dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu khiến thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên, gây sốt cao hơn.
Với những trẻ bị sốt cao, tuyệt đối không đắp chăn dày hoặc mặc quần áo kín mít cho trẻ. Điều này vừa làm thân nhiệt của trẻ tăng cao, khó hạ sốt vừa khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi và nhiễm lạnh trở lại cơ thể. Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát mà vẫn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, việc quan trọng phụ huynh cần làm là bổ sung nhiều nước cho cơ thể của trẻ, tăng cường nguồn năng lượng và các loại vitamin cần thiết cho trẻ. Chẳng hạn, với những trẻ còn bú mẹ, có thể cho trẻ bú thành nhiều bữa khác nhau. Với những trẻ lớn hơn, có thể bù dưỡng chất bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng hay các loại thuốc bổ đa sinh tố giàu vitamin C và vitamin nhóm B. Nên có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thay đổi ở trẻ, từ đó có phương pháp xử lý kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo, sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, nhất là vào mùa hè, khi cơ thể của trẻ chưa đáp ứng được sự điều tiết của nhiệt độ bên ngoài do hệ thần kinh và hệ nội tiết của trẻ em chưa hoàn thiện. Sốt cao gây nhiều tác hại cho cơ thể trẻ, có thể gây co giật, thậm chí tử vong. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phát hiện và có những biện pháp xử lý đúng, kịp thời khi trẻ sốt. |