Khi thời tiết nắng nóng, việc dùng các thiết bị làm mát là nhu cầu cần thiết của mọi người, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi sử dụng phải đúng cách để trẻ không gặp những vấn đề về sức khỏe.
Trẻ dễ liệt mặt, méo mồm vì dùng điều hòa sai cách
Hiện tại, cả nước đang bắt đầu bước vào mùa hè, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Khi nắng nóng, việc sử dụng các thiết bị làm mát như quạt, điều hòa là nhu cầu cần thiết của mọi người, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ dưới. Tuy nhiên, theo Ths.BS Dương Văn Tâm - nguyên Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (BV Châm cứu Trung ương) cho biết, việc cho trẻ, nhất là trẻ dưới 18 tháng sử dụng điều hòa, quạt điện không hợp lý rất dễ để lại hệ lụy với sức khỏe. Ngoài vấn đề viêm đường hô hấp, năm nào cũng có trẻ bị méo mồm, liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên) phải nhập viện do sử dụng các thiết bị làm mát.
Bác sĩ Dương Văn Tâm cho biết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn họi là bệnh phong hàn, nguyên nhân chính (80%) là do nhiễm lạnh. Đặc biệt, bệnh không phân biệt tuổi tác, giới tính mà ai cũng có nguy cơ mắc, kể cả người lớn khỏe mạnh, hay những cháu nhỏ mới vài tháng tuổi.
Mùa hè đến, nhiều trẻ bị liệt mặt vì sai lầm khi sử dụng điều hòa của bố mẹ. Ảnh: Lê Phương.
“Trong mùa hè, nguyên nhân bị phong hàn chủ yếu là do nhiễm lạnh khi dùng điều hòa hoặc quạt gió. Theo đó, khi đang đi ngoài nắng về vào phòng điều hòa đột ngột cũng có thể mắc bệnh. Hay trẻ nằm điều hòa lâu, thốc trực tiếp gió lạnh vào cơ thể cũng dễ bị phong hàn. Trường hợp khác là gội đầu xong, ngồi trước quạt cho khô tóc cũng có thể bị liệt mặt, méo mồm”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Về dấu hiệu khi trẻ nhỏ bị phong hàn, bác sĩ Tâm cho biết, thường gặp nhất là trẻ méo mặt; một bên mắt bị tổn thương và khi nhắm mắt không kín; chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt; không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán… Dù đây là bệnh lành tính, nhưng khi gặp các triệu chứng trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
“Liệt dây thần kinh số 7 do lạnh được điều trị bằng cách khu phong tán hàn thông kinh, hoạt lạc, châm xuyên huyệt kinh dương ở mặt. Tiếp đến bệnh nhân sẽ được điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đền ôn ấm huyệt vị vùng mặt. Nếu đi khám sớm, bệnh sẽ được điều trị khỏi trong khoảng 2 tuần.
Trường hợp để muộn, trẻ có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Nguy hiểm nhất là người bệnh có thể bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc. Người bệnh cũng có thể bị liệt cứng vĩnh viễn”, bác sĩ Tâm cho biết.
Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể khiến mắt trẻ bị tổn thương, điển hình nhất là tình trạng khô mắt. Ảnh minh họa.
Tổn thương mắt vì điều hòa
Ngoài việc bị phong hàn, việc sử dụng điều hòa không hợp lý còn dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến mắt, nhất là bệnh khô mắt. Thống kê tại một bệnh viện ở TP HCM cho thấy, trong một tháng vừa qua, có hơn 1.000 trường hợp đến khám vì khô mắt, trong đó có cả trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng máy lạnh kéo dài, nhiều trường hợp còn bị khô mắt tái lại nhiều lần.
Trả lời báo chí, bác sĩ chuyên khoa mắt Phạm Huy Vũ Tùng cho biết, máy lạnh làm giảm đáng kể độ ẩm không khí, trong khi đó, mắt cần độ ẩm để duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu, giúp bảo vệ mắt và đảm bảo chức năng quang học hoàn hảo của giác mạc.
Việc dùng máy lạnh thường xuyên và kéo dài (môi trường độ ẩm thấp) khiến nước mắt bay hơi nhiều, dẫn đến khô mắt. Khô mắt sẽ gây kích ứng, ngứa ngáy, nhìn mờ, thậm chí viêm nhiễm. Về lâu dài, bệnh nhân bị khô mắt sẽ làm tổn thương giác mạc, có thể giảm thị lực, thậm chí mù lòa khi về già.
Để tránh những tác động tiêu cực từ các thiết bị làm mát với cơ thể nói chung và phòng bệnh khô mắt, phòng hàn nói riêng, các bác sĩ khuyến cáo:
- Tránh luồng máy lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể, sử dụng máy lạnh không quá thấp và quá lâu (nên dùng máy lạnh ở mức 26-28 độ C).
Để nhiệt độ thấp và sử dụng điều hòa quá lâu là nguyên nhân khiến trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa.
- Vào những ngày nóng trên 30 độ C hoặc độ ẩm thấp (dưới 55%), người dùng có thể bật tính năng làm mát (Cool) và đặt kèm một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm, tránh bật điều hòa ở chế độ khô (Dry) sẽ làm giảm độ ẩm hơn.
- Nằm điều hòa nhưng vẫn cần giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột.
- Khi di chuyển ở môi trường nóng về, không nên vào phòng điều hòa ngay lập tức.
- Nên lưu thông khi khí bằng quạt, khi bật quạt cũng tránh để một chỗ và thổi thẳng vào người, nhất là phần đầu.
- Không sử dụng điều hòa 24/24, nên ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để hít thở không khí tự nhiên.
Cuối cùng, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn 'vàng' nhằm hạn chế tối đa di chứng của bệnh.