Ăn hoa quả hay uống trà ngay sau những bữa ăn no nê dịp Tết đều không phải là thói quen tốt.
Sau những bữa tiệc ngày Tết, nhiều người khi đã no căng bụng liền tráng miệng bằng hoa quả hoặc uống trà cho đỡ ngán hay đứng dậy đi lại cho tiêu bớt thức ăn.
Tuy nhiên không phải việc làm nào sau khi ăn uống no say cũng phù hợp, dưới đây là những việc bạn không nên làm.
1. Không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn
Nhiều người thích ăn một ít trái cây ngay sau bữa ăn, cho rằng cách này có thể bổ sung chất bột đường và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, đồng thời còn có thể giảm béo. Thực tế đây là một thói quen sinh hoạt sai lầm. Thức ăn sau khi vào dạ dày cần 1 đến 2 giờ mới được tiêu hóa, nếu ăn trái cây ngay sau bữa ăn sẽ bị thức ăn trước đó chặn lại khiến trái cây không được tiêu hóa bình thường. Theo thời gian, nó có thể gây ra các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Vì vậy, tốt nhất nên ăn trái cây giữa các bữa ăn, đối với những người có lượng đường trong máu cao, đặc biệt không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn.
2. Không nên uống trà đặc ngay sau bữa ăn
Người châu Á thích uống trà, và uống trà ngay sau bữa ăn dường như là một thói quen không thể thay đổi. Tuy nhiên, uống nước chè đặc ngay sau bữa ăn là một hành vi rất không tốt, có thể gây khó tiêu, dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt.
Chuyên gia dinh dưỡng thực hành và thể thao người Australia, Nicole Dynan cho biết: "Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy cho máu. Cơ thể thiếu sắt dễ dẫn đến mệt mỏi và giảm khả năng miễn dịch. Các nguồn thực phẩm tốt nhất cung cấp sắt gồm thịt đỏ, đậu khô, rau lá xanh, quả hạch và hạt, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt".
Tuy nhiên, các polyphenol được tìm thấy trong trà có thể ức chế hấp thu sắt. Uống trà trong hoặc ngay sau bữa ăn sẽ làm giảm hấp thu sắt non-heme từ thực phẩm. "Trà đen có tác động mạnh hơn trà thảo dược, và trà càng đặc thì khả năng ức chế càng cao do hàm lượng polyphenol cao hơn", chuyên gia Nicole Dynan cho hay.
Khi uống trà sau bữa ăn, nên đổi trà đậm thành trà nhạt và nên uống cách bữa ăn tối đa 2 tiếng để không ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
3. Không nên nới lỏng quần sau bữa ăn
Nhiều người sau khi ăn quá nhiều cảm thấy căng bụng thường nới lỏng khóa thắt lưng, cho rằng như vậy có thể khiến dạ dày dễ chịu hơn. Thực tế, điều này sẽ làm cho khả năng hỗ trợ của đường tiêu hóa bị suy yếu, làm tăng gánh nặng lên cơ quan tiêu hóa và dây chằng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, dễ gây khó tiêu, đau bụng,… thậm chí còn có thể gây xoắn ruột, tắc ruột.
Cảm giác no căng bụng là do thức ăn bạn ăn vào vượt quá thể tích của dạ dày, khiến mọi thứ trong thời gian ngắn không thể tiêu hóa được, gây rối loạn vận động bình thường của dạ dày. Thường xuyên ăn quá nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như chướng bụng, buồn nôn, thậm chí là nôn, có thể gây viêm dạ dày, chứng khó tiêu chức năng và các bệnh khác.
4. Không nên lái xe ngay sau bữa ăn
Sau những bữa tiệc với rượu bia dịp Tết, việc lái xe chắc chắn là điều không nên. Tuy nhiên kể cả khi bạn không sử dụng đồ uống có cồn, việc lái xe sau khi ăn cũng không có lợi.
Quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày và ruột sau bữa ăn cần một lượng máu lớn, gây thiếu máu não tạm thời nên nếu lái xe ngay lúc này dễ dẫn đến sai sót trong vận hành và tai nạn xe cộ.
5. Hát karaoke sau bữa ăn
Sau những cuộc vui bên bàn tiệc ngày Tết, nhiều người thích rủ nhau đi hát karaoke. Đối với những người trẻ tuổi, tốt nhất là không nên hát sau khi ăn bởi vì sẽ khiến cơ hoành di chuyển xuống dưới, áp suất trong khoang bụng sẽ tăng lên, gây khó chịu đường ruột và các chứng bệnh khác.
6. Không nên nằm và ngủ sau khi ăn
Khi bạn cảm thấy đầy hơi sau khi ăn quá nhiều, việc nằm dù nằm ngửa hay nghiêng đều không tốt. Sau khi ăn no đi bộ chậm rãi có thể thúc đẩy nhu động ruột và làm trống dạ dày càng sớm càng tốt, nhưng không được phép vận động mạnh, nếu không sẽ kéo căng dạ dày và làm tăng thêm cảm giác khó chịu.
Muốn biết thời điểm tốt nhất để vận động sau ăn, bạn có thể dựa vào 2 tiêu chí sau:
Dựa vào cường độ tập luyện, các bài tập nhẹ như đi bộ chậm, Thái cực quyền có thể thực hiện sau bữa ăn từ nửa tiếng đến một tiếng. Các bài tập thể dục vừa phải như chạy bộ, các bài tập giảm cân, đạp xe có thể thực hiện sau bữa ăn từ 1 đến 2 giờ. Các môn thể thao cường độ cao như chạy đường dài, nhảy dây, bóng đá, bóng rổ nên được thực hiện sau bữa ăn từ 2 đến 3 giờ.
Dựa vào lượng bữa ăn, nếu bữa ăn trước khi tập thể dục nhiều, và thức ăn chủ yếu là chất đạm và chất béo, những thực phẩm này không dễ tiêu hóa, tốt nhất nên đợi sau khi ăn 2 tiếng mới vận động. Nếu số lượng bữa ăn ít và thức ăn chủ yếu là carbohydrate, rau, trái cây hoặc thức ăn lỏng, khoảng cách giữa các bữa ăn và tập thể dục có thể được rút ngắn tương đối theo cường độ tập luyện.