Theo các chuyên gia, trẻ dậy thì sớm ảnh hưởng tới cuộc sống của các bé, đặc biệt là chiều cao.
Gia tăng trẻ dậy thì sớm
TS Bùi Phương Thảo - Phó Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ đầu năm 2020 Bệnh viện Nhi trung ương có 360 trẻ đến khám dậy thì sớm và có 176 cháu phát hiện dấu hiệu. Theo TS Thảo, trước đây mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 10 cháu thì đến nay đang ngày càng tăng.
Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đang quản lý hơn 1.000 cháu và có hơn 500 cháu phải điều trị ức chế dậy thì sớm.
Nếu trẻ gái có đặc tính sinh dục phụ trước 8 tuổi được coi là sớm, ở nam trước 9 tuổi. Ở Châu Âu và Mỹ từ năm 1890 tuổi trung bình có kinh nguyệt là 16 – 17 tuổi và 100 năm sau là 11 – 12 tuổi và vài chục năm sau có thể thấp hơn nữa, bệnh nhân có sớm sẽ nhiều lên.
TS Thảo cho rằng có thể do thay đổi về môi trường, trẻ em béo phì tăng hơn thì hiện tượng dậy thì sớm cũng tăng.
Khi trẻ được xác định dậy thì đó là trẻ gái chưa tới 8 tuổi có tuyến vú to, to nhanh, có lông mu, làm xét nghiệm tuổi xương tăng, tử cung to, xét nghiệm hooc môn tăng… thì sẽ tư vấn gia đình điều trị. Đối với trẻ nam thì có dấu hiệu như trước 9 tuổi tăng cao vọt, tuổi xương tăng cao, hooc môn cũng cao.
TS Bùi Phương Thảo tư vấn cho trường hợp trẻ dậy thì sớm.
Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Trong số đó phải kể đến u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp. Ở các bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân kể trên thường rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được bác sĩ cân nhắc.
TS Trương Hồng Sơn – Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết qua thăm khám lâm sàng số trẻ đến khám dậy thì sớm cũng có xu hướng tăng lên. Theo TS Sơn, hiện nay không nên coi “nữ thập tam, nam thập lục” như trước mà cha mẹ cần theo dõi con thật kỹ.
Dậy thì sớm ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ như khiến trẻ tự ti nhất là các bé gái có vòng ngực phát triển trước tuổi, có kinh nguyệt sớm. Dậy thì sớm còn khiến trẻ chậm phát triển chiều cao. Theo tính toán, trung bình trẻ dậy thì sớm thì bé gái thấp sẽ hơn các bạn cùng trang lứa 12cm, bé trai từ 15 – 20 cm khi trưởng thành.
TS Sơn cho rằng nguyên nhân của trẻ dậy thì ngoài các yếu tố bệnh lý thì yếu tố lối sống, chế độ dinh dưỡng gây ra tình trạng béo phì có liên quan tới dậy thì sớm ở trẻ.
Thừa cân béo phì có thể ảnh hưởng tới 1 số hooc môn và khi ăn nhiều chất béo thì hooc môn Leptin tăng lên và vượt qua ngưỡng đủ hooc môn này thì dẫn tới dậy thì sớm.
Uống sữa gây dậy thì sớm
Về việc uống sữa gây dậy thì sớm hay không, TS Sơn cho rằng quan điểm sữa gây dậy thì sớm được các chuyên gia trên thế giới đưa ra bàn luận từ gần 30 năm nay và đến nay vẫn chưa có khuyến cáo nào.
Người ta từng đặt giả thuyết sữa gây dậy thì sớm do có liên quan tới hooc môn tăng trưởng rBGH, đây là hooc môn có tác dụng tăng cường tiết sữa của bò khoảng 10% và hooc môn IGF-I giúp bò lớn nhanh hơn, hay trong sữa đậu nành là hooc môn Isoflavone giống hooc môn nữ giới estrogen .
Tuy nhiên thực tế, khi ăn, uống qua đường tiêu hóa các men, các hooc môn đều bị dịch axit trong dạ dày bất hoạt. Các nghiên cứu đều cho rằng hooc môn chỉ có tác dụng qua đường tiêm.
Ngoài ra, so với trẻ em trên thế giới, trẻ em Việt ít uống sữa. Các thống kê của viện dinh dưỡng, trẻ em Việt Nam dùng sữa ít, chỉ 15 lít/người/năm. Trong khi đó ở Israel là 120 lít người/năm.
Để phòng dậy thì sớm, TS Sơn khuyến cáo các bậc phụ huynh nên quan tâm tới dinh dưỡng cho trẻ, tránh thừa cân béo phì. Cho trẻ ăn cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây. Hạn chế sử dụng đồ nhựa có chứa PVC, BPA.