Chủ quan với những vết thương nhỏ trên da nên không ít người rơi vào tình trạng lơ mơ, cứng toàn thân, thậm chí hôn mê, tính mạng bị đe dọa
Bác sĩ Đoàn Văn Toàn, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), cho biết với các vết thương nhỏ nhiều người thường có tâm lý chủ quan nên tự điều trị, tự bôi đắp thuốc. Đã có không ít trường hợp bị nhiễm trùng, đến bệnh viện muộn, gây khó khăn cho điều trị.
Vào viện vì cua kẹp
Cách đây ít ngày, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) đã tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.M.Q, 59 tuổi trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội trong tình trạng vết thương nhiễm trùng nặng do chủ quan không tuân thủ điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp xử lý vết thương ngón chân cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng do không tuân thủ điều trị (Ảnh: VIỆT NY)
Trước đó, bệnh nhân bị thanh sắt rơi vào bàn chân dẫn đến dập nát ngón 1 bàn chân phải (ngón cái). Bệnh nhân ở nhà tự sơ cứu băng bó đến ngày hôm sau mới đến bệnh viện vì vết thương chảy máu nhiều, sưng nề. Các bác sĩ thăm khám xác định bệnh nhân Q. bị vỡ dập xương, nhiễm trùng viêm xương và chỉ định nhập viện nhưng bệnh nhân xin về nhà uống thuốc tự thay băng. Hai ngày sau đó, vết thương ngày càng sưng, đau nhức, tụ nhiều máu đông, viêm tấy, lúc này bệnh nhân mới chịu vào viện điều trị. Bệnh nhân đã được xử lý cắt lọc làm sạch vết thương và bó bột.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị uốn ván suy hô hấp sắp ngừng thở. Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, cho biết trước đó 1 tuần, bệnh nhân có vết thương vùng bàn chân phải do giẫm lên vật nhọn. Nghĩ là vết thương nhẹ ngoài da không đáng lo, nhưng 5 ngày sau bệnh nhân xuất hiện sốt, mưng mủ vùng vết thương, cứng hàm tăng dần, gồng cứng toàn thân, co giật từng cơn, suy hô hấp. "Bệnh nhân đã được mở khí quản, tạo đường thở qua cổ và may mắn qua được cơn nguy kịch. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng uốn ván, nhiễm độc toàn thân" - bác sĩ Tình cho biết.
Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đã cứu sống bệnh nhân bị cua kẹp, biến chứng nhiễm trùng huyết nguy kịch. Theo gia đình, bệnh nhân bị cua của nhà nuôi kẹp gây vết thương ngoài da vùng cẳng chân, bệnh nhân tự đắp thuốc lên vết thương (gừng trộn với mật ong, theo kinh nghiệm dân gian). Sau khi đắp thuốc vết thương càng tấy đỏ khiến bệnh nhân sốt cao, mệt và khó thở phải nhập viện. Gần cả tuần điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân mới hồi phục.
Không tự ý đắp thuốc nam
Theo bác sĩ Đoàn Văn Toàn, với những chấn thương nghiêm trọng, người bệnh lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng với các vết thương nhỏ nhiều người thường có tâm lý chủ quan nên ở nhà tự điều trị, tự bôi, đắp thuốc. Không ít trường hợp bị nhiễm trùng, trong đó có nhiễm vi khuẩn uốn ván - là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, từ 25% - 90%. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani tiết ra tại vết thương.
"Có rất nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như: gà mổ, gai đâm, cua kẹp, giẫm phải đinh hay một vết xước trong quá trình dọn dẹp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hầu hết người bệnh không nghĩ mình sẽ mắc uốn ván nên chủ quan không đi tiêm phòng" - bác sĩ Toàn cảnh báo.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những vết thương nhỏ, đặc biệt là không tự ý dùng thuốc nam để đắp vào vết thương hay uống thuốc kháng sinh để chữa lành vết thương. Điều này tiềm ẩn nguy cơ sốc nhiễm trùng, biến chứng nhiễm trùng huyết, về lâu dài còn có thể dẫn tới kháng kháng sinh.
"Khi bị các vết thương do tai nạn lao động nói chung, người bệnh cần bình tĩnh rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn. Nếu có sẵn, nên rửa vết thương bằng các loại nước sát trùng như nước muối, oxy già, i-ốt từ 3-4 lần tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván" - bác sĩ Hoàng Công Tình khuyên.