Một nữ người mẫu xinh đẹp cho biết cô đã bị nhiễm trùng huyết nghiêm trọng từ một vết phồng rộp nhỏ ở chân sau khi đi kiểu giày không ít chị em yêu thích.
Chắc hẳn các chị em đã không ít lần bị thương ở chân sau khi sử dụng những đôi giày mới mua về như giày cao gót hay giày dép có quai hậu phía sau. Những vết thương nhỏ này sẽ khiến chúng ta thấy khó chịu nhưng không quá nguy hiểm. Dù vậy, bạn vẫn nên đề phòng bởi bất cứ một vết thương nào nếu không được chăm sóc cẩn thận đều có thể gây hại, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Gemma Downey, 23 tuổi là một nữ người mẫu xinh đẹp đến từ Billingshurst, West Sussex. Là một người mẫu, cô cũng có niềm đam mê với thời trang và yêu thích những đôi giày giúp tôn dáng.
Đôi giày đế bằng có quai hậu mà Gemma đeo gây ra vết thương phía sau cổ chân.
Năm ngoái, Gemma đã mua một đôi giày đế bằng có quai hậu phía sau trong một cửa hàng đồ cũ và mới chỉ đeo vài lần. Tuần trước, Gemma đã lấy giày ra và sử dụng nhưng chỉ vài giờ sau, cô bắt đầu thấy khó chịu vì dây đai phía sau liên tục cọ xát vào phần sau cổ chân.
Để giảm bớt sự khó chịu, Gemma đã đổi sang một đôi giày thoải mái hơn, nhưng nó chẳng giúp được gì nhiều. Không lâu sau, một vết phồng nhỏ với "màu lạ" hình thành ở phía sau cổ chân cô, nó nhanh chóng sưng to hơn. "Tôi bắt đầu nhận thấy mình đi khập khiễng và chân đau đớn hơn nhiều so với bình thường", Gemma nói. “Bàn chân của tôi sưng lên và lan tới cả khu vực mắt cá chân”.
Vết thương bị nhiễm trùng ở chân Gemma.
Sau đó Gemma đã đến gặp bác sĩ địa phương và được kê đơn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không hiệu quả, Gemma đã đến bệnh viện nhưng các bác sĩ nói rằng nó không phải vấn đề nghiêm trọng. Sáng hôm sau, Gemma thức dậy và bị đau khắp người, tức ngực, khó thở và nôn mửa.
"Tôi đã đến một cuộc hẹn với bác sĩ và bác sĩ nói rằng nhịp tim của tôi rất cao, huyết áp rất thấp, và thân nhiệt cũng tăng cao. Da của tôi đã bắt đầu trở nên xanh cùng với đó là vết phồng ở sau cổ chân cũng to hơn rất nhiều", Gemma kể lại.
Vị bác sĩ riêng đã cảnh báo Gemma rằng cô đang có dấu hiệu nhiễm trùng huyết và cần phải quay lại bệnh viện ngay lập tức. Gemma đã quay lại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cô bị nhiễm trùng huyết. Họ cũng cảnh báo nếu cô không tới viện và tiếp tục đeo đôi giày, có thể sẽ phải cắt bỏ chân.
Nhiễm trùng huyết xảy ra khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng bằng cách tấn công các cơ quan và mô của chính nó. Một số bệnh nhân đã buộc phải cắt cụt chân hoặc tay vì nhiễm trùng huyết.
May mắn cho Gemma đã phát hiện sớm tránh việc cắt cụt chân.
Sau khi được chẩn đoán, nữ người mẫu đã được điều trị tại bệnh viện trong hai ngày trước khi được phép về nhà. Gemma chia sẻ: "Các bác sĩ nói với tôi rằng tôi thật may mắn vì tôi đã hành động kịp thời và đã đi kiểm tra nếu không mọi thứ sẽ nghiêm trọng hơn."
Mặc dù điều tồi tệ nhất dường như đã qua, nhưng Gemma được thông báo rằng cô chỉ có thể đi dép trong ba tháng tới để vết thương hồi phục. Đây có thể là một vấn đề cho sự nghiệp người mẫu của cô bởi công việc này yêu cầu phải đi giày cao gót.
Sau sự việc, Gemma quyết định lên tiếng Downey để nâng cao nhận thức về nhiễm trùng huyết và các vết phồng rộp có thể gây ra: "Mọi người đều cho rằng chỉ có giày cao gót mới có thể gây chấn thương nhưng đôi giày mà tôi mang là loại rất phổ biến ở hiện tại, chúng là xu hướng thời trang mà rất nhiều người đi mỗi ngày. Tôi nghĩ những gì xảy ra với tôi cũng có thể xảy đến với người khác, tôi muốn họ biết nếu họ bị phồng rộp và cảm thấy tồi tệ, hãy tin vào bản năng của họ và đi khám ngay."
Khoảng 44.000 người chết vì nhiễm trùng huyết mỗi năm ở Anh. Trên toàn thế giới, cứ sau 3,5 giây lại có người chết vì tình trạng này. Nhiễm trùng huyết có các triệu chứng tương tự như cúm, viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng ngực như:
- Nói chậm hoặc nhầm lẫn
- Rùng mình hoặc đau cơ
- Không đi tiểu trong một ngày
- Khó thở
- Cảm giác như bạn sắp chết
- Da lốm đốm hoặc đổi màu
Các triệu chứng ở trẻ em là:
- Thở nhanh
- Co giật
- Da lốm đốm, hơi xanh hoặc nhợt nhạt
- Phát ban không phai khi nhấn
- Cảm thấy lạnh bất thường
- Nôn liên tục,
- Không đi tiểu trong 12 giờ.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng huyết nhưng nó phổ biến nhất ở những người gần đây đã phẫu thuật, đặt ống thông tiểu hoặc ở lại bệnh viện trong một thời gian dài. Những người có nguy cơ khác bao gồm những người có hệ thống miễn dịch yếu, bệnh nhân hóa trị liệu, phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ. Điều trị khác nhau tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng nhưng liên quan đến kháng sinh, dịch IV và oxy, nếu cần thiết.