Tác dụng của baking soda với sức khỏe? Baking soda có uống được không?

H.M - Ngày 07/07/2021 16:12 PM (GMT+7)

Baking soda hay còn gọi là muối nở là một nguyên liệu quen thuộc trong nấu ăn. Ngoài ra, baking soda còn có nhiều công dụng khác với sức khỏe.

Baking soda hay còn gọi là natri bicacbonat được sử dụng rộng rãi trong việc làm bánh. Ngoài dùng trong nấu nướng, baking soda còn có nhiều công dụng khác nhau trong gia đình và có lợi cho sức khỏe.

Tác dụng của baking soda

Trị chứng ợ chua

Ợ chua do trào ngược axit sẽ gây cảm giác đau, rát phát sinh ở vùng trên của dạ dày và có thể lan lên cổ họng của bạn. Nguyên nhân là do axit trào ngược ra khỏi dạ dày và lên thực quản. Một số nguyên nhân phổ biến của trào ngược là ăn quá nhiều, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay và do căng thẳng.

Baking soda có thể giúp điều trị chứng ợ chua bằng cách trung hòa axit trong dạ dày. Hòa tan một thìa cà phê baking soda vào một cốc nước lạnh và uống hỗn hợp từ từ có thể giúp giảm bớt tình trạng ợ chua do trào ngược.

Tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp này. Baking soda có hàm lượng natri rất cao, tới 629 mg trên 1/2 thìa cà phê. Do đó, nếu lạm dụng có thể dẫn đến nhiễm kiềm chuyển hóa và các vấn đề về tim.

Nước súc miệng

Nhiều người sử dụng baking soda làm nước súc miệng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể giúp hơi thở của bạn thơm mát và thậm chí cung cấp các đặc tính kháng khuẩn và chống vi trùng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rằng nước súc miệng bằng baking soda không làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn trong miệng, mặc dù nó đã làm tăng độ pH của nước bọt (yếu tố quan trọng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn).

Công thức làm nước súc miệng bằng baking soda rất đơn giản. Thêm 1/2 thìa cà phê baking soda vào nửa cốc nước ấm, sau đó súc miệng như bình thường.

Làm trắng răng

Baking soda là một phương pháp làm trắng răng phổ biến tại nhà. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kem đánh răng chứa baking soda tốt hơn trong việc làm trắng răng và loại bỏ mảng bám so với kem đánh răng không có baking soda.

Baking soda có tác dụng làm trắng răng.

Baking soda có tác dụng làm trắng răng.

Điều này có thể do baking soda có tính chất mài mòn nhẹ để phá vỡ liên kết của các phân tử làm ố răng. Nó cũng có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi trùng có thể giúp chống lại vi khuẩn có hại.

Khử mùi

Mồ hôi của con người thông thường không có mùi. Mồ hôi chỉ có mùi sau khi vi khuẩn ở nách phân hủy. Những vi khuẩn này chuyển đổi mồ hôi của bạn thành các chất thải có tính axit tạo ra mùi hôi của mồ hôi.

Baking soda có thể khử mùi mồ hôi bằng cách làm cho mùi bớt chua hơn. Hãy thử vỗ nhẹ baking soda lên nách và bạn có thể nhận thấy sự khác biệt.

Giảm ngứa da và cháy nắng

Tắm bằng baking soda có thể làm dịu da khi bị ngứa. Những loại nước tắm này thường được sử dụng để chữa ngứa do bọ cắn và ong đốt.

Ngoài ra, baking soda có thể giúp làm dịu ngứa do cháy nắng. Một số người cho rằng nó có thể hiệu quả hơn khi kết hợp với các thành phần khác như bột ngô và bột yến mạch.

Để tắm bằng baking soda, hãy cho 1-2 cốc baking soda vào bồn nước ấm. Hoặc bạn có thể tạo hỗn hợp sền sệt với baking soda và một chút nước để bôi lên một số vùng da nhất định. 

Tác hại của baking soda

Bột baking soda có uống được không? Những nguy cơ tiềm ẩn khi uống baking soda

Baking soda là một chất có tính kiềm, có thể trung hòa lượng axit dư thừa trong dạ dày. Với một lượng nhỏ, nó giúp giảm chứng khó tiêu tạm thời và hoạt động theo cách tương tự như các loại thuốc chữa chứng khó tiêu không kê đơn.

Tuy nhiên, sử dụng một lượng lớn baking soda có một số rủi ro, bao gồm:

Nhiễm độc

Uống quá nhiều baking soda có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như khó chịu về tiêu hóa. Với liều lượng quá lớn, baking soda cũng rất độc, do hàm lượng natri cao của bột baking soda. Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều natri, nó có thể gây ra:

- Mất nước

- Co giật

- Suy thận

- Thở chậm và hụt hơi

- Bụng căng phồng

Ngoài việc gây ngộ độc, uống một lượng lớn baking soda cũng có thể làm vỡ dạ dày. Trung tâm Chống độc Quốc gia Mỹ (NCPC) cảnh báo rằng nếu một người tiêu thụ quá nhiều baking soda cùng một lúc, một lượng lớn khí có thể tích tụ trong dạ dày, khiến nó bị vỡ. 

Độc tính của baking soda đối với trẻ em

Cha mẹ hoặc người chăm sóc không nên cho trẻ uống baking soda hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa natri bicarbonate. Nếu phát hiện một đứa trẻ đang tiêu thụ baking soda, bạn nên:

- Giữ bình tĩnh

- Lau sạch baking soda thừa trên miệng bằng khăn mềm và ướt. Cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt.

- Cho trẻ uống nước

- Gọi cấp cứu

Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc không chắc trẻ có nuốt phải baking soda hay không, họ có thể xem trẻ có xuất hiện các triệu chứng chẳng hạn như tiêu chảy và nôn mửa hay không.

Ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc

Baking soda có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ thuốc. Tùy thuộc vào loại thuốc mà một người sử dụng, điều này có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ.

Baking soda và các cơn đau tim

Baking soda chứa natri với hàm lượng cao có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Một nghiên cứu năm 2016 lưu ý rằng việc sử dụng quá liều baking soda đã gây ra chứng loạn nhịp tim cho một số người. 

Mặc dù các nhà khoa học biết rằng dùng quá nhiều baking soda có hại cho hệ tim mạch, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có làm tăng nguy cơ đau tim hay không. Những người bị bệnh tim mạch và những người cần tránh muối nên tránh sử dụng baking soda hoặc natri bicarbonate.

Nên dùng bao nhiêu baking soda?

Người lớn không mang thai có thể trộn khoảng nửa thìa cà phê baking soda với ít nhất nửa cốc nước để giảm chứng khó tiêu tạm thời.

Phụ nữ đang mang thai, đang dùng các loại thuốc khác hoặc những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nên được sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng dù chỉ một lượng nhỏ baking soda.

Nguồn tham khảo:

22 Benefits and Uses for Baking Soda - đăng tải trên trang tin y tế Health Line và What are the dangers of drinking baking soda? - đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today.

Tác dụng của nước đậu đen? Những ai không nên uống nước đậu đen?
Đậu đen là thực phẩm vô cùng quen thuộc và đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cũng như rất tốt cho sức khỏe.

Thực phẩm phòng bệnh

H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe