Ớt là một loại gia vị vô cùng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày nhưng liệu bạn đã biết hết những tác dụng của ớt đối với sức khỏe?
Ớt là một loại quả có vị cay, nóng. Tuy nhiên, thay vì được sử dụng như một loại trái cây, ớt lại được dùng như một gia vị bởi những đặc tính riêng biệt của mình. Ớt có thể dùng để ăn sống, sấy khô, nấu chín hoặc tán thành bột ớt. Thực tế, ớt cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Giá trị dinh dưỡng của quả ớt
Trong một muỗng canh (15 g) ớt tươi sẽ chứa khoảng:
- Lượng calo: 6
- Nước: 88%
- Chất đạm: 0,3 gam
- Carbs: 1,3 gram
- Đường: 0,8 gam
- Chất xơ: 0,2 gam
- Chất béo: 0,1 gam
Trong quả ớt cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, tuy nhiên do mỗi ngày chúng ta chỉ ăn một lượng ớt nhỏ nên chúng đóng góp vào lượng tiêu thụ hàng ngày cũng không đáng kể. Cụ thể, trong ớt có chứa:
- Vitamin C: quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương.
- Vitamin B6: Nhóm vitamin B, B6 có vai trò trong quá trình chuyển hóa năng lượng.
- Vitamin K1: Còn được gọi là phylloquinone, vitamin K1 cần thiết cho quá trình đông máu, giúp xương và thận khỏe mạnh.
- Kali: Giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.
- Đồng: Giúp xương chắc khỏe và tế bào thần kinh khỏe mạnh.
- Vitamin A: Ớt đỏ chứa nhiều beta carotene, chất mà cơ thể bạn chuyển hóa thành vitamin A, giúp bảo vệ mắt, hỗ trợ miễn dịch, giảm viêm...
Bên cạnh đó, còn có các hợp chất thực vật hoạt tính sinh học chính trong quả ớt:
- Capsanthin: Đây là carotenoid chính trong quả ớt đỏ, chiếm tới 50% tổng hàm lượng carotenoid. Capsanthin có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác.
- Violaxanthin: Là chống oxy hóa carotenoid chính trong ớt vàng, violaxanthin chiếm 37–68% tổng hàm lượng carotenoid.
- Lutein: Có nhiều nhất trong ớt xanh và giảm dần khi quả ớt sinh trưởng. Lutein có liên quan tới sức khỏe của đôi mắt.
- Capsaicin: Chịu trách nhiệm cho vị cay nóng của quả ớt.
- Axit sinapic: Là một chất chống oxy hóa.
- Axit ferulic: Chất chống oxy hóa tương tự axit sinapic, giúp chống lại các bệnh mãn tính khác nhau.
Tác dụng của ớt
1. Giảm đau
Capsaicin, hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học chính trong ớt, có một số đặc tính vô cùng độc đáo. Capsaicin có khả năng liên kết với những thụ thể bị đau, tức các dây thần kinh cảm nhận cảm giác đau đớn, làm mất mẫn cảm của các thụ thể đau theo thời gian. Capsaicin chính là thành phần giúp ớt có vị cay nóng, vì vậy nó sẽ giúp giảm cơn đau bằng cách kích thích sức đề kháng của một số tế bào thần kinh.
2. Giảm cân
Béo phì là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường.
Có một số bằng chứng cho thấy hợp chất capsaicin có thể thúc đẩy việc giảm cân bằng cách giảm sự thèm ăn và tăng cường đốt cháy chất béo. Một số nghiên cứu cho thấy ăn 10 g ớt đỏ mỗi ngày có thể làm tăng đáng kể quá trình đốt cháy chất béo ở cả nam giới và phụ nữ.
Capsaicin cũng có thể làm giảm lượng calo trong cơ thể. Một nghiên cứu nhỏ trên 24 người thường xuyên ăn ớt đã phát hiện ra rằng sử dụng capsaicin trước bữa ăn dẫn đến việc giảm lượng calo. Tuy nhiên, do lượng ớt mỗi người ăn mỗi ngày không nhiều nên tác dụng giảm cân không quá lớn, còn tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày.
3. Chống cảm cúm
Do ớt có vị cay nóng nên có thể giúp cơ thể sinh nhiệt, đổ mồ hôi, từ đó có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cảm cúm, tốt cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, việc ăn ớt còn giúp cơ thể giảm tức ngực và giảm các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.
4. Làm chậm quá trình lão hóa
Trong thành phần của ớt có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin A, axit sinapic, axit ferulic... Tất cả những chất này đều cần thiết cho việc tổng hợp collagen, có tác dụng chống lại quá trình lão hóa của cơ thể, từ đó tốt cho làn da và sức khỏe nói chung, chống lại quá trình oxy hóa và ngăn chặn sự phát triển của các bệnh mãn tính.
5. Cải thiện hệ tuần hoàn máu
Hệ tuần hoàn máu rất dễ gặp phải các vấn đề như tắc nghẽn, xơ vữa động mạch. Nguyên nhân của những căn bệnh này thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và ít vận động. Trong khi đó, những hợp chất có trong quả ớt có tác dụng giải độc máy, giảm lượng cholesterol xấu, ngăn chặn tình trạng xơ vữa và tắc nghẽn mạch máu, từ đó giúp cải thiện hệ tuần hoàn máu.
Tác dụng phụ của ớt
Mặc dù ớt có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng trên thực tế, do đặc tính cay nóng của mình, ớt cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ khác:
- Gây ra cảm giác bỏng rát: Do có chứa hợp chất capsaicin, ớt có vị cay nóng và khi liên kết với cá thụ thể đau, nó có thể gây ra cảm giác bỏng rát dữ dội. Nếu ăn một lượng lớn, ớt có thể gây ra tình trạng đau, viêm và sưng nghiêm trọng.
- Đau dạ dày và tiêu chảy: Ở một số người, việc ăn ớt có thể gây ra đau dạ dày. Các triệu chứng của nó bao gồm đau bụng, nóng rát dạ dày, chuột rút hay tiêu chảy. Với những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc không thường xuyên ăn ớt, tình trạng trên có thể càng trầm trọng hơn.
- Nguy cơ ung thư: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất capsaicin có trong quả ớt vừa có thể giảm nguy cơ ung thư, nhưng đồng thời cũng có thể tăng nguy cơ gây ra một số bệnh ung thư nhất định, ví dụ như ung thư túi mật và dạ dày, ung thư miệng và cổ họng.
Ăn bao nhiêu ớt là đủ?
Năm 2015, các nhà nghiên cứu đến từ những trường đại học danh tiếng thế giới, bao gồm Trường Y tế Cộng đồng Harvard (Mỹ), Đại học Oxford và Học viện Y khoa Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát trên gần 500.000 người ở trong độ tuổi trung niên. Kết quả cho thấy, những người thường xuyên ăn ớt từ 1-2 ngày một lần có khả năng giảm 14% nguy cơ tử vong do ung thư, các bệnh lý về tim mạch và các vấn đề về đường hô hấp khác.
Một số nghiên cứu khác cho thấy việc tiêu thụ 10 gr ớt trong bữa ăn có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường lợi ích của ớt và giảm những nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, tùy thuộc vào khẩu vị, nhu cầu vào tình trạng sức khỏe mà bạn có thể điều chỉnh lượng ớt muốn ăn, tuy nhiên khoảng 10 gr mỗi bữa là lượng tốt nhất để tăng cường lợi ích cho sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Chili Peppers 101: Nutrition Facts and Health Effects - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 13/3/2019. |