Giấm táo không chỉ phổ biến trong việc nấu ăn mà còn được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời trong y học. Vậy công dụng của giấm táo là gì và dùng giấm táo có tác hại nào không?
Giấm táo đã được con người sử dụng từ rất lâu trong cả việc nấu ăn và y học. Trên thực tế, giấm táo có nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe, bao gồm tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa. Giấm táo có thể đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, ví dụ như hỗ trợ giảm cân, giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu và cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Dưới đây là những tác dụng của giấm táo mà có thể bạn chưa biết:
Công dụng của giấm táo
1. Chứa hợp chất có lợi cho sức khỏe
Giấm táo được sản xuất theo quy trình 2 bước. Bước 1, người ta sẽ cho táo nghiền vào men, giúp lên men đường và biến thành rượu. Tiếp theo, người ta sẽ thêm vi khuẩn để rượu tiếp tục lên men, biến nó thành axit axetic - hợp chất hoạt động chính trong giấm.
Axit axetic tạo cho giấm có mùi và vị chua đậm. Đây cũng chính là hợp chất tạo nên những lợi ích sức khỏe của giấm táo. Trong giấm táo có chứa 5-6% axit axetic.
Tuy giấm táo không chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhưng nó cũng cung cấp một lượng nhỏ kali, một số axit amin và chất chống oxy hóa.
2. Giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại
Giấm táo có thể giúp tiêu diệt mầm bệnh, bao gồm cả vi khuẩn. Theo thói quen, nhiều người thường sử dụng giấm để làm sạch và khử trùng, thậm chí là rửa sạch vết thương hoặc vết nhiễm trùng.
Giấm táo cũng là một chất bảo quản thực phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấm táo ức chế vi khuẩn như E. coli phát triển bên trong và làm hỏng các loại thực phẩm. Do đó, giấm táo có thể được sử dụng để bảo quản thực phẩm tươi ngon lâu hơn.
Một số báo cáo cho thấy giấm táo pha loãng còn có thể giúp trị mụn khi thoa lên da.
3. Giảm lượng đường trong máu, kiểm soát bệnh tiểu đường
Một trong những công dụng tuyệt vời nhất của giấm táo đó là hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh tiểu đường loại 2 được đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao do kháng insulin hoặc không có khả năng sản xuất insulin. Lượng đường trong máu cao cũng liên quan tới một số căn bệnh mãn tính nguy hiểm khác.
Nghiên cứu khoa học cho thấy giấm táo mang lại nhiều lợi ích liên quan đến lượng đường trong máu và lượng insulin. Giấm táo có thể cải thiện độ nhạy insulin từ 19-34% trong bữa ăn nhiều carb và giảm đáng kể lượng đường trong máu và phản ứng với insulin.
Một nghiên cứu nhỏ ở những người mắc bệnh tiểu đường cho thấy việc tiêu thụ 2 muống canh giấm táo trước khi đi ngủ làm giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống 4% vào sáng hôm sau.
4. Hỗ trợ giảm cân
Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ giấm táo có thể làm tăng cảm giác đầy và no, từ đó giúp cơ thể bạn tiêu thụ ít calo hơn và giảm cân. Mỗi muống canh giấm táo chỉ chứa 3 calo.
Cụ thể, việc dùng giấm trong một bữa ăn nhiều carb sẽ có cảm giác no lâu hơn, giúp bạn giảm tiêu thụ hơn 200-275 calo trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Một nghiên cứu khác trên 175 người béo phì cho thấy rằng tiêu thụ giấm táo hàng ngày có thể giúp giảm mỡ bụng và giảm cân.
5. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện trong cuộc sống hàng ngày một cách lành mạnh hơn, bạn có thể tìm đến giấm táo với công dụng cải thiện sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu chỉ ra giấm táo có thể làm giảm mức cholesterol và chất béo trung tính, cũng như một số yếu tố nguy cơ bệnh tim khác. Ngoài ra, một số báo cáo chưa chính thức cho thấy giấm táo cũng giúp làm giảm huyết áp - một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và bệnh thận.
6. Tốt cho hệ tiêu hóa
Uống giấm táo có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa một cách tự nhiên. Bạn có thể thêm một muỗng giấm táo vào một cốc nước rồi uống khoảng 15 phút trước bữa ăn.
Giấm táo chứa nhiều enzyme và axit axetic giúp kích thích hệ tiêu hóa, đẩy mạnh việc tiêu thụ thức ăn, tăng cảm giác ngon miệng trong bữa ăn. Bên cạnh đó, đặc tính kháng khuẩn của giấm táo cũng giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong ruột gây ra các vấn đề như tiêu chảy, đầy hơi và co thắt ruột.
7. Làm đẹp da, chữa một số bệnh về da
Giấm táo là một phương thuốc phổ biến cho các tình trạng da như da khô và bệnh chàm. Do da có tính axit nhẹ nên việc sử dụng giấm táo sẽ giúp cân bằng lại độ pH tự nhiên của da, cải thiện hàng rào bảo vệ da.
Mặt khác, giấm táo cũng có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da liên quan đến bệnh chàm và các tình trạng da khác.
Bạn có thể pha loãng giấm táo với nước hoặc nước hoa hồng, sau đó thoa lên da để tiêu diệt vi khuẩn tích tụ trên da, ngắn ngừa đốm chàm. Lưu ý, không thoa giấm táo lên vùng da bị tổn thương, không bôi giấm táo chưa pha loãng trực tiếp lên da và hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu trước khi sử dụng nếu bạn có một làn da nhạy cảm.
8. Trị hôi miệng
Các axit tự nhiên có trong giấm táo như axit axetic và axit malic có tác dụng làm giảm vi khuẩn gây hôi miệng. Nếu bị hôi miệng, bạn có thể pha một muỗng giấm táo và 1/3 cốc nước, sau đó súc miệng trong khoảng 20 giây để cải thiện tình trạng này.
Tác dụng phụ của giấm táo
Giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách, nó cũng có thể gây ra những phản ứng ngược. Sử dụng quá nhiều giấm táo có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm:
- Gây ra chứng liệt dạ dày: Do giấm táo làm giảm tốc độ thực phẩm rời khỏi dạ dày để đi vào đường tiêu hóa chậm hơn, từ đó làm chậm sự hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu.
- Gây khó chịu đường tiêu hóa: Axit axetic có trong giấm táo có thể làm giảm sự thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no, làm giảm lượng calo cần thiết cho hoạt động hàng ngày.
- Rát họng: Dù giấm táo có chứa nồng độ axit thấp nhưng nó cũng đủ để gây ra cảm giác rát ở niêm mạc cuống họng. Do đó, những người bị viêm loét dạ dày không nên sử dụng giấm táo. Ngoài ra, những người bình thường cũng nên pha loãng giấm táo trước khi sử dụng.
- Gây loãng xương: Sử dụng quá nhiều giấm táo có thể làm mất kali trong cơ thể, mất canxi và các khoáng chất bị phân hủy, từ đó gây nên loãng xương.
Nguồn tham khảo: 6 Health Benefits of Apple Cider Vinegar, Backed by Science - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 4/3/2020. 7 Side Effects of Too Much Apple Cider Vinegar - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 10/8/2016. |