Lịch sử Trung Hoa có hàng trăm vị vua nhưng thực sự rất hiếm có ai qua đời vì bị đầu độc bởi thức ăn.
Trong các bộ phim Trung Quốc, mọi người có thể đã không ít lần chứng kiến cảnh thái giám hay cung nữ phục vụ đồ ăn cho Hoàng đế hay các phi tần trong cung sẽ dùng một chiếc kim bạc châm vào món ăn để thử độc. Nếu chiếc kim bạc chuyển sang màu đen chứng tỏ món ăn đó có độc.
Đó là trên phim ảnh, thực tế các vị vua xưa có thể áp dụng cách châm kim bạc (hoặc trâm bạc) vào món ăn để khử độc hay không?
Kim bạc hay trâm bạc thử độc có đáng tin không?
Vào thời cổ đại cũng có những ví dụ về thử nghiệm thuốc bằng kim bạc. Vào thời nhà Tống, Song Ci, người viết cuốn sách pháp y sớm nhất ở Trung Quốc đã ghi chép về việc dùng kim bạc để khám nghiệm tử thi.
Việc châm kim bạc vào thức ăn để thử độc có thể đưa ra kết quả sai. (Ảnh minh họa)
Lý do tại sao người xưa lại dùng kim bạc thử độc là bởi thời xa xưa, kỹ thuật chế chất độc còn khá lạc hậu, phần lớn chất độc được sử dụng ở thời cổ đại là asen (thạch tín), thành phần hóa học là asen trioxide. Do công nghệ chế độc không hoàn hảo nên luôn có một lượng nhỏ của lưu huỳnh và sunfua trong asen. Vì vậy, những chiếc kim bạc chuyển sang màu đen là do phản ứng hóa học giữa lưu huỳnh và bạc, biến chúng thành bạc sunfua có màu đen.
Do đó, việc thử độc đồ ăn bằng kim bạc cũng có một phần cơ sở đúng. Tuy nhiên có nhiều thứ không độc nhưng chứa nhiều lưu huỳnh, kim bạc khi đưa vào có thể chuyển sang màu đen, chẳng hạn như lòng đỏ trứng.
Do đó, việc dùng kim bạc thử độc trong đồ ăn vẫn có thể dẫn tới kết quả sai và việc kim bạc chuyển màu đen khi tiếp xúc với thực phẩm không phải do thuốc độc ma do đồ ăn có chứa lưu huỳnh.
Tóm lại, việc dùng kim bạc thử độc đồ ăn có thể phần nào giảm bớt nguy cơ bị nhiễm độc do độc tố thời xưa (cụ thể là thạch tín) có thể dễ chứa lưu huỳnh. Nhưng trong thời hiện đại, với sự cải tiến của công nghệ sản xuất, độ tinh khiết của thạch tín rất cao và không còn khả năng làm đen kim bạc.
Kim bạc không hoàn toàn đáng tin, Hoàng đế xưa vẫn tránh được nguy cơ đầu độc, nhờ đâu?
Việc đầu độc các vị vua thời xưa bằng thực phẩm thực sự không hề dễ dàng nếu nhìn vào cả quá trình chế biến và nấu nướng, phục vụ.
Đầu tiên là chọn người nấu ăn. Lấy triều đại nhà Thanh làm ví dụ, vào thời điểm đó, tất cả những người phụ trách khu vực bếp hay Ngự Thiện Phòng của hoàng gia đều thuộc dòng dõi Bát Kỳ, bên cạnh mỗi món ăn cũng có một tấm biển ghi tên người nấu. Những đầu bếp này cả đời đều mong chờ được Hoàng đế khen ngợi, nhắc tên nên sẽ rất cẩn thận trong nấu nướng, căn bản không có mục đích hạ độc. Hơn nữa, nếu họ cố tình đầu độc chắc chắn sẽ bị phát hiện và ảnh hưởng tới cả gia tộc.
Những đầu bếp nấu nướng trong Ngự Thiện Phòng được tuyển chọn gắt gao, mọi khâu nấu nướng đều được ghi chép, giám sát. (Ảnh minh họa)
Thứ hai là lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu cho bữa ăn của Hoàng đế phải được lựa chọn rất kỹ lưỡng và trong phòng bếp luôn có rất nhiều Ngự trù (đầu bếp) túc trực sẵn chỉ chờ lệnh sẽ nấu nướng. Họ sẽ chuẩn bị trước rất nhiều nguyên liệu, rửa sạch, sơ chế rau củ, mỗi một quy trình đều do những người khác nhau phụ trách và có đăng ký danh sách nhiệm vụ cẩn thận. Ngay cả khi đầu bếp chính nấu ăn cũng có ít nhất 3 người giám sát lẫn nhau, nếu món ăn có vấn đề ngay lập tức sẽ bị phát hiện.
Thứ ba là khâu phục vụ. Trong các bộ phim truyền hình, có thể bạn từng thấy cảnh thái giám bưng đĩa đồ ăn sau đó lén lút thêm thuốc độc vào. Thực tế, điều này không hề dễ thực hiện bởi trên đường phục vụ đồ ăn dâng lên cho vua sẽ luôn có người giám sát, ai trông chừng món ăn nào đều có ghi chép. Hơn nữa lính gác xung quanh hoàng cung cũng không hề ít, nên mọi hành vi lén lút rất dễ bị phát hiện.
Cuối cùng là khi Hoàng đế chuẩn bị ăn. Ngay cả khi 3 khâu trước đã rất cẩn thận, khi đồ ăn được dọn tới trước mặt vua sẽ luôn có một thái giám dùng thìa đũa bằng bạc sạch và nếm thử từng món ăn. Nếu có độc, Hoàng đế có thể tránh khỏi nguy hiểm tính mạng.
Vua nhà Thanh có quy tắc "ăn không quá 3 thìa" để tránh nhiễm nhiều độc tố nếu có bị bỏ độc vào thức ăn. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trong triều đại nhà Thanh còn có một quy tắc "Ăn không quá ba thìa". Cho dù vua thích món nào cũng chỉ ăn tối đa 3 miếng. Nếu món ăn thật sự có độc thì lượng hấp thụ cũng nhỏ, có thể kịp thời cứu chữa.
Trải qua nhiều quá trình như vậy, việc hạ độc thực sự rất khó khăn, cho nên trong lịch sử Trung Quốc hơn 500 vị Hoàng đế, rất ít người bị đầu độc bằng thực phẩm.