Rất nhiều người lo ngại việc táo, lê sau khi bổ ra để ngoài một lúc có hiện tượng bị thâm đen ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có người còn cho rằng sở dĩ có hiện tượng như vậy là do có chất bảo quản.
Táo và lê cung cấp nhiều dinh dưỡng
Táo và lê là hai loại trái cây xuất hiện rất phổ biến ở Việt Nam. Đây cũng là loại quả được nhiều người ưa thích vì tính ngọt thanh, cũng như cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng cho cơ thể.
Theo đó, trong khoảng 100 gram táo (chưa được gọt vỏ) có chứa 52 calo; 86% là nước; 0,3 gram protein; 13,8 gram carbs; 10,4 gram đường; 2,4 gram chất xơ và 0,2 gram chất béo.
Táo và lê có rất nhiều chất tốt cho cơ thể.
Còn trong một quả lê (trong lượng khoảng 178 gram) sẽ cung cấp cho bạn khoảng 101 calo; 17 gram đường; 06 gram chất xơ; 01 gram chất đạm. Trung bình ăn 1 quả lê sẽ cung cấp khoảng 12% lượng vitamin C cần thiết hàng ngày, cũng như 10% vitamin K, 06% kali và một lượng nhỏ canxi, sắt, magiê, riboflavin, vitamin B-6 và folate. Quả lê cũng chứa các thành phần carotenoid, flavonol và anthocyanin (có trong quả lê vỏ đỏ).
Táo, lê bị thâm sau khi gọt vỏ ăn không ảnh hưởng đến sức khỏe
Có một vấn đề rất nhiều người thắc mắc, đó là tại sao quả táo và quả lê sau khi gọt vỏ hoặc bổ thành miếng ra chỉ sau vài phút để ngoài môi trường nhiệt độ bình thường lại xuất hiện tình trạng sẫm màu (bị thâm). Với sự biến đổi về màu sắc trên bề mặt như vậy liệu có còn sử dụng được không và nếu sử dụng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc quả táo hay lê bị thâm sau khi gọt vỏ, bổ thành miếng là phản ứng bình thường với môi trường.
Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định, táo lê gọt vỏ bị thâm vẫn sử dụng được.
“Việc chuyển màu thâm đen về cơ bản chỉ gây mất thẩm mỹ cho người sử dụng chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, tôi nói về cơ bản có nghĩa là, hiện tượng thâm ở táo và lê đó mới xảy ra sau khi gọt ở những quả tươi ngon, được bảo quản trước đó an toàn.
Với những quả có hiện tượng hỏng hoặc bị thâm đen sau khi bổ ra để ngoài môi trường một thời gian dài thì tốt nhất không nên sử dụng vì có nguy cơ xâm nhập của các tác nhân có hại cho sức khỏe”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Lý giải về hiện tượng thâm đen ở táo và lê, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng, đó là cơ chế chống vi khuẩn và nấm của loại trái cây này. Hay nói cách khác là việc tiết nhựa ra để bảo vệ khỏi bị nhanh hỏng.
Theo đó, khi cắt quả táo ra, một số enzyme trong tế bào được tiếp xúc với oxy. Khi đó, các enzyme phản ứng với oxy tạo ra một lớp oxy hóa cung cấp cơ chế bảo vệ chống lại các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào quả táo.
Táo bị thâm khi bổ là phản ứng bình thường và cơ chế tự bảo vệ của loại quả này.
Nếu biết nguồn gốc an toàn, nên ăn táo lê cả vỏ
Có một vấn đề vị chuyên gia này cũng hết sức lưu ý, đó là việc người dân ăn táo, lê thường gọt bỏ vỏ. Nếu xét trên phương diện dinh dưỡng, tác dụng tới sức khỏe thì điều này là không nên vì vỏ táo có chứa nhiều chất rất tốt cho cơ thể, đơn giản như hàm lượng chất xơ có rất nhiều ở vỏ.
Tuy nhiên, với lo ngại về việc bảo quản khi vận chuyển, dây chuyền sản xuất không đủ tiêu chuẩn thì việc ăn táo gọt vỏ cũng là điều dễ hiểu. “Theo tôi, nếu biết nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là nếu tự trồng được thì khi ăn táo, lê nên ăn cả vỏ điều này là rất tốt cho sức khỏe”, lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
Nhiều lợi ích nhưng có điều tuyệt đối cấm kỵ khi ăn
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn táo, lê có lợi ích to lớn đối với sức khỏe điển hình như thúc đẩy vi khuẩn có lợi ở đường ruột, giúp ngăn ngừa ung thư, tốt cho việc giảm cân, tốt cho tim mạch…
Cũng giống như táo, trái lê có rất nhiều lợi ích với sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một lượng chất xơ cao từ quả lê cũng có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và giữ cho đường trong máu được bình ổn.
Ngoài ra, thành phần chất xơ trong quả lê giúp ngăn ngừa chứng táo bón và làm cho hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Không chỉ có vậy, lê chứa xấp xỉ 84% nước, nó giúp cho phân trở nên mềm và thải ra ngoài.
Dù có nhiều lợi ích, nhưng cũng cần phải lưu ý một số điều khi ăn táo hoặc lê, đó là cần rửa sạch trước khi ăn để loại bỏ chất bảo quản nếu có. Khi ăn táo tuyệt đối không ăn cả hạt vì loại hạt này có thể gây ngộ độc nếu ăn phải một số lượng lớn (khoảng 150 hạt). Không nên ăn ngay sau khi mới uống thuốc, đặc biệt là việc ép lấy nước uống.
Nên ngâm táo, lê sau khi bổ trong nước pha một chút muối loãng để không bị thâm.
Mẹo nhỏ để táo lê không bị thâm đen sau khi gọt vỏ
Để táo và lê không bị thâm đen khi gọt vỏ, bổ miếng lương y Bùi Hồng Minh hướng dẫn một cách rất đơn giản, đó là ngay sau khi gọt vỏ, bổ miếng hãy cho ngay vào một bát nước muối đã pha loãng. Làm như vậy vừa tránh bị thâm đen, vừa rất vệ sinh, phần nào chống được các tác nhân gây hại xâm nhập vào bên trong miếng táo hoặc lê. Ngoài ra, mọi người tốt nhất ăn đến đâu bổ đến đấy vì như vậy vừa đảm bảo miếng táo, lê ngon hơn, vừa không bị vi khuẩn xâm nhập vào.