Hoàng đế xưa rất kỵ việc bị "cắm sừng" nên thái giám trong cung đều bị hoạn nhưng tại sao các thái y thường xuyên tiếp xúc với các phi tần nhưng lại không hề bị nghi ngờ?
Hậu cung hoàng đế có trăm, nghìn cung tần mỹ nữ nên việc có thể sủng hạnh được hết tất cả không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quan niệm Hoàng đế là bậc tối cao, không cho phép ai "cắm sừng" mình nên để đề phòng hậu họa sẽ luôn có những cách riêng.
Trong hậu cung, những người là nam giới thường xuyên tiếp xúc nhất với các phi tần là thái giám, thị vệ và thái y triều đình. Những người là thái giám đều bị hoạn nên Hoàng đế khá yên tâm. Còn thị vệ chỉ có vai trò bảo vệ, không quá gần gũi với cung nữ, thê thiếp của vua nên cũng không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, thái y cũng thường xuyên ra vào hậu cung, có cơ hội tiếp xúc gần gũi với các phi tần nhưng Hoàng đế lại không đề phòng họ. Thậm chí, họ có những lúc còn phải vào cung lúc nửa đêm để chữa bệnh cho các vị thê thiếp nhưng vua cũng không mảy may nghi ngờ. Thực tế, điều này là có lý do.
Thái y trong cung thường xuyên tiếp xúc với các phi tần trong không gian riêng nhưng Hoàng đế lại không bao giờ lo lắng về họ. (Ảnh minh họa)
Trước hết, các vị thái y trong cung đều là những người không chỉ thông thạo y thuật mà còn phải có đạo đức tốt, nổi tiếng trong vùng, được các quan trên tiến cử. Nếu họ làm điều gì bất thường, các quan chức địa phương cũng có thể bị giết.
Hơn nữa, việc khám bệnh cho các công chúa, phi tần đều có thái giám tháp tùng. Thái giám sẽ ở bên cạnh để đảm bảo quá trình khám bệnh không có điều gì sai sót cũng như nghe lời căn dặn của thái y trong việc chăm sóc chủ nhân.
Một điều quan trọng nữa đó là do ảnh hưởng của tư tưởng nam nữ thụ thụ bất thân, việc tiếp xúc thân thể nam nữ dù để chữa bệnh cũng phải tránh. Đặc biệt là trong hoàng cung, phi tần và nương nương trong hậu cung đều là những người cao quý nên càng không được phép động chạm vào, cho dù là thái giám hay thái y.
Do đó, y học cổ xưa có lưu truyền một phương pháp khám bệnh được gọi là “huyền ti bắt mạch” có nghĩa là bắt mạch thông qua một sợi dây tơ. Một đầu sợi dây được đặt trên cổ tay của nữ bệnh nhân và đầu dây còn lại sẽ do thầy thuốc cầm để bắt mạch. Thậm chí để tránh tiếp xúc, thái y còn phải ngồi ở phòng khác hoặc nếu cùng phòng sẽ phải đặt tấm màn che để không thấy mặt.
Các thái y sử dụng phương pháo "huyền ti bắt mạch" để chẩn đoán bệnh. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên độ tin cậy của phương pháp này liệu có cao? Làm thế nào chỉ thông qua một sợi dây lại có thể chẩn bệnh?
"Huyền ti bắt mạch" liệu có thể chẩn bệnh chính xác?
Trong cuốn “Cổ đại y học tuyệt kỹ: Huyền ti bắt mạch” có viết rằng: “Huyền ti bắt mạch” thực chất là Chướng nhãn pháp, tức là thủ thuật che mắt người khác. Thực tế, các thầy thuốc không thể chẩn đoán được bệnh chỉ thông qua việc bắt mạch bằng sợi tơ.
Ông Shi Jinmo, một trong bốn bác sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh xưa từng có thời gian gặp gỡ những vị ngự y trong cung cho biết, ngày xưa, khi các hoàng hậu, phi tần hay công chúa ốm luôn có một thái giám, cung nữ riêng đến để giới thiệu tình trạng bệnh. Để nắm được tình hình thực tế và chi tiết, các thái y trong triều thường tặng quà cho thái giám, cũng nữ, sau khi có được những thông tin cá nhân này, họ sẽ dựa vào đó để chẩn bệnh.
Việc bắt mạch qua sợi tơ thực ra chỉ là một nghi thức để thể hiện sự tôn trọng với hoàng gia và cũng là lúc các thái y tranh thủ thời gian suy nghĩ về đơn thuốc và cách chữa để tránh sai sót.
"Huyền ti bắt mạch" chỉ là hình thức che mắt, thể hiện sự kính trọng với hoàng gia. (Ảnh minh họa)
Tương truyền rằng từng có một vị ngự y họ Trần cũng chẩn bệnh cho Từ Hi thái hậu theo cách "huyền ti bắt mạch". Sau đó, ông kê 3 đơn thuốc hỗ trợ tiêu hóa, củng cố dạ dày giúp thái hậu khỏi bệnh. Vì vậy, ông đã được Từ Hi thái hậu ban thưởng hậu hĩnh. Nhiều năm sau khi đã nghỉ hưu, ông mới tiết lộ năm ấy đã mua chuộc cung nữ hầu hạ cạnh Từ Hi thái hậu với số tiền lớn và biết trước đó bà đã đã ăn thịt ốc, gây khó tiêu. Nhờ đó mới có thể kê đơn thuốc chính xác.
Qua đó có thể thấy, "huyền ti bắt mạch" chỉ là một phương pháp để phù hợp với quan niệm xưa còn về khả năng thực sự của nó thì vẫn mãi chỉ là những lời đồn đại.
"Huyền ti bắt mạch" có thể áp dụng vào thời hiện đại?
Trong thời hiện đại, có lẽ thật khó để nhìn thấy phương pháp này nhưng ở Thẩm Dương, Trung Quốc, có một người đàn ông tên Liu Yuzhu đã tái hiện lại cách chẩn bệnh này. Liu Yuzhu đã xuống đường khám bệnh miễn phí cho mọi người, thể hiện khả năng tự học phương pháp chẩn đoán bệnh qua sợi tơ. Liu Yuzhu cho biết ông đã trau dồi kỹ thuật này từ năm 2014 và đã thành thục sau 1 năm.
Cách làm của Liu Yuzhu là buộc 3 sợi dây vào 3 cái vòng kim loại. Khi chẩn bệnh, ông Liu Yuzhu sẽ đeo 3 vòng kim loại có gắn 3 sợi dây vào 3 ngón tay, đầu dây kia buộc vào cổ tay người bệnh. Liu Yuzhu cho biết ông có thể bắt mạch ở khoảng cách lên đến 3 mét nhưng nếu khoảng cách quá dài sẽ có sai lệch.
Ông Liu Yuzhu thực hiện "huyền ti bắt mạch" cho ba sinh viên quốc tế
Ông Liu Yuzhu cũng thực hiện "huyền ti bắt mạch" cho ba sinh viên quốc tế tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Thẩm Dương. Kết quả chẩn đoán là: bệnh tim mạch và mạch máu não, bệnh ở chân, bệnh thận… Một nam sinh da đen thừa nhận rằng chân mình bị thương, nhưng không thấy thận có vấn đề gì. Liu Yuzhu cho biết bắt mạch là để đưa ra lời khuyên về việc giữ gìn sức khỏe, sau khi nhận được chẩn đoán bắt mạch, tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra kỹ, sau đó tham khảo kết quả bắt mạch.
Về phương pháp của Liu Yuzhu, các chuyên gia cho rằng điều này là không cần thiết vì ngày nay đã có những cách khám bệnh chính xác hơn nên không cần cách khám phức tạp như vậy. Hơn nữa, nguyên tắc đầu tiên của chẩn đoán lâm sàng bệnh là nhìn, nghe, hỏi, nắm bắt toàn diện, hiểu biết tổng thể về bệnh, nhằm tăng độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
Do đó, với sự phát triển của y học hiện đại, "huyền ti bắt mạch" không còn phù hợp nữa. Những câu chuyện về phương pháp khám bệnh này sẽ chỉ còn tồn tại trong lịch sử.