Thấy con trai hay cười nói, hiếu động, thích học Toán và tiếng Anh... bố mẹ nghĩ con như vậy là thông minh nhưng không ngờ đó lại là biểu hiện của bệnh.
Tưởng con thông minh hóa ra mắc bệnh
Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần Nhi (Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận ngày càng nhiều trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. “Bình quân mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 10 cháu, con số này đang ngày càng gia tăng”, BS Thiện cho hay.
Điều đáng nói, nhiều trẻ khi đến khám dù đã mắc bệnh ở thể nặng nhưng gia đình vẫn không tin con mình mắc bệnh và cho rằng con rất thông minh. Bác sĩ Thiện cho biết, mới đây khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi, khi ở nhà bệnh nhi này rất hiếu động, học Toán và tiếng Anh rất tốt, nhưng lại không thích học tiếng Việt.
Ban đầu bố mẹ mừng vui vì con thích học tiếng Anh lại thông minh, tuy nhiên khi trẻ lên lớp 2, cô giáo phát hiện trẻ có nhiều bất thường, luôn nhấp nhổm trong lớp, khó khăn khi dùng từ, viết câu, đặc biệt là trong các bài tập yêu cầu viết đoạn văn.
Thấy con hiếu động bố mẹ đừng vội mừng vì đó là biểu hiện của bệnh.
Sau khi nhà trường nhiều lần động viên gia đình đưa con đi khám, bố mẹ đã đưa cháu đi kiểm tra, được kết luận mắc tăng động giảm chú ý thể hỗn hợp.
Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.K. (16 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện bệnh từ khi 8 tuổi, nhưng sau 2 năm điều trị thấy con có dấu hiệu cải thiện nên gia đình đã ngừng thuốc.
Sau đó vài tháng, các dấu hiệu tăng động giảm chú ý lại tái phát nên gia đình đưa cháu quay lại bệnh viện điều trị từ đầu. Tuy nhiên, bác sĩ phải tăng liều sử dụng thuốc. Do tuân thủ điều trị, đến nay K. học tốt, hoà nhập cuộc sống tốt.
Bệnh phải điều trị lâu dài và kiên trì
BS Thiện cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỉ lệ này ở trên thế giới chiếm 3-7% ở tuổi đi học, tại Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2013, có khoảng 4% trẻ mắc rối loạn này, tỉ lệ nam gấp đôi nữ.
Tại Việt Nam, có đến hơn 80% các ca tăng động giảm chú ý do cô giáo phát hiện. Các dấu hiệu dễ nhất biết nhất là trẻ vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác...
BS Thiện thăm khám cho bệnh nhân bị tăng động giảm chú ý.
“Trẻ thường rất thiếu kiên trì, cô giáo chưa hỏi xong đã trả lời xong, trẻ nói quá nhiều, luôn tay luôn chân và rất khó tuân thủ các quy định ví như đợi xếp hàng hay đợi ăn cơm. Trẻ cũng rất dễ xung động, cảm xúc”, BS Thiện chia sẻ.
Theo BS Thiện, tăng động giảm chú ý là căn bệnh mạn tính giống như tiểu đường, tăng huyết áp... cần phải điều trị dài lâu và kiên trì liên tục, tái khám định kỳ.
Để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, liệu pháp chính là dùng thuốc, quyết định 80% hiệu quả điều trị, sau đó phải kết hợp với các liệu pháp tâm lý, hành vi với sự hỗ trợ từ cô giáo, gia đình, bác sĩ.
Khi trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc. Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.
Biểu hiện của rối loạn này rất sớm, ngay từ khi sinh ra nhưng khi đó dấu hiệu không đặc hiệu. Nếu cha mẹ thấy con nhạy cảm hơn với ánh sáng, hay khóc, có rối loạn giấc ngủ ban đêm, nhạy cảm với tiếng động, âm thanh cần phải theo dõi nguy cơ bị tăng động giảm chú ý khi lớn hơn, thường sẽ phát hiện từ khi trẻ biết đi.
Tuy nhiên riêng thể giảm chú ý rất khó phát hiện, đôi khi dễ nhầm với tự kỷ. Ở thể này, cha mẹ phải quan sát rất kĩ và khi đến bệnh viện, bác sĩ cũng phải làm các chẩn đoán rất kĩ.
Với những trường hợp đã được chẩn đoán mắc tăng động, giảm chú ý, BS Thiện khuyến cáo nên hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại, việc này sẽ khiến các triệu chứng nặng thêm.