Chàng trai trẻ 28 tuổi đến từ Thường Châu (Trung Quốc) vốn là dân văn phòng ít vận động cùng loạt thói quen xấu đã khiến anh phải nhập viện khẩn cấp.
“Tôi cảm thấy hơi căng, đau ngực và nghĩ rằng bản thân bị sốt nên đã đi mua thuốc uống. Tuy nhiên khi đang lái xe về nhà, 2 phút sau tôi đột nhiên thấy trời đất tối sầm, không còn nhận thức.” Anh Vương, 28 tuổi kể lại.
Sau đó, anh Vương đã được gia đình đưa tới Bệnh viện Thường Châu. Thông qua chụp X-quang phổi và siêu âm, bác sĩ phát hiện động mạch phổi và tĩnh mạch chi dưới có dấu hiệu của huyết khối, nghi ngờ bị thuyên tắc phổi.
Anh Vương ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu.
Thuyên tắc phổi là bệnh gì?
Phó giám đốc Sở Y tế về hô hấp, Li Wei giải thích thuyên tắc phổi là tình trạng xảy ra khi một hay nhiều động mạch trong phổi bị chặn tắc. Trong hầu hết trường hợp, nghẽn mạch phổi được gây ra bởi cục máu đông di chuyển đến phổi từ một phần khác của cơ thể, thông thường là chân.
Thuyên tắc phổi có thể gây tắc nghẽn động mạch phổi, ảnh hưởng đến việc lưu thông khí và tuần hoàn máu. Các triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, đau ngực, chảy máu, hồi hộp, ho, ra mồ hôi và ngất.
Ở Mỹ, mỗi năm có gần 350.000 người mắc phải căn bệnh này, tỷ lệ mắc bệnh rất cao. Đây cũng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao chỉ sau ung thư và nhồi máu cơ tim. Số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị thuyên tắc phổi cũng không ít.
Anh Vương sau khi nhập viện đã được chuyển vào khoa Hô Hấp, tiến hành điều trị trong nửa tháng, cuối cùng cũng may mắn qua khỏi.
Tại sao một thanh niên khỏe mạnh như anh Vương lại bị thuyên tắc phổi?
Căn bệnh của anh Vương có liên quan không ít đến công việc và thói quen sinh hoạt của anh. Là dân văn phòng, anh không cần phải đi ra ngoài thường xuyên, phần lớn thời gian ngồi làm việc trước máy tính. Anh thích hút thuốc khi làm việc và đôi lúc còn uống chút rượu, thời gian làm việc có lúc kéo dài tới khuya.
Bác sĩ Li Wei cho biết chính việc ít vận động, hoạt động chân tay hạn chế nên dễ khiến máu bị chảy chậm lại, theo thời gian sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, các tế bào máu dần tập hợp lại hình thành cục máu đông gây nên huyết khối tĩnh mạch. Huyết khối này có thể di chuyển tới động mạch phổi gây thuyên tắc phổi.
Bác sĩ Li Wei cảnh báo những người già, người béo phì, bệnh nhân nằm liệt giường dài ngày, bệnh nhân ung thư, phẫu thuật, người ít vận động là nhóm có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi.
Bệnh này cũng đang có xu hướng dần trẻ hóa hơn, những người ít vận động như nhân viên văn phòng, giáo viên, biên tập viên cũng có nguy cơ.
Làm thế nào để ngăn ngừa thuyên tắc phổi?
Dân văn phòng, người ít vận động nên đứng dậy tập thể dục sau khi ngồi khoảng 2-3 tiếng để làm tăng tốc độ lưu lượng máu, hoặc bạn có thể vừa ngồi vừa thực hiện động tác như người thợ may dùng chân đạp máy khâu.
Những người ở trên giường trong một thời gian dài có thể xoa bóp chân tay dưới của họ để thúc đẩy tuần hoàn máu. Khi đi xa, uống nhiều nước để pha loãng độ nhớt của máu.
Thay đổi thói quen, lối sống: Điều rất quan trọng là duy trì thói quen tốt, bỏ hút thuốc, uống rượu với mức độ vừa phải và vận động thường xuyên.
Kiểm soát cân nặng: Bệnh nhân béo phì có tỷ lệ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao hơn so với người bình thường.
Ngoài ra nếu chân đột nhiên bị sưng đau không rõ nguyên nhân kèm theo đau ngực, tức ngực, bạn nên ngay lập tức đến bệnh viện.