Trái cây tuy lành mạnh nhưng cũng cần biết cách ăn để đảm bảo sức khỏe.
Chúng ta đều biết trái cây lành mạnh và tốt cho sức khỏe nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể ăn không kiểm soát. Nhiều người còn ăn trái cây thay bữa chính vì cho rằng ít calo nên sẽ giúp giảm cân, điều này thực tế không hề có lợi.
Wang Zhenyun, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Y tế Dự phòng Lian'an, Đài Loan nhắc nhở rằng bạn nên tránh mắc vào những cái bẫy tiềm ẩn khi ăn trái cây dưới đây.
1. Trái cây không thích hợp thay thế bữa ăn, cẩn thận gan nhiễm mỡ
Chuyên gia Wang Zhenyun cho biết không ít loại trái cây trên thị trường đều đã được cải tiến về độ ngọt và mùi vị, nhiều loại đường trong trái cây có thể vượt xa sức tưởng tượng. Khi lượng đường ăn vào cao hơn nhiều so với nhu cầu của cơ thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Trước hết, một số loại đường này được dự trữ trong cơ thể dưới dạng triglycerid sau khi chuyển hóa qua gan, một khi tích tụ quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng gan nhiễm mỡ. Do đó nhiều người tuy ăn hoa quả thường xuyên nhưng lại mắc gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là khi lượng chất béo nạp vào cơ thể vượt quá khả năng đối phó của cơ thể, gan sẽ tích tụ dần các mô mỡ. Mỡ trong tế bào gan bình thường chiếm khoảng 2 đến 5% trọng lượng gan, nếu vượt quá 5% thì gọi là gan nhiễm mỡ, tình trạng này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến viêm gan, một số trường hợp còn có thể bị biến chứng do gan bị xơ hóa.
Nạp quá nhiều đường còn làm tăng kháng insulin, đồng thời ẩn giấu nỗi lo đường huyết cao và tiểu đường. Ngoài ra, nó cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa axit uric, vì vậy đừng xem thường tác động của đường đối với cơ thể.
2. Đừng ăn trái cây quá muộn, hãy cố gắng ăn trước tám giờ tối
Chuyên gia Wang Zhenyun cho rằng thực ra không có cái gọi là thời điểm tốt nhất để ăn trái cây mà nên đánh giá theo thể trạng của bản thân. Chẳng hạn như người có đường huyết cao và tiểu đường không nên ăn hoa quả lúc đói, không có lợi cho việc ổn định đường huyết.
Hầu hết mọi người cố gắng tránh ăn trái cây sau 8 giờ tối, và tốt hơn là chọn trái cây ít ngọt, vì quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn vào ban đêm, dễ dẫn đến tăng lượng đường trong máu hoặc tích tụ chất béo.
Ăn trái cây thế nào để tốt cho sức khỏe?
Giá trị GI, còn được gọi là chỉ số đường huyết, ban đầu là một khái niệm được đề xuất cho việc lập kế hoạch ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường. Nó chủ yếu để thể hiện mức độ tăng đường huyết từ 0 đến 100 sau khi ăn thức ăn trong 2 giờ. Ngày nay, nhiều người cũng có thể tham khảo giá trị của nó làm cơ sở tham khảo để lựa chọn trái cây. Chuyên gia Wang Zhenyun gợi ý rằng trái cây có giá trị GI thấp nên được ưu tiên:
★ Giá trị GI thấp: 1-55. Chẳng hạn như: Ổi, kiwi, anh đào, táo, lê, cam
★ Giá trị GI trung bình: 56-69. Chẳng hạn như: chuối, dứa, nho, dâu tây, xoài, đu đủ
★ Giá trị GI cao: trên 70. Chẳng hạn như: dưa hấu, vải, nhãn, sầu riêng
Số lượng trái cây bạn ăn cũng rất quan trọng. Chuyên gia dinh dưỡng Wang Zhenyun nói thêm rằng một khẩu phần trái cây có thể được chuyển đổi thành kích thước bằng một nắm tay, ví dụ, 1 quả táo nhỏ, 10 quả nho và 1 lát dưa hấu đỏ tương đương với một nắm hoa quả. Mỗi người cần ăn khoảng 2-3 nắm tay mỗi ngày, nếu không chú ý ăn thêm vài nắm rất dễ vượt quá giới hạn cho phép.
Đối với những người có lượng đường trong máu cao, ăn trái cây trong khoảng 2 nắm tay mỗi ngày là được, và các loại trái cây có chỉ số GI thấp nên được sử dụng làm nguyên liệu chính để chăm sóc sức khỏe.
Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thanh Nhàn