Việc phụ huynh tự ý cho trẻ sử dụng hóc môn tăng trưởng để tăng chiều cao là vô cùng nguy hiểm, bởi nó có thể gây ra những tác dụng phụ khi sử dụng.
Không phải cứ con thấp là cho uống thuốc tăng chiều cao
Hiện nay, vấn đề tăng chiều cao cho trẻ đang được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm, bởi ai cũng muốn con khi trưởng thành sẽ có chiều cao lý tưởng. Nắm bắt được xu thế đó, trên mạng xuất hiện rất nhiều lời mời chào, quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng có công dụng “thần kỳ” giúp trẻ tăng trưởng chiều cao nhanh chóng, với nhiều xuất xứ khác nhau.
Được biết, những loại thuốc hay thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng có rất nhiều mức giá, có những loại chỉ có giá khoảng 500.000 đồng/hộp, có những ống thuốc được gọi là hóc môn hoặc loại thuốc viên dạng con nhộng có giá lên đến vài triệu đồng.
Dù trẻ chậm phát triển chiều cao nhưng phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc trên mạng cho uống.
Trước những lời giới thiệu có cánh của người bán hàng, không ít bà mẹ sẵn sàng móc hầu bao chi hàng triệu đồng mua các sản phẩm trên mạng, chỉ với mong muốn con mình khi trưởng thành sẽ thật cao lớn. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, việc làm tự phát này vô cùng nguy hiểm, bởi tất cả các trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đều phải được thăm khám kỹ lưỡng, có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hóc môn tăng trưởng được chỉ định sử dụng cho những trẻ thiếu hụt hóc môn tăng trưởng. Theo đó, những trường hợp sau đây sẽ được chỉ định tiêm hóc môn tăng trưởng:
- Thiếu hụt hóc môn tăng trường: Ở trường hợp này có thể thiếu hụt hóc môn tăng trưởng do bẩm sinh hoặc do mắc phải trong quá trình phát triển. Đối với trường hợp này, không chỉ khuyến cáo ở trẻ em mà còn ở cả trẻ vị thành niên và người trưởng thành và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.
TS Dũng cho biết, những trẻ tiêm hóc môn tăng trưởng cần phải có chỉ định và theo dõi rất cẩn thận.
- Trẻ có Hội chứng Turner, tức là những bất thường về nhiễm sắc thể giới tính X.
- Trẻ bị suy thận mãn, có bằng chứng về việc trẻ bị chậm tăng trưởng do suy thận mãn tính.
- Trẻ chậm tăng trưởng nhỏ so với tuổi thai: Đó là những trẻ sinh ra có chiều cao hoặc cân nặng nhỏ hơn so với những trẻ cùng tuổi thai, cùng giới cùng quần thể...
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cũng cho biết ở Mỹ hiện đã phê chuẩn cho những trường hợp trẻ chậm tăng trưởng không rõ nguyên nhân. Đối với chỉ định này cần phải cân nhắc, vì có trường hợp trẻ đáp ứng được nhưng có trẻ lại không có kết quả.
Tự ý sử dụng rất dễ gặp họa
Bác sĩ Dũng cũng cho rằng, tiêm hóc môn tăng trưởng chỉ có hiệu quả trong giai đoạn ngắn, đó là từ sau giai đoạn bú mẹ đến trước giai đoạn cốt hóa đầu xương. Các giai đoạn sau đó, vai trò của hóc môn tăng trưởng chỉ có tác dụng trên chuyển hóa.
“Cho đến hiện nay hóc môn tăng trưởng được sử dụng ở nhiều quốc gia, các dữ liệu chứng minh sử dụng hóc môn tăng trưởng là an toàn. Theo đó, nếu các cháu thiếu hụt hóc môn tăng trường được chỉ định sử dụng hóc môn tăng trưởng thì chiều cao trong năm đầu tiên sử dụng là từ 12cm đến 18cm.
Những năm sau tốc độ tăng trưởng có giảm đi, nhưng vẫn đuổi kịp những cháu phát triển bình thường. Tuy nhiên, điều bắt buộc là phải được chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa bởi vì có một số tác dụng phụ”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Có những trẻ ở độ tuổi rất nhỏ đã phải tiêm hóc môn tăng trưởng.
Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng hóc môn tăng trưởng đó là gây áp lực sọ não thoáng qua, trong quá trình sử dụng phải kiểm tra cột sống định kỳ vì nguy cơ cao có thể gây cong vẹo cột sống, chệch khớp háng... Chính vì thế, việc các bậc phụ huynh tự ý sử dụng hóc môn tăng trưởng nhằm tăng chiều cao cho con là hết sức nguy hiểm.
Về những dấu hiệu khi trẻ bị thiếu hóc môn tăng trường, bác sĩ Dũng cho biết, ở giai đoạn sơ sinh trẻ có biểu hiện tam chứng đó là: hạ đường huyết, vàng da kéo dài, kích thước dương vật rất nhỏ. Càng lớn lên biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao rõ rệt.
Vì thế việc theo dõi tăng trưởng chiều cao rất quan trọng, qua quá trình thẽo dõi, nếu 1 năm trẻ không tăng được 4cm thì trẻ đó có bất thường về mặt tăng trưởng và cần được đến khám để phát hiện sớm để điều trị kịp thời.