Hà Nội: Bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp, nhiều gia đình cả nhà đều mắc

Ngày 08/02/2017 15:12 PM (GMT+7)

Tại Hà Nội, nhiều khu vực có cả gia đình mắc bệnh thủy đậu, thậm chí có những trẻ tiêm phòng rồi vẫn mắc bệnh và phải nhập viện điều trị.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang gia tăng nhanh.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho thấy, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã có rất nhiều ca mắc bệnh thủy đậu. Thậm chí, một gia đinh có tới 6 người cùng mắc bệnh một lúc. Điều đáng nói, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh, ngay cả những trường hợp đã từng tiêm vắc xin.

Hà Nội: Bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp, nhiều gia đình cả nhà đều mắc - 1

Nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị vì mắc bệnh thủy đậu.

Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện E Trung ương, số ca mắc thủy đậu trong vòng 1 tháng trở lại đây tăng vọt. Ths.BS Vũ Mạnh Cường (khoa Bệnh nhiệt đới – BV E Trung ương) cho biết, trong 1 tháng gần đây, khoa tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, các trường hợp nhập viện vẫn trong tình trạng kiểm soát được, chưa có trường hợp nào biến chứng nặng, tử vong.

Có một trường hợp đang điều trị tại BV E Trung ương là bệnh nhân V.T.T.H (SN 1987, tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 6/2, trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân.

Khai thác tiền sử của bệnh nhân H, được biết, bệnh nhân bị mắc thủy đậu từ ngày 5/2. Con bệnh nhân 2 tuổi cũng bị mắc thủy đậu và đã được điều trị khỏi 31/1/2017. Sau một ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, đa lứa tuổi, đa hình thái (có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, nốt mới mọc, nốt mọc lâu…).

Hà Nội: Bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp, nhiều gia đình cả nhà đều mắc - 2

Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng mắc căn bệnh này.

Trước đó, bệnh nhân N.M.H (SN 1994, Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vào ngày 4/2 do mắc bệnh thủy đậu, nổi bỏng nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi cũng bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh.

XEM THÊM: Dấu hiệu và cách chăm sóc bệnh nhân bị thủy đậu

Điều đáng nói là 2 bệnh nhân người lớn này chưa từng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thủy đậu, chưa từng mắc bệnh và tiếp xúc với nguồn lây…

TS.BS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viên E cho biết, bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người này khác qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.

Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

BS Hiền nhấn mạnh, đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Theo đó, bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

4. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thủy đậu