Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết tính đến hết tháng 4/2019, trên địa bàn có 21.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3 người tử vong.
Theo đại diện Trung tâm Y tế dự Phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối mùa dịch 2018-2019 và có xu hướng giảm trong tháng 4. Tuy nhiên, vì đỉnh dịch năm 2018-2019 rơi vào tuần thứ 3 của năm 2019, trễ 10 tuần so với đỉnh của mùa dịch trước và số ca bệnh hàng tuần giảm chậm nên số ca tích lũy trong những tuần đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm trước.
“Mặc dù bệnh sốt xuất huyết của thành phố đang ở giai đoạn thấp điểm trong năm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn tuần cùng kỳ những năm trước, đã có 3 ca tử vong vì bệnh: 2 ca ở Củ Chi, Tân Phú vào tháng 1/2019 và 1 ca tử vong ở quận Bình Tân vào tháng 4/2019”, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng nói.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới.
Để chủ động kìm hãm số ca bệnh khi mùa mưa đến, trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo cần tập trung xử lý triệt để các ổ dịch hiện hành, ổ dịch lan rộng; đẩy mạnh truyền thông duyệt lăng quăng trong mỗi nhà dân.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết nếu trong gia đình có một người bị bệnh sốt xuất huyết, xung quanh nơi ở có nhiều muỗi thì khả năng người thân trong nhà và những hàng xóm xung quanh cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Da bệnh nhân xuất hiện những nốt phát ban đỏ.
Những dấu hiệu của sốt xuất huyết bao gồm:
Sốt cao khi xuất huyết biến chứng
Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.
Xuất huyết (chảy máu) khi biến chứng
Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Với phụ nữ, khi bị sốt xuất huyết mà tới kỳ kinh nguyệt thì chu kỳ này có thể kéo dài hơn. Kinh nguyệt cũng có thể tới sớm hơn bình thường khi nhiễm bệnh. Với trẻ em, bên cạnh những nốt xuất huyết trên cơ thể thì thường kèm theo bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu...
Nhiều người bị nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh nhức đầu, đau cơ, đau khớp.
Đau bụng khi sốt xuất huyết biến chứng
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…
Sốt xuất huyết biến chứng gây ra tình trạng sốc
Triệu chứng cuối cùng nguy hiểm nhất khi nhiễm sốt xuất huyết thể nặng là tình trạng sốc. Tình trạng sốc của cơ thể thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của chu kỳ bệnh. Tình trạng sốc có thể thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột chuyển sang hết sốt, nhưng lại mệt mỏi li bì, chân tay lạnh, đi tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi đại tiện ra máu. Khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không tới bệnh viện kịp thời.
Ở ngày thứ 4, 5 của bệnh sốt xuất huyết, nếu không được điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây sốc, huyết áp không ổn định, viêm não, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.
Theo BS Phong, người lớn, nhất là những người có sẵn bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp hoặc phụ nữ đang mang thai... nếu bị sốt xuất huyết càng nguy hiểm hơn.
“Ở ngày thứ 4, 5 của bệnh sốt xuất huyết, nếu không được điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể gây sốc, huyết áp không ổn định, viêm não, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể bị biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, chảy máu đường tiêu hóa và xuất huyết não… gây tử vong”, BS Phong nói.