TP.HCM vào mùa mưa, cảnh giác loạt bệnh đáng sợ về da và cách phòng ngừa tốt nhất

Ngày 15/05/2019 14:30 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, mùa mưa được xem là điều kiện thuận lợi để các bệnh về da bùng phát nếu không có biện pháp bảo vệ da cẩn thận.

Mới bước vào đầu mùa mưa nhưng những ngày qua, người dân TP.HCM liên tục phải chịu cảnh “bơi” trên đường về nhà. Nhiều tuyến đường tại đây cứ mưa xuống là ngập, gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, sinh hoạt cũng như ẩn họa nhiều mối nguy hại về sức khỏe.

Chị Lê Cẩm Giang (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Bình Thạnh) cho biết do công ty chị nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - con đường được xem là “thảm cảnh” của nước ngập mỗi khi trời mưa nên việc cả xe và người phải lội nước là chuyện “như cơm bữa”.

Do thường xuyên tiếp xúc với nước mưa, có khi ngâm chân một khoảng thời gian dài vì nước ngập kèm theo kẹt xe nên chị bắt đầu xuất hiện tình trạng viêm kẽ chân. “Lúc đầu cứ nghĩ vài hôm sẽ khỏi nên mình chủ quan. Đến khi cả 8 kẽ chân đều lở loét, chảy dịch kèm đau rát mình mới đến BS thì được cho biết nếu không đến khám và điều trị kịp thời, chân mình rất dễ bị bội nhiễm. Sau lần đó, mình chuẩn bị một đôi ủng nhỏ bỏ trong cốp xe, phòng khi trời mưa thì mang vào. Như vậy sẽ hạn chế được việc da tiếp xúc với nước bẩn”, chị Giang nói.

TP.HCM vào mùa mưa, cảnh giác loạt bệnh đáng sợ về da và cách phòng ngừa tốt nhất - 1

Nhiều tuyến đường tại TP.HCM "hóa sông" mỗi khi mưa xuống.

Theo TS BS Ngô Minh Vinh ( Bệnh viện Da liễu TPHCM), mùa mưa được xem là điều kiện thuận lợi để các bệnh về da bùng phát. Nguyên nhân là do mưa xuống ứ đọng, các chất thải khiến cho nước bị nhiễm bẩn, việc da tiếp xúc trực tiếp với các vi sinh vật gây hại có trong nước bẩn khiến da dễ bị viêm nhiễm, phát sinh nhiều bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các bệnh về da trong mùa mưa có thể kể đến như:

Nấm kẽ chân

Thời tiết ẩm ướt do mưa, đường ngập khiến chân luôn phải tiếp xúc với nước, đây là lí do khiến tình trạng nấm kẽ chân (hay còn gọi là nước ăn chân) trở nên phổ biến.

Nguyên nhân bệnh do nấm trichophyton rubrum, thường xuất hiện ở các kẽ ngón chân, căn bệnh này gây tình trạng ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu. Nếu đã xuất hiện triệu chứng bệnh mà vẫn không chữa trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị bội nhiễm, gây sốt, nhức cả bàn chân, kéo theo liệu trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.

TP.HCM vào mùa mưa, cảnh giác loạt bệnh đáng sợ về da và cách phòng ngừa tốt nhất - 2

Bệnh nấm kẽ chân.

Để điều trị nấm kẽ chân, bệnh nhân có thể sử dụng dung dịch chống nấm như cồn BSI 2%, dung dịch Nizoral, Calorem…cho những trường hợp bệnh nhẹ. Nếu tình trạng trở nặng, bác sĩ sẽ cho chỉ định kết hợp thuốc kháng sinh, kháng nấm lên vết thương.

Để phòng tránh tình trạng nấm kẽ chân, người dân cần chủ động mang ủng cao su, nhanh chóng rửa chân bằng nước sạch nếu chân vừa tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn; nên mang tất thông thoáng; không mang giày ướt trong thời gian dài…

Viêm nang lông

Việc sử dụng nước tắm giặt không đảm bảo vệ sinh cùng với không khí ẩm ướt dễ dẫn đến tình trạng viêm nang lông trên da. Biểu hiện của bệnh là những nốt sần, đỏ, đôi lúc là mụn nước, mụn nhân, bên trong thậm chí còn xuất hiện sợi lông… gây ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ.

Viêm nang lông thường không khỏi tự nhiên mà phải cần trải qua điều trị. Bệnh nhân có thể dùng các thuốc thoa như Fucidine 2% hay Dalacin T kết hợp với các thuốc uống để điều trị tận gốc bệnh.

Để phòng tránh bệnh, cần giữ vệ sinh sạch sẽ trong mùa mưa bão, sử dụng xà phòng rửa tay, chân sau khi lao động trong môi trường ẩm ướt.

Bệnh mề đay

Nước mưa thấm ướt vào người trong thời tiết khí hậu lạnh rất dễ dẫn đến bệnh mề đay ở da. Bệnh mề đay dễ dàng nhận biết, đó là những vùng da bị sẩn đỏ hoặc hồng, phù lên trên da với những hình thù khác nhau và gây ngứa.

Bệnh mề đay có hai loại là mề đay cấp tính và mãn tính. Mề đay cấp tính là hiện tượng da bị nổi mề đay bất ngờ và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, trong khi bệnh mãn tính có tình trạng kéo dài trên 6 tuần và không thuyên giảm.

Để điều trị mề đay cấp tính có thể dùng một số dung dịch thoa trực tiếp lên da hoặc sử dụng khi tắm, bệnh mề đay mãn tính cần liệu trình dài và phức tạp hơn.

TP.HCM vào mùa mưa, cảnh giác loạt bệnh đáng sợ về da và cách phòng ngừa tốt nhất - 3

Bệnh mề đay có hai loại là mề đay cấp tính và mãn tính.

Bệnh hắc lào

Nấm bẹn (còn gọi là hắc lào) cũng thường xuất hiện khi đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt sau khi mắc mưa. Từ một bên bẹn nấm sẽ lan sang bên kia, sau đó xuống mông, thắt lưng. Người mắc bệnh hắc lào thường bị ngứa nên hay gãi, làm lây lan trên cơ thể. Nấm thân rất dễ lây lan do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như: quần, áo, khăn mặt, khăn tắm, ngủ chung giường, đắp chung chăn… 

Những biện pháp phòng bệnh da liễu vào mùa mưa:

- Dọn dẹp vệ sinh môi trường sống.

- Tìm nguồn nước sạch để sử dụng.

- Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn.

- Cần trang bị đầy đủ ủng, giày, găng tay khi bắt buộc phải tiếp xúc với nước bẩn.

- Vệ sinh bằng cách tắm rửa bằng nước sạch sau khi tiếp xúc với nước bẩn và lau khô, đặc biệt là các ngón chân, ngón tay.

- Không mặc quần áo ẩm ướt.

- Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước ôxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B...để rửa vết thương.

- Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh nhằm tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Tránh gãi, hạn chế làm vết thương lan rộng.

Nắng nóng, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh về da, 5 điều cần chú ý để bảo vệ da con
Theo các bác sĩ, những ngày thời tiết nắng nóng gần đây, số lượng trẻ sơ sinh nhập viện tại các khoa sơ sinh có dấu hiệu đông hơn so với ngày thường.
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh về da