Trẻ em hay bú tay hoặc cắn móng tay ít bị dị ứng khi bước vào tuổi thiếu niên so với trẻ không có thói quen được cho là không tốt này - theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học New Zealand tại ĐH Otago mới được công bố trên tạp chí Pediatrics.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 1.000 trẻ em từ lúc mới chào đời cho đến khi lên 11 tuổi, trong đó có 31% bú tay hoặc cắn móng tay. Đến khi trẻ lên 13 tuổi, họ nhận thấy nhóm bú tay có tỉ lệ dễ bị dị ứng thấp hơn 1/3 so với nhóm còn lại.
Bú tay chưa hẳn là thói quen xấu Ảnh: HEALTHDAY NEWS
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Robert Hancox, nêu khả năng kết quả nêu trên có thể liên quan đến “giả thuyết vệ sinh”. Lập luận này cho rằng việc sớm phơi nhiễm với vi khuẩn ở tuổi nhỏ có thể giúp hướng hệ miễn dịch vào tư thế chống lại nhiễm trùng và thoát khỏi xu hướng dị ứng.
Đồng quan điểm với luận giải này, người phát ngôn Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ Mika Hiramatsu cho rằng đây là bằng chứng mới củng cố thêm “giả thuyết vệ sinh” và mối liên hệ tương tự đã được xác nhận trong những nghiên cứu trước đây, theo đó, trẻ chơi với vật nuôi, sống ở nông thôn thì ít bị dị ứng. TS Hiramatsu nhận xét: “Tốt hơn nên cho trẻ phơi nhiễm với nhiều loại vi khuẩn và một môi trường vô trùng có thể không tốt cho chúng ta”.